Nghi phạm khủng bố đến từ Tajikistan: Tiếng chuông cảnh tỉnh cho Nga và thế giới
Việc 4 nghi phạm vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow hôm 22/3 đều mang quốc tịch Tajikistan khiến sự chú ý và nhiều câu hỏi về quốc gia Trung Á này được đưa ra.
Ngày 25/3, giới chức Nga đã công bố danh tính 4 nghi phạm vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow hôm 22/3 khiến ít nhất 139 người thiệt mạng, gần 150 người bị thương.
Cả 4 nghi phạm, gồm Dalerdjon Mirzoyev (32 tuổi), Saidakrami Rachabalizod (30 tuổi), Muhammadsobir Fayzov (19 tuổi) và Shamsidin Fariduni (25 tuổi), đều mang hộ chiếu Tajikistan.
Văn phòng Tổng thống Tajikistan ngày 24/3 cho biết, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm sau vụ tấn công khẳng định rằng "những kẻ khủng bố không có quốc tịch, tổ quốc cũng như không theo tôn giáo nào".
Vậy vì sao những kẻ khủng bố này đều mang quốc tịch Tajikistan và quốc tịch của họ có liên quan gì đến cáo buộc khủng bố?
Những điều cần biết về Tajikistan
Tajikistan là một quốc gia không giáp biển với 10 triệu dân nằm giữa Uzbekistan, Afghanistan và Trung Quốc. Đây là quốc gia nghèo nhất trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Tajikistan có nghĩa "Vùng đất của người Tajik" trong tiếng Ba Tư. Từ "Tajik" đã được sử dụng để phân biệt người Iran với người Turk tại Trung Á, bắt đầu ngay từ thế kỷ thứ 10.
Tajik là dân tộc lớn nhất ở Tajikistan và lớn thứ hai ở Afghanistan. Ước tính có hơn 3 triệu người Tajik đang sinh sống tại Nga, chiếm khoảng 1/3 tổng dân số Tajikistan. Người Tajik tại Nga thường làm những công việc lương thấp tại các công trường xây dựng, chợ sản xuất hay vệ sinh công cộng.
Sự sụt giảm dân số tại Nga khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào lao động nước ngoài để đáp ứng những nhu cầu về lực lượng lao động. Chính vì vậy số người Tajik tại Nga ngày càng tăng, tuy nhiên vị thế trong xã hội của họ không cao.
Từ năm 2022, những người Tajik cũng được huy động nhập ngũ để tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tộc người Tajik từng có bề dày lịch sử huy hoàng. Trong hơn một thiên niên kỷ, người Tajik, hậu duệ nói tiếng Ba Tư của người Sogdian cổ đại thống trị Con đường Tơ lụa, vốn là tầng lớp tinh hoa văn hóa tại Trung Á.
Từ thời kỳ Phục hưng Ba Tư Mới vào thế kỷ thứ X khi thủ đô Bukhara cạnh tranh với Baghdad về vị thế một trung tâm Hồi giáo và văn hóa cao cấp, người Tajik chủ yếu là những học giả và quan chức cấp cao ở nhiều thành phố lớn ở Trung Á cho đến Cách mạng Nga.
Nhà thông thái thời Trung cổ nổi tiếng Avicenna là người dân tộc Tajik, cùng nhiều cái tên khác như nhà sưu tập Hadith (bản ghi chép những lời dạy của Muhammad) Bukhari, nhà thơ Sufi Rumi...
Năm 1868, Nga hoàng sáp nhập miền Bắc Tajikistan vào đế chế Nga, còn miền Nam Tajikistan nằm dưới chế độ bảo hộ của Nga.
Ngày 14/10/1924, Tajikistan gia nhập thành phần nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Uzbekistan. Ngày 16/10/1929, Tajikistan tách ra thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Tajikistan, chủ yếu bao gồm các vùng lãnh thổ miền núi, cận biên và không có đô thị lớn. Ngày 5/12/1929, Tajikistan gia nhập Liên bang Xô Viết. Năm 1991, Tajikistan tuyên bố độc lập.
Trong suốt thế kỷ XX, Tajikistan là khu vực nghèo khó và kém phát triển nhất của Liên Xô cũ, và tiếp tục duy trì tình trạng này ngay cả sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.
Từ năm 1992-1997, đất nước này rơi vào cuộc nội chiến tàn khốc phá hủy những cơ sở hạ tầng còn sót lại từ thời Xô Viết.
Con mồi cho những kẻ truyền giáo cực đoan
Bóng ma Hồi giáo cực đoan nhăm nhe tới Tajikistan bắt nguồn từ nước láng giềng Afghanistan - nơi người Tajik sinh sống thậm chí còn đông hơn đáng kể so với trên lãnh thổ Tajikistan.
Tình trạng nghèo đói và biên giới lỏng lẻo đã biến Tajikistan trở thành vườn ươm cho khủng bố. Năm 2017, trung tâm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group (ICG) ước tính có khoảng từ 2.000 đến 4.000 kiều dân Tadjikistan, Kirghizstan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan đã gia nhập hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Họ tham gia đội ngũ chiến binh và thậm chí trở thành một số lãnh đạo hàng đầu.
Nhìn từ góc độ con người, do cuộc sống thiếu thốn, người Tajikistan dễ dàng trở thành con mồi cho những kẻ truyền giáo Hồi giáo cực đoan, những kẻ mang đến cho họ cảm giác về giá trị và mục đích. Bối cảnh ấy cùng sự tuyệt vọng về tài chính càng trở thành chất xúc tác cho các mầm mống tội phạm phát triển mạnh mẽ.
Một trong những nghi phạm trong vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở Moscow mới đây được cho là đã khai với những người thẩm vấn rằng anh ta được hứa thưởng khoản tiền mặt trị giá nửa triệu Ruble (khoảng 5.300 USD) để thực hiện hành vi tàn bạo này.
Theo chuyên gia Taneja của Tổ chức Nghiên cứu Nhà quan sát, việc IS gieo rắc xung đột trong khu vực cho thấy rõ khả năng của nhóm này trong việc tận dụng "các câu chuyện, các hoạt động chính trị và xung đột cục bộ” để củng cố ảnh hưởng của chính mình. Vào năm 2022, IS đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới ở Uzbekistan và Tajikistan, mặc dù cả hai chính phủ này đều phủ nhận việc tên lửa đã bay tới lãnh thổ của họ.
Ông Taneja nhận định: “Người Trung Á từ cả các quốc gia và dân tộc luôn là một thành phần quan trọng của IS”.
Một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng Một nhấn mạnh IS đang chuyển hướng sang một "chiến lược chiêu mộ có tính bao trùm hơn”, nhắm vào các chiến binh Taliban và phiến quân nước ngoài bị vỡ mộng.
Nhóm này gần đây đã phát hành một cuốn sách tuyên truyền nhỏ bằng tiếng địa phương nhắm tới đối tượng là các tân binh đến từ Tajikistan, trong đó gọi Tổng thống Emomali Rahmon của Tajikistan và chính phủ của ông là "những kẻ ngoại đạo".
Dư luận ở khắp mọi nơi vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow hôm 22/3, bất kể thủ phạm biện minh như thế nào. Thật đáng buồn khi những kẻ cực đoan sát hại người dân vô tội chỉ để lấy tiền hoặc vì những thứ lý tưởng nào đó.
Sự việc đau thương vừa qua chính là tiếng chuông cảnh tỉnh để các quốc gia và các tổ chức quốc tế quan tâm, chung tay trong cuộc chiến chống khủng bố tại các quốc gia Trung Á như Tajikistan, ngăn chặn nguy cơ phổ biến và lan rộng của các phần tử cực đoan.
(theo The Conversation, AFP, Nikkei Asia)