Nghị quyết 120: Thay đổi tư duy sản xuất của người dân ĐBSCL
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt dường như Nghị quyết 120 đã giúp sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thêm một bước tiến mới.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp của vùng đã có sự chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng "thuận thiên", thích ứng với hạn mặn, tạo nên những ngành hàng đặc biệt, phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường hơn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt dường như Nghị quyết 120 đã giúp sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thêm một bước tiến mới.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 120, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt.
Đó là xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển thủy lợi: phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Riêng về phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hình lại mô hình sản xuất theo từng vùng: ngọt, mặn, lợ, đan xen vào đó những mô hình sản xuất vụ này có thể hỗ trợ cho mùa vụ khác, chuyển dần diện tích canh tác lúa sang các mô hình đa canh khác như lúa-tôm, lúa-sen, lúa-cá hay mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn.
“Đây là những mô hình vừa mang tính chất “thuận thiên” vừa có một nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Sự xen kẽ đa canh đó để loại bỏ đi những rủi ro trong mùa vụ nhất là trong xu thế thị trường thế giới có nhiều bất ổn”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Thực tế các mô hình sản xuất tại nhiều địa phương đã minh chứng, sự tuần hoàn, đan xen trong sản xuất còn giúp cho sự phục hồi hệ sinh thái, hồi phục dinh dưỡng trong đất mà không tạo ra áp lực khi giảm bớt việc sử dụng phân bón, chi phí cho người nông dân. Trong khi đó lại tạo ra được nông sản sạch, mang lại giá trị cao hơn.
Điển hình như mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (mặn xâm nhập từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm).
Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng, các tháng còn lại đều bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Hiệu quả thiết thực từ mô hình đã đưa Đồng bằng sông Cửu Long đến nay có trên 211.900 ha tôm-lúa, so với khoảng 176.600 ha vào năm 2015.
Hay tại vùng Gò Công Tây nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với vựa lúa, trái cây, rau màu cho tiêu dùng và xuất khẩu lớn của Tiền Giang.
Nơi đây thường bị mặn xâm nhập sớm và sâu về thượng lưu khiến toàn bộ các cống lấy nước trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phải đóng ngăn mặn từ sớm.
Thích ứng với điều kiện khắt khe, địa phương đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn trái đặc sản lên gần 4.000 ha, có giá trị kinh tế cao, là nguồn cung nông sản hàng hóa xuất khẩu quan trọng: thanh long, bưởi da xanh, dừa…
Đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, địa phương cũng bơm trữ nước kịp thời và chủ động theo phương án khoa học kết hợp duy tu, nâng cấp và sửa chữa, hoàn thiện mạng lưới thủy lợi nội đồng đã mang lại hiệu quả lớn trong phòng chống thiên tai.
Người dân cũng đã tìm đến các giải pháp như trồng các giống cây chịu mặn tốt hơn. Điển hình như vườn cây bưởi chịu mặn của gia đình anh Nguyễn Văn Đổi, ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Nước tưới đo được trong vườn đã vượt ngưỡng 10gr/lít (mười phần nghìn độ mặn), nhưng vườn bưởi nhà anh vẫn phát triển tốt.
Phát huy vùng đất có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, đến nay, Bạc Liêu có trên 136.000 ha diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản (chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), có nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng mang lại lợi ích kinh tế, giá trị sản xuất thủy sản cao là nơi có sản lượng tôm nuôi đứng thứ 2 cả nước và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quá trình chuyển đổi sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long được xem là một trong những giải pháp phi công trình quan trọng nhất để vùng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cũng trong thời gian vừa qua, nhờ Nghị quyết 120, nông nghiệp còn được đầu tư nhiều công trình thủy lợi lớn như: Cái Lớn – Cái Bé, Nam Măng Thít, Bắc Bến tre, Kênh Mây Phốp - Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cống âu thuyền Ninh Quới, Trạm bơm cống Xuân Hòa tỉnh Tiền Giang…
Các công trình này đã đồng hành để giải quyết bài toán vừa thuận thiên vừa giải quyết một phần nào những rủi ro đột ngột do biến đổi khí hậu trong từng năm như hạn mặn…
Nhưng bên cạnh việc đầu tư để có các công trình thủy lợi lớn, quan trọng để điều tiết mặn ngọt thì việc vận hành nó cũng vấn đề rất lớn.
Do đó, không chỉ xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã giao các cơ quan xây dựng quy chế vận hành các công trình, giúp người sản xuất, địa phương điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Hoan, chính quy chế vận hành là phần mềm nhưng nó quyết định sự thành công của phần cứng của hệ thống thủy lợi được đầu tư.
Với các quy trình, quy chế vận hành kết hợp với công nghệ, những thông tin, dữ liệu về mặn, ngọt, triều có thể đến từng người sản xuất. Quy trình vận hành đó được vận hành tốt giúp cho chính quyền địa phương, người dân điều chỉnh cho phù hợp trong từng thời điểm, mùa vụ.
“Giải pháp phi công trình phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư vào thì mới phát huy hết hiệu quả của các công trình đầu tư. Bởi nếu không sẽ tạo ra sự xung đột giữa người trồng lúa với người nuôi tôm hay người trồng màu”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hoan chỉ ra./.