Nghi ngờ Omicron lây lan, TP.HCM giải trình tự gene ngẫu nhiên
Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên để giải trình tự gene nhằm tìm kiếm và phát hiện biến chủng Omicron.
Kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc Covid-19 được phát hiện tại Việt Nam và TP.HCM liên tục tăng.
Cho đến nay, các tài liệu trên thế giới vẫn cho thấy biến chủng Omicron có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn so với Delta và mức độ bệnh nhẹ. Nhiều nghi vấn cho rằng biến chủng này đang lưu hành và lây lan tại Việt Nam.
TP.HCM giám sát tích cực biến chủng Omicron
Trước băn khoăn về việc có hay không sự có mặt của biến chủng Omicron trong cộng đồng ở TP.HCM, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết để khẳng định chắc chắn, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) lấy mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên các F0 để giải trình tự gene, xác định biến chủng.
"Omicron đa số triệu chứng nhẹ, do đó, dùng phương pháp giải trình tự gene mới xác định được sự có mặt của biến chủng này tại cộng đồng hay không. Chúng tôi cho lấy mẫu tại các bệnh viện, ca bệnh nặng lẫn nhẹ, trường học để giải mã gene để xem có bao nhiêu %, tôi nghĩ có thể sẽ tăng dần theo tỷ lệ", vị này nói với Zing.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết thông thường, việc giải trình tự gene xác định biến chủng SARS-CoV-2 mất khoảng vài ngày.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng sự gia tăng số ca mắc Covid-19 hiện nay tại TP.HCM hay Việt Nam không hẳn do biến chủng Omicron.
Nguyên nhân là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, sự giao lưu, tiếp xúc, di chuyển giữa người dân sinh sống ở các địa phương khiến mầm bệnh có sự lưu hành rộng rãi. Trong khi ngay ở TP.HCM vốn đã có mặt của F0 tại cộng đồng. Do đó, số ca nhiễm sau Tết tăng nhanh là điều có thể hiểu được.
"Nếu sự gia tăng này do biến chủng Delta, người dân tuân thủ 5K nghiêm túc, số ca nhiễm sẽ có chiều hướng giảm. Ngược lại, nếu sự gia tăng này có liên quan biến chủng Omicron, khuynh hướng số ca bệnh sẽ có chiều hướng tăng lên", PGS Dũng nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết việc giải mã trình tự gene để giám sát sự lưu hành của biến chủng Omicron trong giai đoạn này là quan trọng.
"Mặc dù biến chủng này được thế giới cho rằng có mức độ gây bệnh nhẹ, nhưng với khả năng lây lan nhanh hơn so với Delta, chúng ta vẫn nên thận trọng và giám sát động học của dịch. Với Omicron, chúng ta sẽ có những khuyến cáo đầy đủ, rõ ràng hơn", ông nói.
PGS Dũng lý giải nếu xác định được sự lưu hành của biến chủng Omicron, chúng ta có thể hiểu được sự gia tăng số ca nhiễm và chuẩn bị trong tình huống số ca nhiễm tăng cao hơn.
Nhanh chóng tiêm mũi 3 cho người nguy cơ cao
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng trong thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tiêm đủ liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 càng nhiều càng tốt.
Nguyên nhân là với biến chủng Delta, việc tiêm đủ liều cơ bản của vaccine phòng Covid-19 có thể yên tâm. Tuy nhiên, với Omicron, mũi 2 hầu như chỉ còn hiệu lực khoảng 10-20%.
"Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa thể tự tin là rất cao được. Bởi theo thống kê của chúng tôi, vẫn còn khoảng 600.000 người ở các địa phương, bao gồm người lớn và trẻ từ 12 tuổi, chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine", ông nói thêm và cho rằng trong khi Omicron vẫn còn khiến thế giới lo ngại, Việt Nam chưa thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
PGS Dũng cũng cho rằng việc xác định loại biến chủng hiện nay có thể không cần chờ kết quả giải trình tự gene. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có hướng dẫn phương pháp S gene dropout hay S gene target failure (SGFT). Việc sử dụng cách tiếp cận SGTF có thể đem đến tỷ lệ phát hiện nhanh hơn thông qua xét nghiệm rRT-PCR.
Tuy nhiên, kỹ thuật này không phát hiện được biến chủng Omicron BA.2 (biến chủng Omicron tàng hình). Tuy nhiên, BA.2 chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số Omicron nên sử dụng SGTF vẫn là phương pháp hiện phù hợp cho Omicron.
Nếu giải trình tự cho BA.2, phải giải trình tự hàng chục nghìn trường hợp SARS-CoV-2 mới phát hiện được BA.2 nếu nó có hiện diện.
Một phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết những biện pháp khác ngoài giải tự gene có hiệu quả sàng lọc ban đầu, đỡ tốn kém. Tuy nhiên, những mẫu nghi ngờ này cần được giải tự gene để khẳng định.
"Thực tế, việc xác định Omicron, Delta hay biến chủng nào không thay đổi quá nhiều về biện pháp phòng, chống dịch nhưng giúp chúng ta giám sát và lưu hành dịch. Bởi thế giới đang rất lo lắng về biến chủng này", ông nói.
Chia sẻ với Zing trước đó, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: "Biến chủng Omicron có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây lan nhưng không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi rửa tay đúng cách".
Ông nhấn mạnh 5K vẫn là giải pháp ứng biến với mọi biến chủng SARS-CoV-2. Do đó, người dân không nên quá hoang mang và lo lắng, tiếp tục tuân thủ nghiêm 5K là giải pháp quyết định phòng, chống lây nhiễm.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 21/2, thành phố có 183 ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 11 ca mắc tại cộng đồng và 172 ca là người nhập cảnh.
Đến nay, TP.HCM đã tầm soát ngẫu nhiên phát hiện một số trường hợp mắc Covid-19 do biến chủng Omicron trong cộng đồng.