Nghị lực của một ngư dân khuyết tật

Chỉ bằng ánh mắt, ngôn ngữ ký hiệu của đôi bàn tay, anh Võ Hải Thành (sinh năm 1994) ở làng Hà Lợi Thượng, xã Gio Hải, huyện Gio Linh vẫn có thể ra hiệu cho những thuyền viên khác trên tàu nhổ neo, kéo lưới, còn anh thì tự mình ôm vô lăng chiếc tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 400 CV vượt qua từng đợt sóng dữ, để vươn khơi bám biển. Và 'hậu phương vững chắc' của ngư dân Võ Hải Thành đang đợi anh sau mỗi chuyển biển là gia đình gồm người vợ cũng bị câm điếc bẩm sinh và cô con gái nhỏ.

 Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng anh Võ Hải Thành vẫn thành thạo nghề biển. Ảnh: HTS

Dù bị câm điếc bẩm sinh nhưng anh Võ Hải Thành vẫn thành thạo nghề biển. Ảnh: HTS

Đam mê nghề biển

Chiều về trên bờ biển thôn Hà Lợi Thượng lồng lộng gió. Tôi ngồi cùng cha con “kình ngư” Võ Hải Thành hướng mắt về phía đại dương. Qua phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu đôi bàn tay của người cha (ông Võ Minh Toàn, 52 tuổi), Thành tâm sự với tôi đại ý rằng đời ngư phủ quanh năm đi tìm luồng cá, mực. Giữa sóng nước trùng khơi, phải luôn giữ được cái đầu lạnh và trái tim nóng, đam mê nhiệt huyết với nghề thì biển cả mới cho cá, tôm đầy ắp khoang thuyền. Và ngư dân trẻ như anh phải là những người tháo vát, nhanh nhẹn, dám nghĩ, dám làm và có khí chất ngang tàng, rắn rỏi của những người ăn sóng, nói gió.

Ông Võ Minh Toàn kể lại, khoảng năm 2007, sau 4 năm theo học chữ ở Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh, Thành xin được nghỉ học để phụ cha làm nghề biển. “Lúc ấy, vợ chồng tôi thương con khuyết tật nên không muốn con phải làm nghề biển vất vả, hiểm nguy. Nhưng thấy con trai cương quyết muốn cùng tôi ra biển để đánh bắt thủy hải sản, tôi đành gật đầu chấp nhận ý nguyện của con”. Đó là một ngày trời yên biển lặng cách đây 13 năm, con tàu của ông Võ Minh Toàn chầm chậm rời khỏi cửa biển Cửa Việt để thẳng tiến ngư trường Cồn Cỏ. Suốt những ngày trong chuyến hải hành đánh bắt thủy hải sản ở ngư trường Cồn Cỏ cho đến khi tàu cập bến, Thành cứ dùng ngôn ngữ ký hiệu đôi bàn tay để hỏi cha cũng như các thuyền viên trên tàu về những công việc phải làm. Khi ấy, chỉ riêng ông Võ Minh Toàn là hiểu được, còn tất cả thuyền viên trên tàu đều “lắc đầu” không thể hiểu (sau này, nhiều thuyền viên gắn bó với tàu của ông Võ Minh Toàn dần dần hiểu được ngôn ngữ ký hiệu đôi bàn tay của Thành). Lo lắng đứa con khuyết tật sẽ “nản lòng” ngay chuyến biển đầu tiên trong đời, ông Võ Minh Toàn phải tranh thủ thời gian để nhẫn nại giảng giải, bày vẻ, hướng dẫn tận tình cho con từng thao tác từ kéo lưới, nhổ neo cho đến cách nhận biết hướng gió, dự đoán dòng chảy hải lưu mang theo luồng cá đang di chuyển về hướng nào giữa biển cả bao la. Chỉ một thời gian ngắn đi biển cùng cha, Thành đã trở thành một ngư dân giỏi nghề biển thực thụ.

 Anh Võ Hải Thành phụ giúp ngư dân bãi ngang ở thôn Hà Lợi Thượng sửa chữa lại thuyền sau chuyến biển. Ảnh: H.T.S

Anh Võ Hải Thành phụ giúp ngư dân bãi ngang ở thôn Hà Lợi Thượng sửa chữa lại thuyền sau chuyến biển. Ảnh: H.T.S

Ông Võ Minh Toàn cho biết, tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông chủ yếu làm nghề đánh bắt cá hố xuất khẩu. Cá hố là loài sống ở tầng đáy. Mùa đánh bắt cá hố bắt đầu từ khoảng tháng 8 (âm lịch) năm này kéo dài cho đến hết tháng 3 (âm lịch) năm sau. Mùa cao điểm đánh bắt cá hố thường xảy ra các đợt dông lốc, bão tố trên biển nên đòi hỏi ngư dân làm nghề phải là những người dạn dày kinh nghiệm trong nghề biển. Nói “dạn dày kinh nghiệm” là bởi muốn đánh bắt được cá hố cỡ lớn (cá phải tươi, to dài, bóng, không bị trầy xước) để bán cho các thương lái xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan… thì tàu phải luôn đánh bắt trong điều kiện sóng to, gió lớn, biển xáo động mạnh mới có. Và thuyền trưởng cũng như thuyền viên trên tàu phải hiểu ý, đoàn kết với nhau từ khi tàu rời bến đến ngư trường, cho đến khâu thả lưới, kéo lưới, nhổ neo… Chỉ cần sơ sẩy là “có chuyện” ngay. “Khó khăn, hiểm nguy là vậy, nhưng có nhiều chuyến biển, tôi bị ốm, con tôi vẫn xin tôi để được cùng các thuyền viên khác đưa tàu ra biển đánh bắt thủy hải sản. Chuyến biển đầu tiên giao tàu cho con ra biển, hai vợ chồng tôi cứ nơm nớp âu lo. Nhưng đến khi tàu cấp bến, nghe nhiều anh em thuyền viên khen ngợi “tài đi biển” như điều khiển tàu, đọc tọa độ từ máy định vị, máy dò cá để tìm đúng luồng cá hố… của đứa con khuyết tật, tôi mới tạm an tâm. Vài chuyến biển sau đó thì tôi đã yên tâm hoàn toàn khi con một mình ra biển”. Bây giờ, chưa đến mùa đánh bắt cá hố xuất khẩu, nên tàu của gia đình ông Võ Minh Toàn nằm bờ, thỉnh thoảng mới ra khơi làm vài nghề biển khác. Nhưng vì đam mê nghề biển nên ngày nào, Thành cũng xin thuyền ngư dân bãi ngang ở thôn Hà Lợi Thượng ra biển để đánh bắt thủy hải sản gần bờ.

Bến đợi bình yên

Bằng ngôn ngữ ký hiệu đôi bàn tay, anh Võ Hải Thành nói với tôi rằng, sau những chuyến biển gian khổ, hiểm nguy, bến đợi bình yên của đời Thành là căn nhà nhỏ lao xao tiếng nói, tiếng cười của đứa con gái bé bỏng Võ Lê Bảo Hân (sinh năm 2017) cùng ánh mắt chan chứa yêu thương của người vợ câm điếc Lê Thị Hương (sinh năm 1991). Bà Nguyễn Thị Gái (51 tuổi, mẹ của Thành) nhớ lại, khoảng tháng 6/2015, có nhóm bạn câm điếc của Thành ghé nhà chơi. “Trong nhóm bạn của con, tôi thấy có cô gái cứ đứng ở góc sân, hết nhìn tôi lại nhìn con tôi trìu mến. Linh tính của người mẹ mách bảo tôi rằng, có gì đó giữa con tôi với cô gái ấy. Tôi liền hỏi mấy đứa bạn của con thì mới biết là hai đứa đang tìm hiểu nhau. Cô gái tên Hương, nhà ở thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Sau đó, tôi liền ra hiệu gọi Hương vào nhà rồi hỏi chuyện tình cảm của hai đứa. Gặng hỏi mãi, Hương chỉ cười bẽn lẽn rồi nhìn tôi. Tôi liền nói với Hương là nếu con đồng ý yêu thương Thành, thì vài hôm nữa tôi sẽ ra thăm cha mẹ Hương. Vài hôm sau, vợ chồng tôi ra thăm cha mẹ Hương. Hai gia đình gặp nhau bằng bữa cơm đầm ấm, cùng bàn tính chuyện tương lai của hai con…”. Ngày 6/3/2016, đám cưới của vợ chồng anh Võ Hải Thành diễn ra trong niềm vui pha lẫn chút ái ngại của người thân, láng giềng. Họ ái ngại bởi cả hai vợ chồng Võ Hải Thành đều câm điếc bẩm sinh, liệu sau này cuộc sống gia đình có trọn vẹn hạnh phúc cho đến ngày “đầu bạc, răng long”. Đến bây giờ, sự “ái ngại” ấy mới được dẹp bỏ hoàn toàn khi cuộc sống của vợ chồng anh Thành đã ổn định, đầm ấm nhờ nghề biển của chồng và vợ làm công nhân may mặc cho một công ty may mặc ở thành phố Đông Hà.

 Vợ chồng anh Võ Hải Thành cùng cha mẹ chuẩn bị lưới cho vụ đánh bắt cá hố sắp tới. Ảnh: H.T.S

Vợ chồng anh Võ Hải Thành cùng cha mẹ chuẩn bị lưới cho vụ đánh bắt cá hố sắp tới. Ảnh: H.T.S

“Biết con trai, con dâu bị khuyết tật nên vợ chồng tôi luôn là bạn thân của hai con. Mỗi khi vợ chồng Thành có khúc mắc trong cuộc sống, vợ chồng tôi luôn là trung tâm hòa giải. Hai đứa cũng có những khát khao yêu thương như bao người khác mà không diễn đạt được, nếu mình không lắng nghe, chia sẻ thì cả hai lại càng tủi thân và ức chế, khiến cuộc sống bức bối hơn. Kể cả những chuyện vụn vặt nhất, tôi cũng sẵn sàng làm quân sư, miễn sao gia đình nhỏ của con trai tôi thêm hạnh phúc…”, bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ.

Cuộc sống của vợ chồng anh Thành tuy không có tiếng nói, tiếng cười rộn rã nhưng hạnh phúc của họ được dựng xây, nuôi dưỡng, nâng niu bằng ánh mắt, ngôn ngữ ký hiệu của đôi bàn tay. Tôi biết ngày mai, anh Võ Hải Thành lại lên thuyền ra khơi đánh bắt thủy hải sản để thỏa đam mê nghề biển của mình. Còn người vợ câm điếc Lê Thị Hương vào xưởng may để tiếp tục dệt ước mơ cùng chồng dựng xây gia đình nhỏ hạnh phúc đến trăm năm.

Hoàng Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=150183