Nghị lực phi thường của một họa sĩ thương binh
Đó là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ, nhà điêu khắc, thương binh 1/4 Lê Duy Ứng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vào thời khắc sinh tử, họa sĩ Lê Duy Ứng đã lấy máu từ đôi mắt bị thương của mình để vẽ chân dung Bác Hồ. Nay đã bước sang tuổi 78, đôi mắt ông chỉ phân biệt được sáng tối nhưng hằng ngày họa sĩ vẫn miệt mài, say mê sáng tác tại nhà riêng ở phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Đam mê hội họa từ nhỏ
Dẫn tôi đi tham quan những tác phẩm tranh vẽ, điêu khắc, cựu chiến binh Lê Duy Ứng đưa tay chạm lên từng hiện vật và trải lòng: “Tôi còn sức khỏe, còn đi lại, tay còn cầm được bút, đục, búa… thì vẫn tiếp tục sáng tác để thỏa lòng đam mê với nghệ thuật…”.
Theo lời chia sẻ của họa sĩ Lê Duy Ứng, ông sinh ra và lớn lên ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông yêu hội họa cũng xuất phát từ đam mê của cha mình: “Cha tôi là Lê Yến, sinh năm 1923. Năm 1947, cha tôi đi bộ đội, 2 năm sau được kết nạp Đảng. Năm 1958, cha tôi xuất ngũ về quê làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Hiền, xã Hiền Ninh. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn hóa-Xã hội huyện Quảng Ninh. Nhờ có năng khiếu hội họa, năm 1962, cha tôi chuyển sang làm phóng viên, họa sĩ báo Quảng Bình. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Chai, sinh năm 1925, từng là xã viên hai giỏi “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”".
Vốn có năng khiếu về hội họa từ nhỏ, lại được người cha là họa sĩ, nhà báo truyền thụ niềm đam mê nên cậu bé Lê Duy Ứng đã sớm cho ra mắt nhiều tác phẩm tranh độc đáo. Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Ứng bồi hồi nhớ lại cái duyên đến với hội họa: “Năm 1959 khi đang học lớp 4, được sự dẫn dắt của thầy Bùi Đình Sơn, tôi đã tập hợp bộ tranh mang tên "Xấu nên tránh, tốt nên làm" để tham gia phòng triển lãm tranh tại các xã: Hiền Ninh, Xuân Ninh… thuộc huyện Quảng Ninh. Năm 1961, tôi vẽ bức tranh “Cấy đêm” đi dự thi tranh toàn tỉnh Quảng Bình và đoạt giải Nhất. Để thỏa mãn niềm đam mê với hội họa, năm 1967, tôi thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và may mắn trở thành sinh viên của trường…”.
Năm 1971, đang theo học năm thứ ba (vì một năm học dự bị đại học), sinh viên Lê Duy Ứng nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên tình nguyện xung phong vào bộ đội. “Tháng 9-1971, tôi thuộc quân số của Quận đội Hoàn Kiếm (Hà Nội) bổ sung vào Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12). Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, cấp trên thấy tôi có khả năng vẽ bản đồ, đắp sa bàn… nên điều về làm chiến sĩ trinh sát Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101. Mấy tháng sau đó, tôi được giao nhiệm vụ làm Mũi phó trinh sát thuộc Đại đội trinh sát 20, Trung đoàn 101…”, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng hào ứng kể.
Trong dòng chảy ký ức, họa sĩ Lê Duy ứng kể tiếp: “Tháng 3-1972, đơn vị chúng tôi hành quân tập kết tại thôn Tả Kiên, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thời điểm đó, tôi là trợ lý văn hóa của Trung đoàn 101, có nhiệm vụ vẽ tranh tuyên truyền cổ động, tranh ký họa, viết bản tin… Với nhiều thành tích xuất sắc, tháng 7-1972, tôi được cấp trên phong quân hàm chuẩn úy. Ngày 23-8-1972, tôi vinh dự được kết nạp Đảng tại chiến hào Đông Bắc, Thành cổ Quảng Trị. Thời gian ở chiến trường Quảng Trị, tôi gặp gì vẽ nấy, như: Bộ đội chiến đấu, quân ta bắt tù binh, cứu chữa thương binh, cảnh bộ đội sinh hoạt, giúp đỡ nhân dân… được khoảng 500 bức tranh để lưu lại phòng truyền thống đơn vị. Đặc biệt bức tranh “Đưa cơm ra chốt” và nhiều bức tranh, ký họa chiến trường của tôi ngày ấy đã đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Quân giải phóng…”.
Vẽ tranh, tạc tượng không ngơi nghỉ
Trong thời gian ở chiến trường Quảng Trị, họa sĩ Lê Duy Ứng tự học viết báo và kỹ thuật chụp ảnh, quay phim. “Tháng 7-1974, tôi được cấp trên điều động, bổ nhiệm là Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Tuyên huấn Quân đoàn 2. Ngày 23-3-1975, tôi hào hứng cầm giấy giới thiệu do Thượng tá Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2, ký với nội dung: "Thiếu úy Lê Duy Ứng, Trợ lý Tuyên huấn Quân đoàn 2, có nhiệm vụ tham gia chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 2. Khi xuống Trung đoàn 101, tôi tham gia trận đánh giải phóng sân bay Phú Bài và thành phố Huế vào chiều 25-3. Sáng hôm sau, tôi cùng đơn vị tiến vào giải phóng Đà Nẵng…”, họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại.
Ngày 10-4-1975, Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2 gặp họa sĩ Lê Duy Ứng và trao bức thư có chữ ký “Văn” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV), và yêu cầu ông khẩn trương vẽ bức tranh cổ động để treo trên xe chỉ huy. Nhằm tranh thủ thời gian, tối hôm đó đơn vị bật đèn pha ô tô để ông sáng tác 2 bức tranh, một bức chủ đề: “Hành quân thần tốc - xốc tới lập công” và một bức: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Sáng hôm sau, theo kế hoạch, toàn bộ Quân đoàn 2 hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
“Đơn vị chúng tôi hành quân qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang (Ninh Thuận)… Ngày 21-4-1975, chúng tôi tới ấp Lều Xanh, quận Xuân Lộc (nay là xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) thì tạm dừng chân. Ở đây có bức tường vôi trắng nên tôi đã mượn thang của người dân và được người dân ủng hộ sơn để vẽ một bức tranh lớn. Bố cục bức tranh gồm anh bộ đội giải phóng đội mũ tai bèo, tay cầm súng AK; cô dân quân du kích miền Nam mặc áo đen, quàng khăn rằn và khẩu hiệu “Quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng giải phóng”, phía sau là cờ Giải phóng bay phấp phới. Thấy tôi vẽ tranh, nhiều người dân địa phương tới xem đông lắm…”, họa sĩ Lê Duy Ứng vui vẻ chia sẻ.
Với nguyện vọng sớm tiếp cận cửa ngõ Sài Gòn, họa sĩ Lê Duy Ứng được Thượng tá Lê Khả Phiêu viết hai giấy giới thiệu tác nghiệp, chiến đấu ở Sư đoàn 304, Lữ đoàn 203 và một giấy giới thiệu đến Trường Mỹ thuật Sài Gòn-Gia Định (xin màu, chất liệu để vẽ chân dung Bác Hồ vẫy chào đồng bào nhân ngày Giải phóng-PV).
“Đêm 27 và rạng sáng 28-4-1975, khi tôi đang tác nghiệp trên xe tăng 847, một quả đạn chống tăng nổ làm đứt xích bên phải xe tăng. Sau tiếng nổ, tôi ngất đi không biết gì. Khi tỉnh lại, tôi sờ tay lên mặt, thấy đôi mắt mình lồi lên, máu chảy rất nhiều nhưng vẫn còn tỉnh táo. Trong thời khắc sinh tử, đầu tôi lóe lên ý nghĩ là vẽ chân dung Bác Hồ. Và ngay lập tức, tôi rút chiếc cặp vẽ mang theo bên mình, lấy một tờ giấy rô-ki và ký họa ngay trên xe tăng, bên cạnh một chiến sĩ đã hy sinh. Tôi lấy tay chấm máu từ đôi mắt của mình để vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới. Vẽ xong, tôi ghi lại dòng chữ “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” rồi ký tên. Sau đó, tôi gấp cẩn thận và bỏ vào túi ngực bên trái, rồi ngất đi một lần nữa…”, họa sĩ Lê Duy Ứng xúc động kể.
Kể từ ngày bị thương đôi mắt, cuối năm 1975, họa sĩ Lê Duy Ứng chuyển về Đoàn An dưỡng 200, tại Nghĩa Đàn (Nghệ An). Cuối năm 1976, ông được về an dưỡng tại Trường Thương binh hỏng mắt, ở số 139, phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội).
“Điều kỳ diệu đã đến. Ngày 4-10-1982, tôi may mắn được GS, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân đã chữa cho tôi sáng mắt trở lại. Đầu năm 1983, tôi được gặp đồng chí Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi cũng bày tỏ nguyện vọng với đồng chí Lê Trọng Tấn mong muốn tiếp tục được phục vụ lâu dài trong quân đội. Và tháng 3-1983, tôi tiếp tục tái ngũ về Xưởng Mỹ thuật Quân đội, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, sau đó chuyển công tác sang Bảo tàng Quân đội - Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Tôi công tác ở đó đến năm 2009 nghỉ hưu”.
Dẫn tôi lên tham quan tầng thượng, nơi làm việc, hằng ngày ông vẫn miệt mài tạc tượng gỗ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Để có thể tự thuyết minh hiện vật bằng tiếng Anh, mỗi ngày họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn dành một vài tiếng tự học tiếng Anh trên YouTube, Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dù ông đã qua hai lần phẫu thuật, hiện nay đôi mắt chỉ phân biệt sáng - tối, ngày - đêm, nhưng ông vẫn không ngừng sáng tác. Đồng thời, ông thường xuyên được mời đi giao lưu, tham gia các chương trình tiếp lửa truyền thống, kể chuyện với học sinh, sinh viên... “Tôi rất mong được phẫu thuật đôi mắt để được nhìn thấy người thân, chiêm ngưỡng những tác phẩm của mình…”, Anh hùng Lê Duy Ứng bộc bạch.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh 1/4, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, hàng trăm bức tượng; tổ chức gần 50 cuộc triển lãm cá nhân; giành được nhiều giải thưởng mỹ thuật danh giá trong và ngoài nước. Với chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chống Mỹ, cứu nước, ông đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng (Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba… Đặc biệt, ngày 30-10-2013, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.