Nghị lực phi thường của cô gái 'tí hon'

Ra trường với tấm bằng xuất sắc, nhận được Giấy khen từ ĐH Huế và Trường ĐH Khoa học, cô gái 'tí hon' Phạm Thị Kim Anh rất hạnh phúc.

Kim Anh có thành tích đáng nể trong học tập và tốt nghiệp Xuất sắc toàn khóa học ngành Công tác xã hội.

Kim Anh có thành tích đáng nể trong học tập và tốt nghiệp Xuất sắc toàn khóa học ngành Công tác xã hội.

Phạm Thị Kim Anh, vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), là một cô gái luôn biết vươn lên trong học tập và giàu nghị lực sống.

Tuổi thơ sóng gió

Kim Anh có một tuổi thơ với nhiều sóng gió. Cô cho biết, nguồn thu chính của gia đình chỉ dựa vào vài sào ruộng nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Không những vậy, bố của em bị bệnh xương khớp, gánh nặng trong gia đình dồn lên đôi vai mẹ. Cơ thể của Kim Anh không phát triển bình thường. Dù đã 22 tuổi nhưng cô chỉ cao 1,1 mét.

Khi điều trị tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán Kim Anh bị biến dạng thân đốt sống L2, đường cong sinh lý cột sống thắt lưng giảm, thoái hóa mất nước đĩa đệm, chèn ép mặt trước bao màng cứng. Các bác sĩ trao đổi, nếu tiến hành phẫu thuật thì rủi ro rất cao. Vì thế, gia đình quyết định không phẫu thuật cho Kim Anh.

“Lúc phát hiện em không phát triển chiều cao như người bình thường, ba mẹ rất lo lắng, vay mượn khắp nơi để tìm cách chữa cho em. Khi đến khám, bác sĩ chuẩn đoán em bị bệnh lùn tuyến yên bẩm sinh do thiếu hormone phát triển. Biết tin, gia đình em suy sụp, bản thân em cũng buồn rất nhiều. Thời gian đầu khi đi ra ngoài hay đi học, em rất tự ti về bản thân, nhưng rồi sau đó em cũng quen dần và bắt đầu tự tin hơn, xóa bỏ mặc cảm”, Kim Anh chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, mỗi mùa Hè đến, Kim Anh bị cơn đau của căn bệnh hành hạ. Vừa phải học tập, vừa phải cố gắng “chiến đấu” với bệnh tật, nhưng cô gái “tí hon” ấy vẫn cố gắng vượt qua. “Vì bệnh của em không phẫu thuật được nên em chỉ sử dụng thuốc giảm đau, thuốc xương khớp uống cầm chừng để tiếp tục theo đuổi sự học cho đến ngày hôm nay”, Kim Anh kể lại.

Với thân hình nhỏ bé, từng tự ti và đối mặt với nhiều ánh mắt hiếu kỳ, những lời trêu chọc của bạn bè… Kim Anh đã tủi thân và khóc rất nhiều. Tuy nhiên, với sự động viên từ gia đình, thầy cô và bạn bè, cô bé “tí hon” ấy đã vươn lên, bỏ qua sự tự ti và mặc cảm, không ngừng phấn đấu trong học tập.

“Bản thân em lúc đầu rất buồn vì căn bệnh của mình, đã có lần em có suy nghĩ bỏ học, nhưng nhìn lại bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình họ đều cố gắng vượt qua.

Vậy tại sao mình lại không làm được? Vì vậy, em đã tự hứa với lòng mình rằng, ta không thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng sẽ chọn được nơi mình sẽ đến, muốn thoát nghèo chỉ có con đường ngắn nhất là không ngừng phấn đấu trong học tập”, Kim Anh nói với sự quyết tâm.

Khoảnh khắc đặc biệt của Phạm Thị Kim Anh cùng thầy cô tại Lễ tốt nghiệp.

Khoảnh khắc đặc biệt của Phạm Thị Kim Anh cùng thầy cô tại Lễ tốt nghiệp.

Vượt lên nghịch cảnh

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song cô gái “tí hon” Phạm Thị Kim Anh quyết tâm theo đuổi ước mơ vào đại học của mình. Và rồi “quả ngọt” cũng đã đến. Năm 2019, Kim Anh trúng tuyển vào ngành Công tác xã hội - Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế. Và thế là cuộc sống sinh viên của cô gái “tí hon” ấy lại bắt đầu. Vì nhà cách xa nơi học, Kim Anh lên thành phố tìm kiếm phòng trọ tiếp tục theo đuổi con đường học tập và chinh phục ước mơ.

“Lúc tới trường, có rất nhiều ánh mắt nhìn em vì cơ thể nhỏ bé, khác lạ, bản thân em cũng buồn và hơi hụt hẫng. Nhưng thầy cô và các bạn đã động viên, tạo điều kiện giúp đỡ em rất nhiều. Dần dần em cũng làm quen được với môi trường mới, từ đó em càng có động lực hơn để phấn đấu trong học tập”, Kim Anh tâm sự.

Kể về những lúc đi học, Kim Anh nhớ lại, vất vả nhất là những lúc học trên tầng 5, đi đến tầng 3 không thể bước được nữa do sức khỏe yếu. Vậy là phải nhờ bạn nắm tay dìu từng bước lên cầu thang, người thì mang hộ chiếc cặp, sách vở… Khó khăn là vậy nhưng cô sinh viên “tí hon” ấy không hề bỏ cuộc, Kim Anh có mặt đều đặn từng buổi học, đến thư viện đọc sách, nghiên cứu khoa học…

Đặc biệt, Kim Anh còn tham gia các câu lạc bộ vì cộng đồng, người khuyết tật, cô gái “tí hon” ấy luôn sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia hoạt động xã hội. Được biết, Kim Anh tham gia Câu lạc bộ vì cộng đồng tại Trường ĐH Khoa học Huế và Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật huyện Quảng Điền với vai trò Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ. “Em muốn tạo ra môi trường nhằm giúp những người khuyết tật vượt qua được sự tự ti của bản thân, tham gia giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, từ đó biết vươn lên trong cuộc sống”, Kim Anh nói.

Dù thân hình nhỏ bé, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nhưng thành tích học tập của Kim Anh luôn ấn tượng. Trong 2 năm học đầu tiên, Kim Anh đạt 3,93 theo hệ 4,0 điểm, xếp loại học tập Xuất sắc, được Trường ĐH Khoa học Huế tặng Giấy khen.

Những năm sau đó, thành tích học tập của Kim Anh luôn đạt kết quả tốt và được nhiều thầy cô, bạn bè ngưỡng mộ, và để rồi khi tốt nghiệp ra trường vào đầu tháng 7/2023, Kim Anh đã đạt kết quả tốt nghiệp Xuất sắc toàn khóa học của Khoa Công tác xã hội.

Ra trường với tấm bằng xuất sắc, nhận được Giấy khen từ ĐH Huế và Trường ĐH Khoa học, cô gái “tí hon” Phạm Thị Kim Anh rất hạnh phúc. Tại buổi lễ tốt nghiệp, nhìn thân hình nhỏ bé và những bước đi của Kim Anh, ai cũng khâm phục ý chí kiên cường, bỏ qua mọi rào cản, sự tự ti, nghị lực vươn lên vượt khó của cô gái “tí hon” này.

“Ra trường em mong tìm được việc đúng chuyên ngành để có thu nhập trang trải cuộc sống, sau này nếu có điều kiện, em sẽ mở một trung tâm tại quê nhà để dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật hoặc dạy chữ miễn phí cho các em nghèo”, Kim Anh tâm sự.

ThS Trương Thị Xuân Nhi - Bí thư Liên chi đoàn Xã hội học và Công tác xã hội – Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế - cho biết, hành trình học tập của sinh viên Kim Anh là những nỗ lực vượt qua không chỉ là những khó khăn về sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, mà còn cả những rào cản trong môi trường học tập.

Điều đáng khâm phục là Kim Anh luôn thể hiện sự nghiêm túc và đặt ra mục tiêu rõ ràng trong quá trình học tập. Em ấy đã chứng minh rằng, bất kể khuyết tật hay trở ngại nào, việc nỗ lực không ngừng và tinh thần sống tích cực có thể giúp chúng ta đạt được những thành công xứng đáng. Kim Anh đã trở thành một nguồn cảm hứng và là tấm gương tích cực cho tất cả sinh viên ngành Công tác xã hội, cũng như sinh viên Trường ĐH Khoa học nói chung.

Hoàng Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghi-luc-phi-thuong-cua-co-gai-ti-hon-post651772.html