Nghị quyết 01/NQ-CP: Giao chỉ tiêu công nghiệp, thương mại cho ngành Công Thương năm 2025
Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ, năm 2025, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 12%, phấn đấu 14% và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 9-10%, phấn đấu 12,5%.
Bộ Công Thương được giao nhiều chỉ tiêu quan trọng
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Theo đó, bên cạnh điểm lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, những kết quả tích cực mà nền kinh tế đã đạt được trong năm 2024, Nghị quyết 01/NQ-CP cũng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo đó, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao mục tiêu cụ thể cho Bộ Công Thương trong một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 12%, phấn đấu khoảng 14%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10%, phấn đấu khoảng 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9-10%, phấn đấu khoảng 12,5%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt từ 60-62%...
Giải pháp đột phá cho những mục tiêu đột phá
Nhằm đạt được những mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ. Trong đó, để để phát triển thương mại, Nghị quyết yêu cầu phát triển mạnh thị trường trong nước, triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu và xúc tiến thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 10-12%.
Nghị quyết cũng yêu cầu, theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung -cầu hàng hóa, nhất là trong dịp cao điểm Lễ, Tết, triển khai các giải pháp kích thích tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Cùng với đó, tổ chức thực hiên hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế…
Thúc đẩy xuất khẩu thông qua đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá cung ứng khu vực, toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực. Tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La Tinh, châu Phi, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững. Đảm bảo tiến độ đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0; đàm phán FTA ASEAN – Canada )ACAFTA); FTA Việt Nam - Khối EFTA.
Tiếp tục đổi mới, thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu. Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, nhất là các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Để đạt được tăng trưởng IIP như mục tiêu đề ra, Nghị quyết 01/NQ-CP cũng yêu cầu cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ. Trong đó, về công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế. Ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cùng với đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp trong nước. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải các-bon thấp, các loại vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên…
Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.