Nghị lực của chàng trai mù lòa
Trong cuộc sống, nhiều người không may sinh ra và lớn lên với cơ thể bị khuyết tật. Trước hoàn cảnh bi đát, có người buông xuôi, có người sống trong mặc cảm, tự ti, nhưng cũng có rất nhiều người không chấp nhận đầu hàng số phận mà nỗ lực vươn lên bằng nghị lực sống và sự rèn luyện. Anh Hồ Văn Xút, người dân tộc Vân Kiều, ở thôn Hoong Mới, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa là một trong những người như thế. Bị mù bẩm sinh, thế giới chỉ toàn một màu đen nhưng Hồ Văn Xút không cam chịu trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Anh âm thầm rèn luyện và vươn lên từng ngày, trong từng công việc nhỏ nhất.
Bị mù từ khi lọt lòng, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nên việc thăm khám, chữa trị gần như không thể, Xút buộc phải chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình. Nhưng chấp nhận số phận không có nghĩa là đầu hàng nó, mà phải biết thích nghi và sống cùng khiếm khuyết của bản thân. Từ nhỏ, Xút vẫn theo mẹ lên nương, lên rẫy, rồi dần dần những âm thanh của cuộc sống ở bản làng thấm sâu vào tâm thức của Xút. Là người khiếm thị nên muốn làm được việc gì đó, Xút luôn để tâm lắng nghe xung quanh rồi “lập trình” cho mình một thói quen để thực hiện. Những tiếng giã gạo bằng cối của mẹ làm cho Xút thích thú, rồi anh nói mẹ dạy, tập từng chút một, từ tư thế cầm chày, cách cảm nhận vị trí cối, dần dần Xút đã có thể tự mình giã gạo giúp gia đình. “Ở bản, ai cũng giã gạo thủ công bằng cối thôi, đến khoảng năm 2005 thì gia đình mới sắm được cái máy xay xát lúa phục vụ cho bà con. Thấy con cũng muốn giúp đỡ gia đình nên tôi cũng tập tành, hướng dẫn tỉ mỉ cho con. Ai ngờ, Xút có thể xay xát lúa được, nên cũng mừng lắm”, ông Hồ Văn Thìn, bố anh Xút kể lại.
Đôi mắt hoàn toàn không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng Xút vẫn có thể tự tay bưng lúa bỏ vào máy, bật công tắc điện, rồi hứng gạo ở máng và gạt vỏ trấu khi tràn, mọi thao tác đều được thực hiện một cách thuần thục. Lúa sau khi đưa vào máy bóc vỏ, cho ra gạo thì anh Xút đổ sang máy đánh bóng, tiếp đó là máy lọc sạn. Đặc biệt, quá trình xay xát gạo, anh Xút không để rơi vãi hạt lúa, hạt gạo nào. Nếu máy xay xát có sự cố, Xút vẫn có thể lấy đồ nghề, tự khắc phục được một số lỗi. Nghe ra, nhiều người không tin, nhưng khi chứng kiến tận mắt thì không ai nghĩ đó là thao tác của một người bị mù hoàn toàn.
Không chỉ vận hành được máy xay xát, Hồ Văn Xút còn tự tay chăm đàn vịt gần 100 con, nấu ăn hằng ngày cho gia đình. Đặc biệt, đều đặn mỗi ngày anh Xút còn đi bộ tầm 300 mét từ nhà ra hồ để cho cá ăn. Quãng đường đi khó khăn, có đoạn qua ván gỗ, nhưng Xút vẫn di chuyển bình thường. “Đường đi lúc đầu là nhờ em trai dẫn đi, rồi dần dần mình tự ghi nhớ quãng đường đó. Tập đi dần nên quen, giờ đi thế này cũng không khó khăn lắm, vừa đi vừa bưng cả bao bột cám nữa’’, anh Hồ Văn Xút chia sẻ.
Sinh ra đã bị mù, lớn lên cũng không được học hành nhưng không vì thế mà Xút cam chịu, anh tự tìm tòi, mày mò rồi học thuộc cả bảng cửu chương, tự biết đếm tiền. 40 tuổi, giờ anh Xút vẫn đang cố gắng từng ngày tập thêm nhiều thói quen có ích để phụ giúp gia đình. Luôn luôn cố gắng, luôn luôn nỗ lực là suy nghĩ thường trực trong chàng trai khuyết tật này, để ít nhất là có thể tự chăm lo cho bản thân mình, không làm một gánh nặng cho gia đình. “Ở Hướng Linh cũng có một vài trường hợp bị mù bẩm sinh, tuy nhiên, trường hợp của anh Hồ Văn Xút là đặc biệt. Anh Xút hiện đang được hưởng chế độ trợ cấp của người bị khuyết tật nặng mỗi tháng gần 500.000 đồng. Là một người bị khuyết tật nặng nhưng anh Xút có thể làm được nhiều việc có ích để giúp đỡ cho gia đình, đó là điều đáng biểu dương. Chúng tôi xem đây là tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận cho những người khuyết tật nói riêng và dân bản nói chung học hỏi, noi theo. Đối với những hoàn cảnh như anh Xút, phía chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để mở mang phát triển kinh tế gia đình, đồng thời, thường xuyên thăm hỏi, động viên mỗi dịp lễ tết”, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh Hồ Văn Giang cho biết.
Dẫu biết cuộc sống của những người khuyết tật sẽ có nhiều thử thách, chông gai phía trước, nhưng tin rằng, bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, tình yêu thương vô bờ bến của gia đình, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì Hồ Văn Xút và nhiều người khuyết tật khác nữa sẽ luôn tự tin vượt qua nỗi đau của bản thân, hòa nhập với cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.