Bán hàng 'Made in China' khắp thế giới, Trung Quốc thu về 1.000 tỷ USD
Trung Quốc vừa công bố thặng dư thương mại đạt gần 1.000 tỷ USD trong năm 2024, minh chứng cho sức mạnh xuất khẩu vượt trội khi hàng hóa của nước này phủ sóng khắp thế giới.
Dữ liệu thương mại tháng 12/2024 của Trung Quốc đã vượt xa kỳ vọng, với các nhà xuất khẩu tiếp tục đẩy mạnh giao hàng trước nguy cơ tăng thuế quân từ Mỹ, trong khi các biện pháp kích thích của chính phủ nước này dường như đang hỗ trợ nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp.
Các nhà máy tại Trung Quốc đang thống lĩnh ngành sản xuất toàn cầu, đạt đến quy mô chưa từng có kể từ khi Mỹ trở thành nền kinh tế dẫn đầu sau Thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, trái ngược với sự bùng nổ này, các doanh nghiệp và người dân trong nước lại tỏ ra dè dặt trong việc chi tiêu.
Vượt mọi kỷ lục
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của đất nước tỷ dân đã đạt 3.580 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 2.590 tỷ USD, tạo nên thặng dư thương mại 990 tỷ USD năm vừa qua, vượt xa kỷ lục trước đó là 838 tỷ USD vào năm 2022.
Khi điều chỉnh theo lạm phát, thặng dư thương mại của Trung Quốc năm ngoái vượt xa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong một thế kỷ qua, thậm chí cả các cường quốc xuất khẩu như Đức, Nhật Bản hay Mỹ, theo The New York Times.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 1/3 hàng hóa toàn thế giới. Con số này lớn hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
Reuters cho biết thêm lượng hàng xuất khẩu trong tháng 12/2024 của Trung Quốc đã tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng trưởng 7,3% trong khảo sát của Reuters và vượt mức tăng trưởng 6,7% của tháng 11 cùng năm.
Dữ liệu hải quan nước này cho thấy nhập khẩu đã tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, đảo chiều so với sự suy giảm trong 2 tháng trước đó và đạt hiệu suất tốt nhất kể từ tháng 7/2024.
Năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu tính bằng nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng 7,1%, cao hơn đáng kể mức tăng khiêm tốn 0,6% vào năm 2023. Nhập khẩu cũng gây bất ngờ với mức tăng 2,3% trong năm 2024, hồi phục từ mức giảm 0,3% vào năm 2023.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng trước cũng đã tăng lên 104,8 tỷ USD, từ mức 97,4 tỷ USD trong tháng 11/2024. Thặng dư thương mại với Mỹ đã tăng từ 29,81 tỷ USD trong tháng trước đó lên 33,5 tỷ USD.
Trong tháng 12/2024, xuất khẩu của Trung Quốc sang hầu hết thị trường đều tăng, với 18,9% và 15,6% so với cùng kỳ năm trước đối với thị trường ASEAN và Mỹ, theo tính toán của CNBC dựa trên dữ liệu hải quan chính thức.
Trong khi chiều nhập khẩu từ Mỹ trong tháng 12 cùng năm cũng tăng 2,6% và từ ASEAN - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - tăng 5,4%.
Xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu tăng 8,8% trong khi nhập khẩu giảm 4,9%. Xuất khẩu của Trung Quốc sang đối tác BRICS là Nga tăng 5,5% trong khi nhập khẩu giảm 4,7%.
Năm ngoái, xuất khẩu xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc tăng lần lượt 13,1% và 18,7%, theo các quan chức hải quan.
Trong khi đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, với lượng giao hàng đạt 110,7 triệu tấn, trong bối cảnh nước này nỗ lực bù đắp nhu cầu nội địa yếu do khủng hoảng bất động sản và sự suy giảm trong hoạt động sản xuất.
Bình yên trước cơn bão
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 12 năm ngoái, trong khi nhập khẩu cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đà tăng trưởng này phần nào xuất phát từ việc các nhà máy đẩy nhanh lượng hàng tồn kho ra nước ngoài để đối phó với rủi ro thương mại gia tăng dưới chính quyền Tổng thống Trump.
“Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 12/2024 rõ ràng hơn do ảnh hưởng từ Tết Nguyên đán và lễ nhậm chức của ông Donald Trump”, ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cao cấp tại Economist Intelligence Unit, nhận định.
“Tăng trưởng nhập khẩu có thể được hỗ trợ nhờ vào việc tích trữ các hàng hóa như đồng và quặng sắt, như một phần trong chiến lược mua rẻ của Trung Quốc”, ông bổ sung.
Xuất khẩu đang là một điểm sáng hiếm hoi cho nền kinh tế 18.000 tỷ USD đang bị tổn thương của Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này vẫn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, niềm tin người tiêu dùng suy yếu và căng thẳng thương mại gia tăng với các đối tác lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Song, tăng trưởng này có thể bị đe dọa sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới.
Dù các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể lạc quan với các biện pháp gần đây nhằm đảm bảo mức tăng trưởng khoảng 5%, những thách thức như nguy cơ tăng thuế quan từ Mỹ vẫn là mối đe dọa lớn đối với triển vọng năm 2025.
Triển vọng xuất khẩu cả năm có vẻ kém lạc quan hơn, khi “nguy cơ tăng thuế quan có thể làm giảm đà phát triển”, ông Bruce Pang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, cảnh báo.
Ông Trump trước đó đã cam kết áp thêm 10% thuế quan đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới giữa hai cường quốc.
Bên cạnh đó, các tranh chấp chưa được giải quyết với Liên minh Châu Âu về mức thuế quan 45,3% đối với xe điện Trung Quốc cũng đe dọa kế hoạch mở rộng xuất khẩu ôtô và giải quyết tình trạng dư cung.
“Kể từ năm 2021, Trung Quốc đã chuyển hướng mạnh mẽ sang xuất khẩu, điều này đang làm giảm thị phần của nhiều quốc gia sản xuất hàng hóa khác”, Brad Setser, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, nhận định.
Những khoản đầu tư quá mức vào các nhà máy đang đặt nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thua lỗ. “Trung Quốc đang phạm sai lầm lớn khi sản xuất quá mức nhu cầu nội địa và xuất khẩu lượng dư ra toàn thế giới”, ông R. Nicholas Burns, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cho biết.
Phát ngôn viên của hải quan Trung Quốc cho biết: “Vẫn còn nhiều dư địa để nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng trong năm nay”.
Nhờ vào việc giảm giá đồng nhân dân tệ, các nhà sản xuất Trung Quốc đã thu hút được người mua ở nước ngoài trong năm 2024, nhằm bù đắp nhu cầu trong nước suy giảm, theo các nhà phân tích.
“Đà gia tăng hai chữ số trong xuất khẩu tháng 12/2024 (dẫn đầu là Mỹ và ASEAN), cùng với mức tăng trong chỉ số PMI đơn hàng xuất khẩu mới hỗ trợ nhận định của chúng tôi rằng nguy cơ tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến xu hướng xuất khẩu trong vài quý tới”, các nhà phân tích tại Barclays cho biết.
“Tóm lại, chúng tôi cho rằng mức tăng nhẹ trong nhập khẩu và chỉ số giá tiêu dùng hạ chứng tỏ phục hồi nhu cầu trong nước vẫn còn yếu ớt”, các chuyên gia cho biết thêm.