Nghị lực của một nông dân khiếm thị
Dù đôi mắt đã mất đi ánh sáng từ 10 năm nay, nhưng với nghị lực, sự chịu thương chịu khó, ông Nguyễn Văn Khải (ngụ xã Phú Điền, H.Tân Phú) đã vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Với người dân địa phương, ông là nông dân sản xuất giỏi, không ngại tiếp cận cái mới khi tiên phong sản xuất lúa an toàn, chuyển đổi ruộng lúa thành mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ cá nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Không chỉ tự tin gánh vác kinh tế gia đình, trong khuôn viên đất đai của gia đình, ông Khải thuộc lòng đến từng cm đất, vẫn tự làm việc nhà đến nấu nướng, là người có tiếng trong vùng về tài mò cua, bắt ốc kiếm thêm thu nhập.
Nghị lực vươn lên trong cuộc sống
Tìm hiểu về những gương nông dân sản xuất giỏi của xã Phú Điền, một trong những xã đầu tiên của H.Tân Phú đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, chúng tôi được giới thiệu về ông Nguyễn Văn Khải như tấm gương vượt qua nghịch cảnh bằng nghị lực lao động không ngừng nghỉ.
Đến thăm gia đình ông Khải vào một buổi trưa nắng gắt, chúng tôi được mời bữa cơm gia đình do ông tự tay nấu với giống gạo đặc sản ST được canh tác an toàn ở ruộng nhà, món canh rau vườn và món cá đồng ông tự tay bắt vào buổi sáng. Ông còn khoe về đàn gà do mình nuôi bằng bắp rẫy, ốc ruộng ai ăn cũng khen ngon. Trên bờ ruộng, ông Khải trồng thêm những hàng hoa mai vừa làm đẹp cho khuôn viên xung quanh, vừa như của để dành cho những năm sau khi những gốc mai này lớn lên, trở thành cây cảnh có giá trị cao.
10 năm trước, khi sức khỏe đang ở độ lao động năng suất nhất thì mắt ông Khải cứ mờ dần rồi mất hẳn ánh sáng. Ông từng chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả vì chứng bệnh teo dây thần kinh thị giác. Vào thời điểm đó, ông Khải vẫn chưa lập gia đình, mọi việc đều phải dựa vào bản thân. Ông Khải hiểu rằng, phải tự đứng trên chính đôi chân của mình, phải tự đi trong bóng tối, học cách để tiếp tục làm những công việc từng làm khi sáng mắt.
Không nản lòng, bằng sự kiên trì, chăm chỉ và tiếp cận mọi vật xung quanh bằng sự cảm nhận, ông Khải học cách tự đi lại, tự làm mọi việc nhà đến việc đồng áng nhờ cách thuộc nằm lòng những vị trí, lối đi từ trong nhà ra đầu ngõ đến khu ruộng lúa rộng 10ha quanh nhà. Hằng ngày, ông Khải tự đi thăm ruộng, bơm nước, tự mày mò sửa chữa khi máy móc gặp trục trặc, hư hỏng, bắt cá, mò ốc... chẳng khác người bình thường.
Ông Khải tự hào khoe: “Có mùa lúa, tôi bắt được hàng tấn ốc bán lại cho các nông dân nuôi ba ba, nuôi cá trong vùng... Tôi cũng không ngại ứng dụng, học hỏi những kỹ thuật mới từ thực tế lao động. Tôi rờ vào cây lúa là biết cây có khỏe hay không”.
Quá trình bắt tay vào làm mô hình mới, ông dựa vào sự quen việc, kinh nghiệm đúc kết từ thực tế lao động. Nhờ nhanh ý, thời còn sáng mắt, thấy người ta làm ông cũng về mày mò thử nghiệm. Giờ nghe được thông tin gì hay, ông thường về tự ngẫm nghĩ, hình dung ra cách làm rồi ứng dụng vào thực tế. Những nông dân trong xã biết, gắn bó với ông Khải hàng chục năm nay đều phải thừa nhận ý chí vượt khó của người nông dân khiếm thị có cuộc đời nhiều “chìm nổi” này.
Tận tụy bám đồng
Hồi tưởng lại khoảng thời gian được cha mẹ chia ruộng đất vào năm 2000 khi chưa bị khiếm thị, ông Khải nổi tiếng trong vùng vì siêng lao động. Do ruộng nằm ngay cạnh sông La Ngà, lại là rốn trũng của vùng đất lúa Phú Điền nên thời điểm đó cứ vào mùa mưa là khu ruộng của ông bị ngập nước. Có năm, ông mất trắng mùa vụ vì nước lũ dâng ngập đồng.
Để giảm rủi ro mất mùa, ông Khải là một trong số những nông dân đi tiên phong ở khu đồng trũng này đổ sức người, tiền bạc đắp bờ ruộng lên cao thành đường đê chắn lũ dài cả cây số để ngăn nước tràn sông, ngập ruộng khi vào mùa mưa lũ. Để có được hàng bờ đê cao khỏi mặt ruộng như hiện nay, ông Khải phải mất khá nhiều thời gian, mồ hôi công sức đắp bờ, gia cố cho đê vững chắc.
Nhờ chăm chỉ bám đồng chăm sóc cây lúa nên ông Khải bắt đầu có của để dành. Tuy nhiên, có thời điểm do tin người nên ông đã mất trắng số tài sản mình đã làm ra. Sau đó ông gầy dựng, tích góp được ít của cải thì lại rơi vào cơn bĩ cực khác khi căn nhà duy nhất bị cháy rụi. Không nhà, không tiền, ông Khải bám vô đồng ruộng, vay mượn tiền bên ngoài rồi thu hoạch vụ cá, vụ lúa để có vốn gầy dựng lại cơ ngơi, tích góp tiền mua thêm đất ruộng từ vài ha được cha mẹ cho lên diện tích 10ha như hiện nay.
Ngay cả khi đôi mắt mất đi ánh sáng, ông Khải cũng vẫn nỗ lực bám đồng, sẵn sàng học hỏi, ứng dụng những kỹ thuật mới để chuyển đổi sản xuất ngày càng hiệu quả hơn. Hiện tại 10ha lúa của ông Khải đều sản xuất theo mô hình lúa sạch. Thu nhập trung bình mỗi năm từ trồng lúa và nuôi cá đạt khoảng 300 triệu đồng.
Ông Khải chia sẻ, mô hình mới 2 vụ lúa, 1 vụ cá đồng cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với chỉ làm lúa. Nuôi cá giúp đất ruộng phì nhiêu hơn nên lúa có năng suất cao. Cá đồng được nuôi như ngoài tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ngoài đồng như: gốc rạ sau gặt nảy mầm cùng những rơm rạ, cỏ dại... nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Nuôi cá đồng thường gần cả năm mới thu hoạch nên con cá rất chắc thịt, thịt cá ngọt đậm đà nên có thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Bà Phạm Thị Ngát, vợ ông Khải chia sẻ, bà là người ở vùng khác đến đây làm ăn, được người bạn giới thiệu làm quen, tìm hiểu thấy hợp nhau, mến nhau nên quyết định về chung một nhà. Từ đó, công việc nhà đến việc đồng áng, 2 vợ chồng họ đều chia sẻ, cùng nhau làm.
Bà Ngát tâm sự, dù khiếm thị nhưng ông Khải rất chăm chỉ ra đồng, những ngày bà vắng nhà, một mình ông Khải vừa trông nhà, vừa chăm sóc ruộng vườn chu đáo nên bà rất yên tâm giao nhà cho chồng.
Nhọc nhằn với công việc nhà nông trong điều kiện mắt không nhìn thấy ánh sáng là vậy nhưng trên khuôn mặt của người nông dân khiếm thị này vẫn luôn thường trực nụ cười hiền lành, chắt chiu từng niềm vui trong lao động và cuộc sống hằng ngày.