Nghị lực vượt khó của chàng trai Vũ Thế Lực

Vượt qua mặc cảm với đôi chân không lành lặn do bị tai nạn lao động, anh Vũ Thế Lực, sinh năm 1993, ở phố Nam Giang, thị trấn Nho Quan từng trải qua những tháng ngày khó khăn để viết lên ước mơ bằng chính nghị lực của mình.

Anh Vũ Thế Lực chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.

Anh Vũ Thế Lực chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp anh Vũ Thế Lực là sự cảm phục. Dù còn trẻ nhưng anh đã phải trải qua biến cố lớn của cuộc đời khi đang ở độ tuổi đẹp nhất. Năm 2013 khi đang làm công nhân cho một công ty, anh Lực bị tai nạn lao động mất đi một phần chân trái. Từ một thanh niên khỏe mạnh bỗng trở thành người khuyết tật. Anh vô cùng chán nản, cuộc sống của bản thân bị đảo lộn.

"Khi bị tai nạn, bản thân cảm thấy rất hụt hẫng và chán nản. Muốn buông bỏ tất cả nhưng nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè. Nên tôi suy nghĩ mình còn tương lai rất dài ở phía trước, phải cố gắng vươn lên, trước là cho cuộc sống bản thân, sau đó là hỗ trợ kinh tế cho gia đình", anh Lực chia sẻ.

Không để trở thành gánh nặng cho gia đình, anh Lực quyết tâm vươn lên, vượt qua nghịch cảnh để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Là người khuyết tật, không thể làm được những công việc nặng nên anh quyết tâm đầu tư phát triển chăn nuôi với mô hình kinh tế đa con.

Năm 2019, sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu cùng với việc đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả tại địa phương, với số vốn tích lũy cùng với vay mượn thêm của người thân, họ hàng, anh Lực đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng, cải tạo 1.200m2 diện tích vườn của gia đình xây dựng lán, các dãy chuồng trại để phát triển chăn nuôi.

Ban đầu, vốn ít, anh chỉ nuôi 100 con gà, 100 con chim cút và 1 ao nuôi thả cá giống. Sau hơn 2 tháng, đàn gà của anh đã xuất bán với trọng lượng trung bình từ 1,8kg-2kg/con, giá bán 90-95 nghìn đồng/kg cho thu về trên 40 triệu đồng.

Với phương châm "vừa làm, vừa rút kinh nghiệm" khi việc chăn nuôi bắt đầu cho hiệu quả, đàn gà, cá phát triển khỏe mạnh, bán được giá cao, anh lại tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để mở rộng mô hình.

Nhận thấy trên địa bàn chưa có hộ nào nuôi ấu trùng ruồi lính đen và chim trĩ, do vậy anh Lực đã xây dựng thêm chuồng nuôi ấu trùng ruồi lính đen với diện tích 50m2 và nuôi thêm 50 con chim trĩ.

Anh Vũ Thế Lực giới thiệu quy trình chăm sóc ấu trùng ruồi lính đen.

Theo anh Lực chia sẻ: "Ấu trùng ruồi lính đen và chim trĩ là 2 con nuôi mới có tiềm năng phát triển tại địa phương. Khi bắt đầu nuôi, do thiếu kinh nghiệm, tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc, các con nuôi không thích ứng được với điều kiện môi trường, chết nhiều nên gần như mất trắng".

Quyết tâm theo đuổi đến cùng, từ sự hỗ trợ, giới thiệu của các cấp Hội Nông dân, anh Lực đã được đi tham quan, học hỏi thêm từ mô hình trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu phương pháp, quy trình chăm sóc.

Nhờ áp dụng các phương thức chăn nuôi khoa học, sau một thời gian, 2 con nuôi này đã có khả năng thích ứng tốt. Qua 3 tháng nuôi, chim trĩ đạt trọng lượng từ 1,2-14kg/con là có thể xuất bán, giá thị trường 150-200 nghìn/kg, còn ấu trùng ruồi lính bán 20-30 nghìn/kg cho các hộ chăn nuôi.

Là mô hình nằm trong khu dân cư, do vậy để đảm bảo con nuôi vừa phát triển, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, anh Lực đã thực hiện chăn nuôi theo quy trình "vòng tròn khép kín" sử dụng men vi sinh, chuồng nuôi luôn đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Thức ăn của các con nuôi được quay vòng, ruồi lính đen làm thức ăn cho gà và chim trĩ, cá còn phân gà, anh sử dụng để bón cho cây trồng.

Là một thanh niên khuyết tật nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, anh Lực không chỉ làm ra của cải vật chất nuôi đủ bản thân mà còn làm giàu cho gia đình. Đến nay, sau 2 năm phát triển, mô hình chăn nuôi của anh Vũ Thế Lực đã cho hiệu quả kinh tế ổn định, doanh thu mỗi năm đạt trên 120 triệu đồng.

Theo đồng chí Phạm Thị Linh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nho Quan, mô hình nuôi chim trĩ và ấu trùng ruồi lính đen là mô hình mới, đầu tiên ở địa phương. Là người tiên phong, bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay mô hình của anh Lực đã thành công, cho hiệu quả kinh tế cao, là mô hình tiêu biểu cho phong trào khởi nghiệp tại địa phương.

Thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn sẽ phối hợp với anh Lực tiếp tục nhân rộng mô hình, triển khai, hướng dẫn cho người dân cùng thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: Mạnh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nghi-luc-vuot-kho-cua-chang-trai-vu-the-luc/d20211127093014274.htm