Nghi phạm đã phát tán tài liệu mật của Lầu Năm Góc như thế nào?

Ngày 13/4, tờ The Washington Post đưa tin nghi phạm phát tán hàng trăm tài liệu mật của Lầu Năm Góc được xác định là một thanh niên từng làm việc trong một căn cứ quân sự của Mỹ.

Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Getty Images

Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Getty Images

Theo nguồn tin, nghi phạm là thanh niên trẻ, đam mê súng, có xu hướng phân biệt chủng tộc. Người này đã đăng tải các tài liệu mật trên nhóm trò chuyện của ứng dụng Discord. Nhóm trò chuyện này có khoảng hơn 20 thành viên, được lập ra để phục vụ mục đích chơi game. Tại đây, các thành viên đã có một số tranh cãi về tình hình chiến sự ở Ukraine.

The Washington Post đã tiếp cận được với một thành viên trong nhóm trò chuyện trên. Người này tiết lộ nghi phạm có biệt danh là “OG”. Anh ta nhiều lần nhấn mạnh trong nhóm rằng mình đã làm việc tại một căn cứ quân sự của Mỹ. Tại đây, công việc chính của OG cho phép anh ta tiếp cận và đọc một số lượng lớn tài liệu mật.

Theo những người trong nhóm trò chuyện, OG đã chia sẻ tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ lên nhóm nhằm “gây ấn tượng” với các thành viên khác. Người này đã đăng tổng cộng 300 bức ảnh về các tài liệu mật, gấp 3 lần con số được cho là đang bị phát tán trước đó. Một số thông tin trong các tài liệu được đánh dấu NOFORN, nghĩa là không được chia sẻ với người nước ngoài.

Theo kết quả điều tra của tờ The Washington Post, các bạn bè trên mạng mô tả OG là người có suy nghĩ tiêu cực về Chính phủ Mỹ, đặc biệt là cơ quan thực thi pháp luật và tình báo. Nguồn tin cũng đã thu thập được đoạn video về OG tại một trường bắn.

“Anh ta nói nhiều từ ngữ mang tính phân biệt chủng tộc, sau đó bắn nhiều phát đạn vào một bia tập bắn”, tờ báo cho biết.

Tính đến tối 12/4, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chưa thẩm vấn những người bạn được OG chia sẻ hình ảnh tài liệu mật. Hiện không rõ OG đang lẩn trốn ở đâu. Thành viên nhóm trò chuyện nói rằng anh ta “dường như rất bối rối và không biết phải làm gì”.

“OG biết rõ những gì đang xảy ra và hậu quả của việc này. Anh ta chỉ không biết giải quyết việc này ra sao. OG có vẻ khá quẫn trí về điều đó”, một người bạn của OG nói với tờ Washington Post.

Trong tin nhắn cuối cùng gửi bạn bè trên nhóm trò chuyện, OG nói: “Hãy xóa các thông tin có liên quan và tránh kể về những chuyện này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp ở Lầu Năm Góc ngày 15/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu tại cuộc họp ở Lầu Năm Góc ngày 15/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi xác định được danh tính nghi phạm phát tán các tài liệu mật, có thể loại trừ khả năng vụ việc liên quan đến hoạt động tình báo của các quốc gia là đối thủ của Mỹ. Theo tờ Washington Post, đây là hệ quả của việc Lầu Năm Góc đã trao quyền tiếp cận tài liệu mật cho quá nhiều cá nhân - từ quan chức cấp cao cho đến sĩ quan, nhân viên dân sự và cả nhà thầu tư nhân.

Trong tuần qua, khoảng hơn 100 trang tài liệu tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ đã bị phát tán trên mạng xã hội. Vụ việc này đã gây chấn động ngành quốc phòng và tình báo của nước này.

Theo nguồn tin, số tài liệu này chứa rất nhiều thông tin về kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ukraine - bao gồm các mốc thời gian đào tạo và cung cấp vũ khí, dữ liệu về chi phí đạn dược, cơ cấu của các đơn vị chiến đấu Ukraine, ước tính tổn thất của Nga và Ukraine. Đồng thời, các tài liệu dường như cũng có thông tin tình báo về các vấn đề nội bộ ở nhiều quốc gia, trong đó có các đồng minh của Mỹ là Israel, Hàn Quốc và Anh.

Khi một số quốc gia còn tranh cãi về tính xác thực của thông tin trong các tài liệu, trong tuyên bố hôm 10/4, Lầu Năm Góc cho biết một số tài liệu rò rỉ “dường như chứa tài liệu nhạy cảm và có độ bảo mật cao”.

Bộ Tư pháp đã bắt đầu cuộc điều tra hình sự và FBI đã tiến hành cuộc truy lùng kẻ phát tán tài liệu mật vào đầu tuần. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố cơ quan này sẽ làm mọi thứ có thể để tìm ra nguyên nhân cũng như hạn chế những tác động mà vụ việc này gây ra.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và lật mọi tảng đá cho đến khi tìm ra nguồn gốc và mức độ của vụ rò rỉ này”, ông Austin nói.

Trong khi đó, Ukraine là quốc gia bày tỏ thất vọng lớn nhất với các tài liệu mật bị rò rỉ. Chính phủ Ukraine vẫn đang thống kê thiệt hại. Tài liệu mật hé lộ Ukraine đã thành lập 12 lữ đoàn mới, trang bị xe tăng phương Tây để mở cuộc phản công.

“Dĩ nhiên, chúng tôi không hài lòng. Chúng tôi từng bị chỉ trích vì không được coi là đối tác tin cậy. Khi chiến sự nổ ra, chúng tôi không được cung cấp vũ khí kịp thời vì sự thiếu tin tưởng này. Kết quả, chúng tôi đã mất nhiều vùng lãnh thổ và nhân lực. Giờ đây, vụ rò rỉ thông tin lại xuất phát từ phía Mỹ”, một quan chức Ukraine nói.

Quan chức này nói rằng còn quá sớm để nói rõ vụ rò rỉ có ảnh hưởng đến khế hoạch phản công của Ukraine hay không. Ukraine được cho là muốn tập trung tiến công ở miền Nam, nhằm cắt đứt tuyến đường bộ nối bán đảo Crimea với vùng Donetsk, thông qua các vùng Kherson và Zaporizhzhia. Xa hơn nữa, Ukraine muốn giành lại quyền kiểm soát thành phố Melitopol và thành phố cảng Berdiansk.

Về phần mình, Nga đã có phản ứng khá im lặng đối với vụ rò rỉ tài liệu này. Hôm 12/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết vụ rò rỉ có thể là âm mưu phát tán thông tin sai lệch của Mỹ.

“Vì Mỹ là một bên trong cuộc xung đột và về cơ bản đang tiến hành cuộc chiến hỗn hợp chống lại chúng tôi, nên có thể những hành vi này đang được sử dụng để đánh lừa đối phương - ở đây là Nga,” ông Ryabkov nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian, Washington Post)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghi-pham-da-phat-tan-tai-lieu-mat-cua-lau-nam-goc-nhu-the-nao-20230413183443849.htm