Nghị lực thép của những chiến binh ung thư

'Ung thư không phải dấu chấm hết, mà là sự bắt đầu cho một cuộc chiến và chúng ta có thể chiến thắng', bệnh nhân Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ sau hành trình đẩy lùi bệnh tật.

"Biết ơn vì được sống"

Mắc ung thư hạch khi mới 21 tuổi, đã có lúc Nguyễn Văn Đoàn (quê ở Bắc Giang) tưởng mình sẽ phải từ bỏ tất cả ở độ thanh xuân đẹp nhất.

Khi phát hiện bệnh, Đoàn đang học cao đẳng năm thứ 3 nên phải đứng trước quyết định khó khăn có nên tạm dừng học và bảo lưu kết quả để điều trị như các bệnh nhân khác. Nhưng không muốn lãng phí thời gian, công sức học tập, Đoàn vừa đến bệnh viện, vừa đi học để ra trường đúng hạn. Sau đó, nam sinh này đã bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp khi đang điều trị ung thư.

Nguyễn Văn Đoàn hội ngộ cùng bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu sau thời gian điều trị lui bệnh ung thư hạch.

Nguyễn Văn Đoàn hội ngộ cùng bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu sau thời gian điều trị lui bệnh ung thư hạch.

Ngày mới nhận kết quả chẩn đoán bị ung thư hạch (bệnh U lympho Hodgkin), chàng trai trẻ không dám nói với bố mẹ, hay chia sẻ với bạn bè mà chỉ một mình âm thầm chịu đựng. Đến khi bước vào quá trình điều trị, không thể giấu người thân, Đoàn thổ lộ với mẹ.

"Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc khi mẹ ký vào cam kết để hóa trị gấp, vì bệnh lúc đó đang tiến triển rất nhanh. Tôi cảm nhận rõ có nỗi lo lắng và cả niềm hy vọng phép màu trong đôi mắt mẹ khi mẹ run rẩy ký", Đoàn nhớ lại. Cũng từ giây phút đó, chàng trai trẻ tự nhủ phải vững vàng hơn để vượt qua thử thách đầu đời.

Trong ấn tượng của các y bác sĩ, Đoàn luôn là một thanh niên nghị lực dù phác đồ điều trị rất mạnh và nhiều tác dụng phụ. Chàng trai ấy nằm viện trong đúng giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất và bị nhiễm Covid-19 nên quá trình điều trị bị gián đoạn. Những đợt truyền hóa chất khiến miệng Đoàn chỉ còn cảm giác khô đắng, không muốn ăn, nuốt là lại nôn. Rồi khi các chỉ số tiểu cầu, bạch cầu thấp, miệng Đoàn lở loét, sốt li bì, xuất huyết khắp chân, toàn bộ cơ thể rã rời, không sức sống…

Nhưng nhờ luôn lạc quan, tuân thủ điều trị nên chỉ sau 2 chu kỳ, Đoàn đã đạt đáp ứng tới khi đang điều trị ung thư. Và sau gần 7 tháng chiến đấu, Đoàn hạnh phúc khi được bác sĩ thông báo "bệnh đã lui".

Trước thềm năm mới, chia sẻ hành trình chiến thắng bệnh của mình, Đoàn nhắn nhủ: "Lúc biết tin mình bị ung thư máu, tôi đã rất sốc và cảm giác như bị rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Thế nhưng đã gần 3 năm, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và tôi cảm thấy biết ơn vì được sống, được tận hưởng từng giây phút trong cuộc đời. Hãy tin tưởng vào bác sĩ và lạc quan để chiến đấu với bệnh tật. Ung thư không phải dấu chấm hết mà là sự bắt đầu cho một cuộc chiến và chúng ta có thể chiến thắng được nó".

Tiếp tục khát vọng sống

Anh Đặng Xuân Quang năng động, tự tin và đầy khát vọng, hiện đang làm chủ một doanh nghiệp. Ít ai biết rằng anh đã có 17 năm sống chung với bệnh ung thư hạch. Phát hiện bệnh khi mới 15 tuổi, đến nay, anh Quang đã vượt qua hơn 30 đợt điều trị hóa chất, 4 lần tái phát và có những lần nguy kịch.

Dấu mốc quan trọng nhất với anh Quang là ca ghép tế bào gốc tự thân vào năm 2009. Đây chính là một trong nhóm ghép đầu tiên với bệnh U lympho tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Khi ấy, Quang đã trải qua 2 năm điều trị kéo dài từ 2007 đến 2009 với nhiều khó khăn bởi không đáp ứng với phác đồ điều trị và không lui bệnh sau 6 đợt truyền hóa chất.

Đã có lần Quang tưởng như không qua khỏi vì bị vỡ động mạch chủ và mất rất nhiều máu. Các y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lao vào cấp cứu để giành lại cậu học trò từ tay tử thần.

Với Quang, "ca ghép có ý nghĩa rất lớn giúp em lui bệnh trong khoảng thời gian đủ dài để cân bằng lại tinh thần, cuộc sống và có niềm tin rằng bệnh ung thư không quá đáng sợ đến như thế".

Trở về sau ca ghép, Đào Xuân Quang tiếp tục hoàn thành tốt con đường học vấn và quyết tâm dấn thân khởi nghiệp với công ty riêng về công nghệ. Đến tháng 3/2023, anh đối mặt với lần tái phát thứ 4. Hi vọng tưởng tắt thì điều kỳ diệu đã đến với sự xuất hiện thuốc nhắm đích điều trị cho những người bệnh U lympho tái phát như anh.

Trải qua 17 năm chung sống với bệnh U lympho Quang luôn coi mình là người khỏe mạnh bình thường và phấn đấu để trở thành con người tốt hơn. "Chúng ta hãy luôn tin tưởng vào sự phát triển của y học, càng ngày càng có nhiều phương pháp điều trị mới đem đến cơ hội cho người bệnh".

Ung thư không phải là kết thúc, mà chỉ là khởi đầu một hành trình sống mới, với những trải nghiệm mới. Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khỏe ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình. Điều này sẽ góp phần quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình điều trị...

TS.BS Vũ Đức Bình, Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghi-luc-thep-cua-nhung-chien-binh-ung-thu-192240206164751417.htm