Nghị lực của chiến sỹ duy nhất sống sót vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc

Gần 1 thập kỷ trôi qua kể từ vụ rơi máy bay Mi 171 tại Hòa Lạc, người duy nhất sống sót - thượng úy Đinh Văn Dương vẫn khắc khoải nhớ đồng đội.

Thoát chết hy hữu, vượt qua nghịch cảnh

Thương binh Đinh Văn Dương hướng dẫn con học bài. Ảnh: Văn Tuân.

Thương binh Đinh Văn Dương hướng dẫn con học bài. Ảnh: Văn Tuân.

Những ngày cuối tháng 7, thời tiết oi nóng, tại căn nhà nhỏ trong khu chung cư ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội, anh Dương điều khiển xe lăn đi lại nhẹ nhàng trong nhà, tự tay lấy nước mời khách.

Anh Dương khoe, giờ anh có thể một mình tự xoay xở với một số công việc cá nhân như cắm cơm, bật quạt, ăn cơm, uống nước, mặc quần áo…

Ngày thường, anh vẫn đẩy xe xuống sân khu chung cư để vừa ngắm khung cảnh bên ngoài, vừa được tiếp xúc với mọi người, cũng là cách vận động để tăng cường sức khỏe. Những hôm trời nắng nóng, anh hạn chế ra ngoài.

“Vượt qua cửa tử, có thể tự loay hoay một số việc vặt thế này là cũng đã đỡ đần được cho người thân nhiều lắm. Chứ những năm mới gặp nạn, người thân, đồng đội, nhất là mẹ và vợ tôi phải túc trực chăm nom vất vả, khó khăn biết chừng nào”, anh Dương chia sẻ.

Tôi vẫn nói với người thân, nhất là vợ và con khi mình còn may mắn hơn các đồng đội khác là vẫn được sống, chính vì thế mình phải cố gắng sống tốt, có ích. Tôi cũng luôn động viên con cháu của mình và đồng đội phấn đấu học tập, trở thành người có ích cho xã hội, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Thượng úy Đinh Văn Dương

Vụ tai nạn mà anh Dương nhắc đến xảy ra lúc 7h46 ngày 7/7/2014, khi chiếc trực thăng Mi171 chở 21 người đã rơi ở khu vực Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía tây khi đang huấn luyện dù.

Khi đó anh đang là chiến đấu viên của Tiểu đoàn đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) tham gia chuyến bay huấn luyện.

Vụ tai nạn làm 16 chiến sĩ hy sinh tại chỗ. 5 người được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng 4 người lần lượt qua đời vì đa chấn thương, bỏng hô hấp.

Thượng úy Đinh Văn Dương là người duy nhất sống sót, nhưng cơ thể biến dạng vì bỏng gần 60%, mất hai chân, hai tay, thị lực suy giảm.

Bốn tháng trời, anh Dương nằm hôn mê trong phòng vô trùng, người thân đến thăm chỉ có thể nhìn anh qua cửa kính. Thoát khỏi những ngày nguy kịch, anh phải tiếp tục nằm viện 29 tháng, trải qua 24 ca mổ, ba lần tim ngừng đập để được trở về nhà, dù thị lực suy giảm, cơ thể bị biến dạng.

“Nhiều lúc nhìn cơ thể biến dạng chi chít sẹo, chân tay không còn, rồi bị hành hạ bởi những cơn đau co quắp, tôi từng muốn buông xuôi, muốn giải thoát. Nhưng rồi nhìn mẹ già tất bật chăm sóc, nghe tiếng con bi bô gọi bố, nghe lời động viên của đồng đội, y bác sĩ điều trị... tôi lại cố gắng”, anh Dương trải lòng.

Thầm cảm ơn “ông trời đã thương”, bảo toàn trí nhớ và khả năng ngôn ngữ, đầu óc, tâm trí người thương binh dần trở về trạng thái bình thường. Được lắp chân giả, lắp tay giả, người chiến sỹ từng bơi lội, trèo cây giỏi nhất làng bắt đầu tập ngồi, tập đi, tập đứng, tập bò…

Những việc tưởng như đơn giản ấy, nhưng anh phải mất 3 tháng tập bò, 6 tháng tập đi trong đau đớn, rỉ máu. Sau đó, anh tập cầm thìa, cầm chai nước, tập tự xúc ăn…

“Tôi thoát khỏi bàn tay tử thần nhờ vào 3 điều, đó là sự may mắn, quyết tâm của các bác sĩ giỏi nhất ở các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cùng nghị lực của chính bản thân và sự động viên của gia đình. Tôi luôn nghĩ còn sống thì phải có bổn phận, trách nhiệm sống để những đồng đội đã ngã xuống thấy an lòng”, anh Dương nói.

Rời quân ngũ, nhận chế độ thương binh từ năm 2016, anh Dương vẫn giữ thói quen thức dậy đúng giờ, không bỏ bữa sáng, luyện tập thường xuyên... Trong căn chung cư do Bộ Quốc phòng tặng, bàn giao năm 2015, có một thanh xà đơn gắn trước cửa phòng ngủ với hai “tay cầm” được chế từ ống quần của con trai nhỏ, nối với nhau bằng sợi dù màu xanh. Anh đã tự nghĩ ra cái xà ấy và luyện tập mỗi ngày cho người đỡ mỏi.

Hiện tại, anh Dương vẫn cố gắng sử dụng điện thoại di động, máy tính để kết nối với thế giới bên ngoài. Thời gian rảnh, anh vẫn hay đọc sách, báo, pha trà. Việc sinh hoạt, vệ sinh cá nhân anh cũng có thể tự làm được sau quá trình nỗ lực tập luyện. Anh cũng thường xuyên giúp vợ dạy bảo cậu con trai, hỗ trợ vợ dọn dẹp nhà cửa…

Mong muốn xây đài tưởng niệm đồng đội hy sinh

Thượng úy Đinh Văn Dương vẫn cố gắng tự chăm sóc bản thân và làm việc nhà.

Thượng úy Đinh Văn Dương vẫn cố gắng tự chăm sóc bản thân và làm việc nhà.

Bốn tháng hôn mê sau tai nạn, anh Dương tỉnh lại. Hai tuần sau ngày tỉnh lại, anh mới biết đồng đội trên Mi171 đều đã hy sinh. Chân tay bất động, chỉ còn dòng nước mắt ấm nóng chảy dài trên má. Đồng đội cùng anh ăn ở, rèn luyện, sẻ chia tâm tình nên còn thân thiết hơn ruột thịt.

“Đồng đội Tuấn quê vải thiều Lục Ngạn, trung úy Hoàng Anh quê lúa Thái Bình, Năm quê Thanh Hóa… Ngày hôm đó, tôi và Quang Ba Vì đang cười nói với nhau thì tai nạn ập đến, Quang hy sinh khi đang cười, răng Quang bị sứt nên cười càng dễ nhớ. Tôi nhớ mãi nụ cười của đồng đội trước lúc máy bay rơi”, anh Dương nghẹn lời kể.

Cuối năm 2016, thượng úy Đinh Văn Dương xuất viện. Và ngày 25 Tết, anh lần đầu tiên trở về Bình Yên (Thạch Thất) thắp hương cho 20 đồng đội. Ở nơi máy bay rơi, người dân dựng mấy gian nhà tôn, lập một bàn thờ chung cho 20 người lính và khói hương đều đặn.

“Tấm lòng trân trọng của bà con dành cho đồng đội khiến tôi rất cảm động”, thượng úy Dương chia sẻ và ước nguyện ngày nào đó, nơi đây sẽ có một khu tưởng niệm khang trang hơn dành cho đồng đội.

Sát dịp 27/7, anh lại càng nhớ đồng đội, nhớ bầu trời và nghĩ về những năm tháng trong quân ngũ hơn bao giờ hết.

“Hôm tôi và các đồng đội gặp nạn là ngày 7/7, những ngày này tôi lại hay mơ thấy các đồng đội, mơ thấy mình được huấn luyện trên bầu trời. Bầu trời gắn với năm tháng đẹp nhất và bầu trời cũng cướp đi đồng đội, cướp đi đôi tay, đôi chân của tôi. Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn là người lính, muốn được vẫy vùng trên bầu trời xanh thẳm kia. Tôi nhớ bầu trời da diết”, anh xúc động kể lại.

Lật cuốn album với hình ảnh trong những lần huấn luyện tại Trung đoàn Không quân trực thăng 916, anh Dương bảo, ngót nghét gần một thập kỷ trôi qua nhưng khoảnh khắc lần cuối cùng anh được bay lượn trên bầu trời cùng với đồng đội như là mới ngày hôm qua.

Nói về nụ cười của đồng đội, thương binh Đinh Văn Dương cho rằng, đó là khí chất của người lính Cụ Hồ, chiến đấu, luyện tập vất vả nhưng trên môi luôn nở nụ cười, đến khi hy sinh thì nụ cười vẫn còn đó.

“Trên chuyến bay, cả đội giây trước cười nói, giây sau đã âm dương cách biệt. Có lẽ là điềm báo lần cuối cùng được huấn luyện cùng nhau nên anh em cười đùa rất vui vẻ”, anh Dương bồi hồi.

Anh Dương cho biết, mỗi năm vào ngày 7/7 hay ngày Tết, anh cùng gia đình về lại nơi chiếc máy bay huấn luyện bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội vẫn được người dân đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm. Mỗi lần trở lại nơi các đồng đội hy sinh là một lần tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Người dân tại khu chung cư quân đội Thạch Bàn rất khâm phục, quý mến và coi thượng úy Đinh Văn Dương là tấm gương sáng không chỉ vươn lên để chiến thắng số phận mà còn kính trọng anh trong cách nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc, sống đoàn kết, hòa thuận trong khu dân cư.

Từ một người bị tàn phế, anh đã vượt qua mọi khó khăn, nuôi dạy hai con chăm ngoan, học giỏi. Cháu Đinh Thị Hải Yến chuẩn bị vào lớp 7 và cháu Đinh Hải Anh, chuẩn bị vào lớp 4, năm nào cả hai cũng đạt học sinh giỏi.

Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh đã nỗ lực không ngừng, ngày đêm khuya sớm tảo tần để nuôi hai con ăn học. Vào những dịp các con ôn thi, phải học khuya, nhiều đêm anh Dương cùng thức với các con để động viên, khuyến khích.

Chị Nguyễn Thị Hải, vợ anh Dương, trước đây là công nhân viên hợp đồng, nay được làm công nhân viên chính thức ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghi-luc-cua-phi-cong-duy-nhat-song-sot-vu-may-bay-roi-o-hoa-lac-d598744.html