Nghị lực làm kinh tế rừng của cựu thanh niên tình nguyện
Chúng tôi về xã Quang Lộc (Hậu Lộc) vào một ngày cuối đông, trên những cánh đồng, bà con nông dân nhộn nhịp hái ớt nhập cho thương lái. Đường vào nhà ông Mai Xuân Tuyết, chủ tịch hội cựu TNXP xã ngay sát với một khu rừng mà tại đây, gia đình ông cũng có 3 ha rừng sản xuất.
Cựu TNTN Mai Xuân Tuyết (bên tay phải) xã Quang Lộc (Hậu Lộc) thăm rừng cây của gia đình.
Ông Tuyết có vợ cũng là hội viên hội cựu TNXP nên trong cuộc sống, ông bà luôn hiểu và chia sẻ với nhau như những người đồng đội của mình. Để chúng tôi và ông Tuyết trò chuyện, bà Nguyễn Thị Lêng - vợ ông Tuyết mời chúng tôi chén trà nóng rồi vội vã đến nhà văn hóa thôn để cùng với ban chấp hành chi hội cựu TNXP lên danh sách mua quà tết tặng hội viên. Giá trị quà không nhiều nhưng tất cả hội viên trong chi hội ai cũng mong đến ngày được gặp gỡ, giao lưu thân mật. Ông Tuyết cho biết: Toàn xã có 88 hội viên, trong đó có 22 hội viên là thanh niên tình nguyện (TNTN). Các chi hội đều xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội giúp nhau vốn vay sản xuất, tặng quà, thăm hỏi động viên nhau lúc khó khăn.
Say sưa nói về hoạt động của hội, về hội viên, ông Tuyết “quên” mình cũng là thành viên tích cực đi đầu các phong trào của hội. Nhưng khi kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian vợ chồng ông làm kinh tế rừng, ánh mắt ông Tuyết ánh lên niềm vui khó tả. Cách đây 19 năm, khu rừng của xã chỉ toàn là đồi trọc và cỏ hoang, mùa mưa gây xói lở càng trơ sỏi đá, ảnh hưởng đến đất sản xuất và sinh hoạt của nhiều hộ dân sinh sống bìa rừng. Những năm ấy ông Tuyết đang là bí thư chi bộ, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ông đã nhận 3 ha đất rừng theo Dự án 661 để cải tạo trồng keo, thông, xà cừ... Thời điểm đầu vô cùng gian khó bởi thiếu nhân công, vốn, các con còn nhỏ lại đang tuổi ăn học..., ngổn ngang trăm thứ việc khó khăn, nhưng không chấp nhận đói nghèo, ông Tuyết trăn trở tìm hướng đi mới để làm giàu vốn rừng cho quê hương, lấy rừng để nuôi sống mình. Nhà nước có chủ trương giao rừng cho dân chăm sóc, thì mình phải gắng làm bằng mọi cách để đất nơi đây “trở mình” sinh lợi. Với suy nghĩ đó, dù khởi đầu lắm vất vả gian truân, ông cũng không bỏ cuộc. Được dự án hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón trong năm đầu, gia đình ông thuê khoảng 300 công lao động để trồng cây. Bao tháng ngày chăm sóc và chờ đợi những hạt mưa tự nhiên trút xuống vùng đất cằn và nhờ cần cù chịu khó, sau hơn chục năm lao động vất vả, cây rừng của vợ chồng ông mỗi năm tăng thêm một ít, đến nay hàng chục ngàn cây nhiều năm đã phát tán thành rừng xanh ngắt cả một vùng trông thật mát mắt. Khi tích lũy được ít vốn, ông Tuyết trồng lại lứa keo khác, có năm, gia đình ông trồng xen canh các loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài.
Kể về quá trình làm kinh tế của vợ chồng, ông Tuyết chia sẻ: “Năm 1973, tôi tham gia TNTN tại huyện Lang Chánh, lúc đó gia đình rất khó khăn, vợ một mình chăm sóc các con nhỏ. Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ, tôi chuyển ngành lâm nghiệp và làm đội trưởng đội sản xuất trồng rừng tại huyện Lang Chánh. Như có duyên với rừng từ đó, trở về với quê hương, tôi tham gia nhiều công tác xã hội và làm bí thư chi bộ, gương mẫu đi đầu nhận đất rừng theo Dự án 661 để cải tạo, trồng cây, gây rừng. Giá trị không nhiều nhưng ý nghĩa xã hội lớn đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sống”. Có chút ăn chút để, vợ chồng ông luôn nghĩ đến việc giúp đỡ đồng đội. Năm 2015, vợ chồng ông Tuyết đã giúp vợ chồng hội viên Mai Văn Hàn và Mai Thị Thành có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn toàn bộ gỗ xây nhà, với trị giá khoảng 20 triệu đồng. Ông còn vận động thêm nguồn kinh phí từ kênh ủy ban MTTQ xã hỗ trợ thêm cho gia đình hội viên sớm hoàn thành nhà mới.
Bên cạnh đó, ông Tuyết còn tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động gia đình, nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cương vị chủ tịch hội cựu TNXP xã, ông Tuyết đã có nhiều nỗ lực trong công tác hội. Với những nỗ lực trong công việc, cuộc sống, giờ đây vợ chồng cựu TNTN Mai Văn Tuyết vui với thành quả lao động, tự hào vì các con, cháu trưởng thành, là công dân tốt.