'Nghỉ lễ ở nhà và ngừng thói vũ phu'
'Sau khi xảy ra xung đột thì tốt nhất nên nghỉ lễ ở nhà. Hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mình để khắc phục', một độc giả nhận xét.
Sáng suốt khi hoãn kỳ nghỉ lễ
Sau khi bài viết của độc giả N.K: "Chồng đánh tôi vì không hủy chuyến đi chơi dịp lễ", nhiều độc giả đã gửi phản hồi với VietNamNet bày tỏ quan điểm. Đa số độc giả đều khuyên nếu có thể thì nên hoãn chuyến du lịch lại, do tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp.
Độc giả Song Hà đưa ra lời khuyên: “Dịp này không đi thì còn dịp khác. Chồng bạn nói đúng, nếu chẳng may có người nhiễm, mình lại ở trong khu vực đó thì phải cách ly cả nhà, lỡ dở nhiều việc sau này. Mình nên cân nhắc vì an toàn của gia đình, đừng tiếc số tiền đã đặt cọc. Có những việc xảy ra rồi, hối hận cũng không cứu vãn được”.
Đồng quan điểm, anh Trần Nghị cho rằng: “Chồng bạn suy nghĩ khá thấu đáo. Khi mắc Covid-19, bạn có nghĩ gia đình mình sẽ như thế nào không? Bạn nên xem lại mình”.
“Phú Quốc giáp Campuchia - quốc gia có tình hình dịch căng thằng mà còn đòi đi du lịch. Đi về, nhiễm dịch bệnh lại làm khổ người khác”, độc giả Lê Hoa phân tích.
“Cuộc sống còn dài, thiếu gì cơ hội để đi. Nếu suôn sẻ thì không sao, còn chẳng may xuất hiện ca bệnh, mình lại tiếp xúc gần, cả gia đình phải cách ly 28 ngày. Thời gian đó, chúng ta không có thu nhập, con cái phải nghỉ học, lại bị dư luận lên án thì hối hận cũng đã muộn”, một độc giả khác nhấn mạnh.
Không chỉ vì lý do tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang căng thẳng, độc giả Ngọc Dung nhấn mạnh rằng, đi chơi vào dịp lễ thường xuyên quá tải, chen lấn, không khác gì “hành xác”.
“Ngày lễ bao giờ cũng đông đúc và chi phí đắt đỏ. Đi du lịch vào dịp này không phải là ý hay”, một độc giả nhấn mạnh.
Bạn đọc Peter Cao cũng khuyên gia đình chị N.K nên dành thời gian nghỉ lễ ở nhà hay ở quê sẽ an toàn hơn. Ở trong trường hợp tương tự, độc giả Hoàng Anh chia sẻ câu chuyện của chính gia đình mình: “Không đi thì tiếc, đi thì sợ. Nhà tôi cũng quyết định hủy chuyến đi Hà Giang vào 4 ngày nghỉ sắp tới vì lo lắng vì dịch bệnh".
Đàn ông tử tế không ai đánh vợ
Mặc dù ủng hộ quan điểm, lập luận của người chồng nhưng nhiều độc giả không đồng tình với hành vi đánh vợ của anh chồng trong bài viết.
Độc giả Thanh Hải viết: “Về lý, tôi thấy chồng đánh vợ là sai và sau cái tát đó, vợ chồng khó mà bình thường như trước”.
Bạn đọc Anh Hà cũng đồng tình, chuyện không có gì to tát mà hai vợ chồng đã căng thẳng. “Anh ấy nghĩ cho gia đình, nhưng lại nóng tính quá. Bạn khéo léo nhẹ nhàng một chút, không đi chuyến này thì đi chuyến khác, còn lỡ bị sao thì ân hận cả đời”, Anh Hà khuyên.
“Chồng bạn khuyên đúng, nhưng tát vợ là sai, đàn ông không ai tát vợ cả. Theo tôi thì dịp lễ này cả nhà tạm hoãn, vẫn hoãn được vé và phòng khách sạn mà bạn. Ở nhà cho lành, khéo léo góp ý với chồng, động chân động tay với phụ nữ là không đáng mặt đàn ông”, người đọc Phương Phương tỏ ra bất bình với hành vi đánh vợ.
Độc giả Giang cũng cho rằng hành động của ông chồng là thái quá. Theo chị, anh phải xem xét tình hình dịch bệnh đến đâu, nhà nước có lệnh cấm như thế nào rồi phân tích lại cho vợ.
Đây là thói xấu của các ông chồng ở Việt Nam - hay nóng giận lên là đánh vợ”, độc giả này nhấn mạnh.
Một bạn đọc khác ký tên Hưng cũng phân tích, hai vợ chồng chị N.K mới có chuyện nhỏ như vậy mà đã quá căng thẳng. Cuộc đời này còn nhiều việc phức tạp, khó quyết định hơn và lúc đó không biết họ sẽ cư xử như thế nào.
"Mất 30 triệu đồng mà không khí vui vẻ thì vẫn tốt hơn là tiết kiệm 30 triệu mà không khí luôn căng thẳng”, anh Hưng đưa ra lời khuyên.
Một độc giả khác cũng bày tỏ: "Sau khi xảy ra xung đột thì tốt nhất nên nghỉ lễ ở nhà. Hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mình để khắc phục. Đặc biệt anh chồng, hy vọng đây là lần cuối anh đánh vợ".
Nam Phương (tổng hợp)
Bạn có thể gửi ý kiến cho chúng tôi về địa chỉ: bandoisong@vietnamnet.vn hoặc dưới phần bình luận. Ý kiến của bạn không nhất thiết phải trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn.