Nghĩ, nói và làm
Trung ương đã công bố toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mấy bác cựu chiến binh ở khu phố chúng tôi mấy bữa nay bàn thảo sôi nổi lắm. Rằng, những nội dung lớn, quan điểm mới mà đại hội thảo luận, quyết định đã được cô đúc trong Nghị quyết. Từ những định hướng chiến lược quan trọng đến những mục tiêu cụ thể đều rất rõ ràng. Hỏi các bác quan tâm nhất điều gì? Ông Đại tá trước đây từng làm việc ở Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) nói ngay: Chúng tôi tâm đắc nhất là những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Năm 2025 phải cán đích ở chỗ nào, tiếp theo là năm 2030 và năm 2045. Đến giữa thế kỷ này nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, với những tiêu chí cụ thể. Đó chính là biểu hiện cụ thể của một đất nước giàu có, thịnh vượng.
Trung ương đã công bố toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mấy bác cựu chiến binh ở khu phố chúng tôi mấy bữa nay bàn thảo sôi nổi lắm. Rằng, những nội dung lớn, quan điểm mới mà đại hội thảo luận, quyết định đã được cô đúc trong Nghị quyết. Từ những định hướng chiến lược quan trọng đến những mục tiêu cụ thể đều rất rõ ràng. Hỏi các bác quan tâm nhất điều gì? Ông Đại tá trước đây từng làm việc ở Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) nói ngay: Chúng tôi tâm đắc nhất là những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Năm 2025 phải cán đích ở chỗ nào, tiếp theo là năm 2030 và năm 2045. Đến giữa thế kỷ này nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, với những tiêu chí cụ thể. Đó chính là biểu hiện cụ thể của một đất nước giàu có, thịnh vượng.
Mừng đấy, nhưng là sự vui mừng của người bộ hành vừa qua một chặng đường lắm dốc, nhiều đèo. Chặng đường sắp tới dù có nhiều thời cơ nhưng cũng lắm gian nan. Khó khăn nhất không phải ở chỗ ta không nhìn thấy, không tính được; không phải do thiếu quyết tâm, hay nội lực ta yếu, mà chính là những thay đổi rất nhanh chóng, những tác động hằng ngày trong một nền kinh tế toàn cầu. Và biết bao khó khăn khác như thiên tai, dịch bệnh. Thấy ngay trước mắt là cơn bão dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Bây giờ người dân nói nôm na rằng: "Năm cô-vít thứ hai" này, cũng phải làm quen với trạng thái bình thường mới - mới của mới, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều trước những bất ngờ không bao giờ lường hết. Có điều cần dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình. Khi chúng ta chủ động thì sự cố xảy ra sẽ ứng phó nhanh.
Thế là câu chuyện xoay sang hướng: làm thế nào, ai làm? Bởi phần "nghĩ", phần "nói" cơ bản đã xong. Vẫn biết đó là cái nghĩ ở tầm lớn, tầm xa, lo cho cả quốc gia dân tộc. Tới đây còn cần những nghĩ suy trong tình hình mới, ở cấp độ mới, phạm vi hẹp hơn, gần gặn, thiết thực hơn trong mỗi đơn vị, địa phương.
Làm thế nào là những việc hệ trọng. Nhưng vẫn theo lời mấy bác một thời trận mạc, trước mắt phải làm thật tốt hai việc: cụ thể hóa thành chương trình hành động và phân cấp, phân quyền, quy định rõ ràng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Chương trình hành động không phải là "bản nghị quyết thứ hai". Không thể đem "chương trình" của cấp trên chụp cho cấp dưới, nơi này áp vào nơi khác. Vì vậy, đây chính là thể hiện quyết tâm, trí tuệ, sáng tạo của cơ sở. Bởi lâu nay nhiều vị thuộc nghị quyết lắm, nói đâu ra đấy về cái mới, về giải pháp thực hiện, nhưng trước những diễn biến phức tạp, trong đơn vị có nhiều tiếng nói trái ngược thì lúng túng, không dám nói ra ý kiến của mình. Nói chủ trương lớn thì trơn tru, nhưng đến việc của đơn vị thì đùn đẩy, ngại trách nhiệm. Tình trạng dự án đã được duyệt, có tiền mà không tiêu được nhiều khi là do sợ sai, ảnh hưởng đến cái ghế của mình. Thế nên, ở một vài nơi cấp ủy, chính quyền không bàn tính tới cùng, cứ "đẩy" lên cấp trên, lên Chính phủ để "xin ý kiến". Làm như thế được cho là "an toàn", nhưng cần gọi đúng tên, đó là hữu khuynh, né tránh.
Nghị quyết vào cuộc sống đương nhiên phải thông qua hệ thống chính trị. Các chủ trương, đường lối càng được luật hóa, cụ thể hóa càng tốt. Nhưng dù luật hóa tối đa cũng không thể thay thế sức mạnh đoàn kết, huy động được trí dân, lòng dân. Nó là con đường ngắn nhất để mục tiêu biến thành hiện thực. Chủ trương "không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau" đã được cán bộ, quần chúng thực hiện qua những việc làm tử tế. Chuyện người dân Thủ đô vận động nhau tìm nhiều cách giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương trong vùng dịch vừa qua là một dẫn chứng nóng hổi. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có ghi: "tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước". Thật là sâu sắc, thấm thía.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinh-tri-hangthang/nghi-noi-va-lam-640342/