Nghi ngờ Mỹ cố tình cho Patriot không bắn tên lửa Iran?
Không ít ý kiến cho rằng nếu Iran ngầm thông báo trước về vụ tấn công thì Mỹ cũng cố tình cho các hệ thống Patriot không đánh chặn tên lửa nhằm giữ thể diện cho Iran, tránh đi một cuộc chiến khốc liệt mà cả hai bên đều thua về mặt chiến lược.
Ngày 8-1, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đã nhận được tin nhắn thoại chính thức của Iran thông báo sớm về cuộc tấn công đáp trả Mỹ.
Phía Iran đã chủ động thông báo cho Iraq hành động tấn công trả thù sau vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế ở Thủ đô Baghdad khiến Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.
Theo Người phát ngôn trên, tin nhắn mà Thủ tướng Mahdi nhận được sau nửa đêm có nội dung thông báo hành động đáp trả đã bắt đầu hoặc sẽ sớm bắt đầu. Tin nhắn thậm chí còn nêu rõ cuộc tấn công sẽ chỉ nhằm vào các địa điểm mà lực lượng Mỹ hiện diện. Sau đó vài giờ, 22 tên lửa của Iran đã trút xuống hai căn cứ Irbil và al-Asad tại lãnh thổ Iraq.
Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, nội các của Tổng thống Trump đã nhóm họp khẩn cấp. Vị Tổng thống Mỹ tuyên bố "mọi thứ vẫn ổn" và sẽ có bài phát biểu vào sáng hôm sau. Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo chiến dịch trả đũa của Tehran nhằm vào Mỹ đã khép lại và họ không muốn chiến tranh với Mỹ. Sáng hôm sau đúng như lời hứa, Tổng thống Trump ra tuyên bố xác nhận các binh sĩ Mỹ đều an toàn, hai căn cứ tại Iraq không chịu nhiều thiệt hại sau đòn tập kích của Iran.
"Không có người Mỹ nào bị ảnh hưởng trong cuộc tấn công đêm qua của Iran. Chúng ta không có thương vong. Tất cả binh sĩ đều an toàn và chỉ có thiệt hại tối thiểu tại các căn cứ quân sự", ông nói. "Các lực lượng Mỹ đã chuẩn bị cho mọi thứ, nhưng hiện tại Iran dường như đang xuống nước. Đây là điều tốt cho tất cả các bên liên quan và cho thế giới", ông Trump nhấn mạnh.
Giới quan sát cho rằng "canh bạc tấn công vào căn cứ Mỹ" được Iran tính toán chu đáo, nó sẽ nhắm vào cơ sở hạ tầng và tránh gây thiệt hại về nhân mạng cho binh sĩ Mỹ. Bằng việc tiết lộ trước vụ tấn công, Iran như ngầm gửi tới Mỹ để nước này báo động binh sĩ trú ẩn, vì thế số thương vong sẽ không xảy ra. Như vậy Iran vừa đạt được mục đích là trả đũa cho tướng Soleimani (người có vai trò quan trọng thứ hai tại Iran), trong khi vẫn tránh một cuộc xung đột đẫm máu với Mỹ và gần như cầm chắc thất bại.
Giới quan sát cho rằng nếu Iran đã ngầm báo cho Mỹ biết trước về cuộc tấn công thì có thể Mỹ sau khi cho binh sĩ ẩn náu đã cố tình không bắn hạ tên lửa Iran, giúp Tehran giữ thể diện vì lệnh trả thù cho tướng Soleimani đã được nói ra từ miệng Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei thì không thể rút lại, hay nói cho qua chuyện. Thực tế cho thấy ngay sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ Mỹ tại Iraq, cả Washington và Tehran đều xuống nước một cách nhanh chóng để làm dịu tình hình.
Rõ ràng nếu xung đột giữa Mỹ và Iran nổ ra, cả Mỹ và Iran đều không có lợi, dù Mỹ nắm chắc phần thắng nhưng đó chỉ là thắng về chiến thuật nhưng bất ổn Trung Đông tăng cao, như vậy Mỹ sẽ thua về chiến lược. Vì vậy có thể sự kiện vừa rồi là "màn tung hứng" đẹp giữa Mỹ và Iran, nhằm tránh đi một cuộc chiến khốc liệt không cần thiết. Đây là lý do vì sao hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ dù rất thành công trong việc bắn hạ tên lửa Scud vào năm 1991 nhưng lại "bất lực" trong việc bắn hạ tên lửa Qiam-1 (bản sao của Scud).
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S-300 của Nga) khi có tới 16 quốc gia đang sử dụng. Khác với S-300 chưa một lần ghi nhận thực chiến, hệ thống Patriot PAC-3 đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. Hiện nay phiên bản mới nhất của hệ thống này có khả năng tiêu diệt mục tiêu với phương thức "Hit-to-Kill" tức truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì dùng đầu đạn nổ mảnh.