Nghị lực của các cô giáo có chồng là bộ đội công tác đảo xa
Vượt qua những khó khăn vất vả, Tết của những cô giáo Hà Nội có chồng công tác đảo xa vẫn tràn ngập niềm vui và ấm áp nghĩa tình.
“Làm vợ của lính đảo chịu nhiều thiệt thòi lắm” - chị Nguyễn Thị Hoài Phương - giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) có chồng là anh Đinh Ngọc Khánh hiện đang công tác tại Phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân đã thổ lộ như vậy khi năm nay lại đón Tết vắng chồng.
Chị Phương kể, anh Khánh công tác ngoài đảo đã được gần 20 năm. Từ lúc yêu rồi lấy nhau, đến nay đã có 2 người con nhưng thi thoảng anh mới có mặt ở nhà. Qua 2 lần sinh, chị càng như thấm nỗi nhọc nhằn khi thiếu vắng người chồng làm nơi nương tựa.
“Từ ngày làm vợ anh, tôi đã hiểu thế nào là sự hy sinh của một người lính. Tôi hiểu thế nào là trọng trách mà anh luôn phải gánh trên vai. Đó là những tháng ngày lênh đênh trên biển giữ bình yên đất nước. Đó là những ngày dài hành quân đằng đẵng không được liên lạc về nhà” - chị Phương chia sẻ.
Chồng công tác xa nhà, hai con lại còn nhỏ, chị Đỗ Thị Xuân, nhân viên Trường THPT Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) thường phải đảm nhận cả hai vai vừa là bố vừa là mẹ của các con. Từ nhiều năm nay, chị đã phải chấp nhận nhiều vất vả, tạm gác những tình cảm riêng tư cho vẹn tròn nghĩa lớn.
Chị Xuân tâm sự, kết hôn năm 2007, được hơn 1 tháng thì chồng lên đường làm nhiệm vụ. Hai lần bầu bì, hai lần sinh con, chị đều chỉ dựa vào sự động viên, hỗ trợ của họ hàng, bạn bè và người thân, bởi chồng còn đang bận công tác, không thể ở bên.
Ngay cả khi quyết định cất ngôi nhà mới thì chồng chị cũng chỉ tranh thủ ghé qua chứ nhiều việc chị đều phải chủ động quán xuyến. Câu hỏi mà những đứa con trước hay hỏi chị là sao mẹ lại lấy bộ đội, chị giải thích đó là một điều tự hào bởi bố đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, biển đảo.
Chị Trần Thị Ngọc Tỉnh - giáo viên Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có chồng là chiến sỹ Hoàng Duy Hưng, đang công tác tại quần đảo Trường Sa chia sẻ, người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm dâu nhà lính đều có thể hình dung một phần cuộc sống thiếu vắng chồng. Thế nhưng, đến khi chồng hết nghỉ phép trở lại đơn vị, chị mới hiểu hết nỗi vất vả của vợ lính.
Chị Tỉnh cho hay, vợ chồng chị lấy nhau gần được 5 năm, nhưng thời gian ở bên nhau vô cùng ít ỏi. Chị còn nhớ như in từ lúc mang thai cho đến những ngày “vượt cạn”, chỉ có gia đình hai bên chăm sóc bởi chồng chị ở lại đơn vị làm tròn nhiệm vụ được giao. Tủi thân nhất là những lúc ốm phải tự mình vượt qua, hay những khi con đau, mình chị phải đưa con đi khám hay chăm con trong viện.
Chị Bùi Thị Minh Nguyệt, giáo viên trường Mầm non Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức) đã có 18 làm vợ người lính đảo. Chồng chị Nguyệt là chiến sỹ Nguyễn Nhật Thành, đang làm nhiệm vụ tại Quần đảo Trường Sa. 18 năm qua, hầu như không cái Tết nào anh Thành được trở về ăn tết với vợ con. Nỗi nhớ chồng da diết được gói ghém lại, chị Nguyệt luôn mạnh mẽ chăm lo, vun vén cho nhà chồng, cho con cái có cái Tết yên ấm, đủ đầy.
“Nhớ khi các con tôi còn bé, Tết năm nào các con cũng hỏi: Tết này bố có về không? Có cho chúng con đi chơi không? Tôi nghe xong giấu nước mắt trong lòng trả lời các con rằng: Tết này bố làm nhiệm vụ không về. Bố ở ngoài khơi xa vẫn dõi theo mẹ con mình. Đến nay, các con đã lớn khôn, đã hiểu công việc của bố. Ba mẹ con dựa vào nhau cùng sống tốt, cùng vững chãi để bố yên tâm công tác”, chị Nguyệt chia sẻ.
Năm 2024, ngành GD-ĐT Hà Nội hiện có 31 cô giáo, nữ nhân viên là vợ và 111 học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo, luôn khắc phục, vượt qua mọi khó khăn để trở thành hậu phương vững chắc với những người lính đảo đang bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của tổ quốc.
Những tình cảm, sự quan tâm chia sẻ từ phía hậu phương, từ những người vợ ở quê nhà chắc chắn là nguồn động viên lớn, là động lực tiếp lửa cho các chiến sĩ biển đảo đang ngày đêm bám biển. Trong những người vợ đó có những cô giáo đang trực tiếp giảng dạy trong ngành GD&ĐT.
Không những quán xuyến, đảm đang công việc gia đình, các cô giáo, nữ nhân viên còn đạt nhiều thành tích nổi bật trong công tác như: Danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, “Cô giáo người mẹ hiền”, giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”.