Nghị lực vươn lên từ nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của chất độcda cam vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt. Có người hứng chịu trực tiếp, có người ảnh hưởng gián tiếp từ ông, bà, cha, mẹ. Nhưng không ít người trong số đó đã kiên cường vượt qua nỗi đau tật nguyền từ di chứng chất độc da cam/điôxin, họ đã sống và đối diện với nỗi đau với một tinh thần đầy khát khao vươn lên và hòa nhập với cộng đồng. Anh Hồ Sỹ Ngọc (44 tuổi) ở thôn Hiệp An, xã Tân Tiến là một trong những trường hợp như thế.

Nghị lực vươn lên từ nỗi đau da

Anh Ngọc mang trong mình di chứng chất độc da cam/điôxin từ người cha của mình là ông Hồ Sỹ Tùy, một cựu chiến binh, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gia đình quá khó khăn, cha thì đã mất, bà nội của anh Ngọc thì quá già yếu chỉ ngồi một chỗ, mọi gánh nặng đều dồn lên vai mẹ anh từ công việc đồng áng, chăm sóc vườn tược, chăn nuôi, nội trợ, chăm sóc gia đình; bất hạnh hơn nữa, người em trai út của anh là anh Hồ Sỹ Minh cũng bị nhiễm chất độc da cam/điôxin, cơ thể yếu ớt cũng chỉ nằm một chỗ. Thương bà nội già yếu, thương mẹ vất vả, thương em trai yếu ớt, một người tật nguyền như anh Ngọc, ngay cả việc đi lại rất khó khăn nhưng lại luôn nỗ lực vươn lên cuộc sống. Và bao nhiêu năm nay, anh Ngọc vẫn mưu sinh bằng công việc bán vé số để giúp cho gia đình có thêm chút thu nhập đắp đổi qua ngày, giảm bớt gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” cho mẹ.

Anh Hồ Sỹ Ngọc luôn nỗ lực không ngừng để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Anh Hồ Sỹ Ngọc luôn nỗ lực không ngừng để vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, hình ảnh xót xa đập vào mắt chúng tôi là người mẹ già đang chăm sóc đứa con trai tội nghiệp nằm bất động trên giường. Anh Hồ Sỹ Minh – em trai anh Ngọc nay đã gần 30 nhưng hình hài chỉ như đứa trẻ chừng 5, 6 tuổi. 30 năm được sinh ra trên cõi đời là 30 năm anh Minh anh sống gần như gắn liền với chiếc giường, anh chưa một lần chứng kiến những giây phút hạnh phúc của cuộc đời. Tất cả những tai ương, bất hạnh đó đến với anh đều mang tên “Nỗi đau da cam”.

Hứng chịu “Nỗi đau da cam” anh Hồ Sỹ Minh phải nằm một chỗ suốt 30 năm qua

Hứng chịu “Nỗi đau da cam” anh Hồ Sỹ Minh phải nằm một chỗ suốt 30 năm qua

Bà Nguyễn Thị Hoa – mẹ của anh Ngọc và anh Minh tâm sự: “Từ khi lọt lòng mẹ, anh Ngọc và anh Minh đều không bình thường, sức khỏe rất yếu, những tưởng không qua khỏi, mặc dù gia đình cũng cố gắng đưa các anh đi chữa trị ở nhiều bệnh viện nhưng bệnh tình của các anh vẫn không hề thuyên giảm, vợ chồng bà cố gắng ngậm ngùi chăm sóc các con. Anh Ngọc sức khỏe tốt hơn nên phụ bà một ít công việc lặt vặt trong nhà, còn cuộc sống của anh Minh là sự chăm bẳm của cả gia đình”.

Đáng lý ra ở cái tuổi của anh Ngọc và anh Minh thì các anh đã được hoàn tất vấn đề học vấn, lập thân, lập nghiệp, có một gia đình hạnh phúc, yên ấm... Thế nhưng số phận lại không cho các anh được làm những con người bình thường như bao người khác. Đau đớn thay, càng lớn tuổi, đôi chân và tay của các anh càng teo tóp. Nỗi đau da cam đã in hằn trên cơ thể tật nguyền của anh Hỗ Sỹ Ngọc, Hồ Sỹ Minh... Nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được đằng sau những cơ thể tàn tật ấy là nỗi khát khao sống vươn lên để trở thành những con người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Anh Lê Thu Nhân – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ kiêm Hội CĐDC/Điôxin xã Tân Tiến chia sẻ: “Mặc dù phải hứng chịu nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, nhưng anh Hồ Sỹ Ngọc vẫn luôn nỗ lực mỗi ngày để kiếm tiền lo cho gia đình, điều đó khiến cho tất cả mọi người đều thương cảm và nể phục”.

Những nạn nhân chất độc da cam không thể thay đổi hình hài và bệnh tật của mình nhưng họ đang nỗ lực để thay đổi cuộc sống một cách ý nghĩa hơn và có quyền ước mơ cho tương lai tốt đẹp hơn từ sự yêu thương, chăm lo của cộng đồng và xã hội.

Rạng Đông

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/nghi-luc-vuon-len-tu-noi-dau-da-cam-131847.html