Nghị lực của những người phụ nữ khuyết tật vượt lên số phận
Không được may mắn có một cơ thể lành lặn như bao người khác nhưng những người phụ nữ này đã vượt lên số phận và có một nghị lực phi thường, họ đã làm được những việc mà nhiều người bình thường khác không thể làm được.
Nữ Giám đốc bị hỏng một mắt và nghị lực phi thường
“Cuộc đời đẹp khi ta sống có mục đích và lý tưởng”, đó là phương châm sống của chị Hà Thị Như Quỳnh (sinh năm 1986).
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, năm 3 tuổi, sau một lần nô đùa với bạn, Quỳnh bị cát bắn vào và đọng trong mắt. Khi gia đình phát hiện, mắt trái đã hỏng hoàn toàn. Năm 4 tuổi, chị phẫu thuật mổ mắt và phải đeo mắt giả. Khi đến trường, chị bị bạn bè chế giễu, xa lánh, từ đó, chị sống khép mình và luôn cảm thấy tự ti, bởi chị nghĩ mình khác với các bạn, với mọi người xung quanh.
Giờ ra chơi năm lớp 2, Quỳnh bị các bạn cố tình chọc vào mắt giả, để mắt rơi ra ném xuống ao. Quỳnh kể: “Do đôi mắt giả tôi đeo to quá khổ, trông khác lạ, nên thường bị bạn bè trêu ghẹo là: con mắt lợn luộc, con mắt chột… Sự tự ti ngày càng lớn dần trong tôi, tuổi thơ với tôi là một khoảng thời gian buồn tủi, sợ hãi, là những giọt nước mắt, là sự trốn tránh. Sợ mẹ buồn, người thân buồn nên tôi đã cố gắng che giấu cảm xúc thật, luôn tỏ ra mình đang vô tư, vui vẻ để mọi người không phải bận tâm về mình”.
Khi lớn lên, Quỳnh có bạn trai, tuy nhiên, mối tình ấy bị gia đình bạn trai phản đối và dùng những câu từ cay độc để nói về cô chỉ vì cô đeo mắt giả, họ nói “Voi 1 ngà - đàn bà 1 mắt”… Đau buồn, tuyệt vọng vì cuộc đời không mỉm cười với mình. Cô đã nghĩ tới cái chết. Nhưng tình yêu thương vô bờ bến của mẹ đã giúp cô đã từ bỏ ý định đó để tiếp tục sống.
Trong một lần tham gia chuyến từ thiện ở Yên Bái, khi gặp những đứa trẻ vùng cao có cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn mà vẫn vui cười, hồn nhiên. Cảm xúc trong veo của các em bé đó đã giúp Quỳnh trở về với thực tại và quyết tâm “làm một điều gì đó” để các em bé kém may mắn được tự tin hòa nhập.
Sau chuyến đi này, Quỳnh đã nghỉ việc ở công ty bất động sản và chuyển sang học y học cổ truyền như mẹ. Cô nghĩ rằng, nếu chỉ có kiến thức về phục hồi chức năng là không đủ nên tiếp tục học lên cử nhân và thạc sĩ ngành giáo dục đặc biệt, tham gia những khóa đào tạo chuyên sâu của chuyên gia để nâng cao trình độ.
“Chìa khóa cho những đứa trẻ khuyết tật tự tin là phải có trí tuệ, phải được công nhận, phải độc lập. Đây là động lực để tôi say mê học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu ", Quỳnh nói.
Tháng 3/2014, Quỳnh thành lập Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh. Sau 4 năm hoạt động, tháng 3/2018 chị đổi tên Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh thành Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lí Giáo dục - CHIC với quy mô lớn hơn, khang trang hơn.
Trung tâm CHIC kết hợp phương pháp ABA - phương pháp phân tích hành vi ứng dụng và trải nghiệm, với triết lý: “Trăm hay không bằng tay quen”, tập trung giúp trẻ thao tác, làm việc, mở ra tư duy. Mỗi giáo viên ở Trung tâm sẽ làm mẫu, hỗ trợ và giảm dần sự hỗ trợ cho đến khi trẻ có thể tự mình thực hiện. Những đứa trẻ đến đây bị nhiều khuyết tật khác nhau, tùy từng dạng tật thì các cô giáo có các kế hoạch can thiệp, thời gian can thiệp khác nhau.
Công sức và sự đam mê của Quỳnh cùng 10 giáo viên Trung tâm CHIC đã đạt được kết quả đáng tự hào. Gần 800 đứa trẻ đến với Trung tâm, các em không nhận thức, không ngôn ngữ, chậm vận động nhưng nhờ sự bảo ban chăm sóc đặc biệt của các cô giáo, chúng đã biết đọc, biết vẽ, biết viết, biết nhảy múa vui chơi.
Những đứa trẻ bước ra xã hội không còn nhút nhát, tự ti mà chúng đã vui vẻ hơn, năng động hơn, nhiều em được đi thi học sinh giỏi, được các thầy cô giáo khen, trở thành niềm tự hào của cả gia đình.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ của mình, Quỳnh đã được nhận Chứng nhận danh hiệu: “Trí thức vì cộng đồng” do Hội trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam trao tặng; Bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng ngày năm 2017; Bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong giáo dục, chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam trao tặng năm 2018; Bằng khen: “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trao tặng năm 2020; Bằng khen: “Gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt nam năm 2020” do Ủy ban Trung ương Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng; Bằng khen tôn vinh các tấm gương phụ nữ tiêu biểu có đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật được trao tặng năm 2022.
Cô giáo tí hon trên vòng xe lăn
Sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang cùng lứa, chị Huỳnh Thanh Thảo (xã Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) sinh năm 1986 nhưng đến nay vẫn chỉ cao 65cm, luôn phải ngồi trên chiếc xe lăn nhỏ xíu. Thảo mắc căn bệnh xương thủy tinh từ khi mới chào đời nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, cá tính mạnh mẽ, khát vọng sống và vươn lên của Thảo khiến nhiều người phải nể phục.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Thảo, đó là một cô gái rất lạc quan, nhí nhảnh, hay nói, trên môi luôn nở nụ cười. Thảo thường nói về mình: “Em như loài én nhỏ vươn mình bay lên trong nắng gió của đất trời Phương Nam”.
Thảo kể, như bao bạn nhỏ khác, khi sinh ra, Thảo mong muốn được đến lớp học như các bạn ở trong xóm. Nhưng do mắc phải chứng bệnh xương dễ gãy, chỉ một cử động nhẹ đã ảnh hưởng đến sức khỏe, vậy nên, sau vài lần đưa đi học, bố mẹ Thảo đành nén nỗi buồn để con ở nhà.
Biết là mình không đủ sức khỏe để đến lớp, năm 9 tuổi, Thảo xin mẹ dạy học cho mình. Thương con, mẹ Thảo đã dạy Thảo đánh vần và tập viết những nét chữ đầu tiên. Cùng với đó, chị gái Thảo cũng hỗ trợ để Thảo có thể học được những phép tính từ cơ bản đến phức tạp của môn Toán. Do ham học nên chỉ một thời gian ngắn, Thảo đã tiếp thu kiến thức rất nhanh.
14 tuổi, Thảo nhận kèm cặp các em nhỏ trong xóm học, lũ trẻ yêu quý và thường gọi cô là “chị bé Ba”. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều em nhỏ đã tìm tới Thảo để xin được kèm học. Lớp học miễn phí tại nhà được Thảo mở ra đã giúp Thảo tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Cô cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn khi mang niềm vui đến cho các em nhỏ mỗi ngày.
Ngoài việc dạy học, Thảo còn luôn đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện. Cô được mọi người yêu quý đặt cho cái tên “Én nhỏ phương Nam”, cô luôn làm cầu nối đưa các mạnh thường quân đến gần hơn với những mảnh đời bất hạnh.
“Hạnh phúc của tôi là bọn trẻ được biết chữ, được học hành, dù chúng không do chính mình sinh ra. Tôi mơ ước ngày càng tổ chức được nhiều chương trình thiện nguyện, mang yêu thương đến bà con nghèo, trẻ nhỏ nghèo và tiếp thêm nghị lực cho họ trong cuộc sống”, chị Huỳnh Thanh Thảo nói.
Sau này, Thảo nhận thấy học sinh ở quê mình còn thiệt thòi, không được tiếp xúc sách báo, tài liệu nên đã đứng ra mở một thư viện nhỏ ngay tại nhà mình. Lúc đầu, thư viện chỉ có vài cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng. Năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân của chất độc da cam, một phụ nữ người Mỹ đã giúp Thảo xây dựng lại thư viện thành nơi khang trang hơn.
Một thời gian sau đó, bạn bè ở khắp mọi miền đất nước biết đến Thảo nhiều hơn nên đã gửi tặng Thảo rất nhiều sách vở, tranh ảnh, tài liệu học tập. Vậy là “Thư viện mini cô Ba” với hơn 3.000 đầu sách đã hình thành, không chỉ thu hút các em nhỏ mà còn giúp các em có thêm tài liệu để học nâng cao kiến thức.
Ngoài dạy học, mặc dù nhỏ nhắn, yếu ớt nhưng Thảo luôn tích cực làm các công việc thiện nguyện như tổ chức các chuyến thăm trẻ mồ côi, cụ già neo đơn; các chương trình vui chơi cho thiếu nhi, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ, thành lập câu lạc bộ San sẻ yêu thương...
Do tứ chi cong queo, biến dạng và rất dễ gẫy, Thảo chỉ ngồi được một chỗ, đi đâu cũng cần sự hỗ trợ của ba mẹ. Nhưng Thảo không nản chí, mà tiếp tục vươn lên và có nhiều sáng kiến trong công tác thiện nguyện.
Hơn 11 năm trở lại đây, Huỳnh Thanh Thảo đã huy động bạn bè xa gần tổ chức các chương trình tiếp nối yêu thương đầy ý nghĩa. Em đã đạt nhiều giải thưởng và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó có bằng khen của Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và của UBND TP.HCM.
Tuy nằm, ngồi một chỗ, nhưng trái tim của Thảo luôn dạt dào cảm xúc và làm những việc tốt mà nhiều người bình thường khác chưa thể làm được. Đó là các cuộc đi tìm hạnh phúc không chỉ cho riêng mình.
Với chất giọng trong veo, dễ mến và tiếng cười giòn tan, nụ cười tỏa nắng, luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh, Huỳnh Thanh Thảo đã vượt lên chính mình, trở thành cầu nối với bè bạn, nhà hảo tâm xa gần, tổ chức các cuộc giao lưu, từ thiện để mang niềm vui đến với trẻ em, người dân vùng sâu, vùng xa. Với Thảo, sống là để cho đi, để cống hiến. Đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của một người phụ nữ “tàn nhưng không phế”./.