Nghị quyết 128: Chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp 'vượt bão'
Trong suốt một năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện một số giải pháp tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ, giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…
Nghị quyết 128 NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” với nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp về tài khóa như miễn giảm thuế… để hỗ trợ doanh nghiệp được ngành tài chính triển khai đến nay tròn 1 năm đã có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước.
Mặc dù dịch COVID-19, kéo dài nhưng năm 2021 tổng thu ngân sách ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. 9 tháng của năm 2022, tổng thu ngân sách ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ năm 2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, những con số biết nói này cho thấy rõ đà phục hồi khá rõ nét của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chủ trương thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 128.
PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh khẳng định chính sách tài khóa đã phối hợp khá nhịp nhàng, đóng góp tích cực vào quá trình khôi phục nền kinh tế như việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, miễn các loại thuế, phí với xăng dầu và hơn 30 loại phí khác…
Để giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân do dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Trong năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ đã được tiếp tục triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng). 9 tháng của năm 2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 157,9 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 97,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
Trong suốt một năm qua, Bộ Tài chính đã thực hiện một số giải pháp tài khóa như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí… đã trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, giúp kiểm soát lạm phát trong những tháng đầu năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, các chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trườn đối với các mặt hàng xăng, dầu nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Theo Thứ trưởng, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thời gian qua.
Thứ trưởng Võ Thành Hưng cũng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ trên, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo các giải pháp đưa ra là thiết thực, nhanh chóng tới được các đối tượng gặp khó khăn thực sự. Các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đều quy định rõ các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế được gia hạn, miễn, giảm, số thuế còn phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Bên cạnh đó, các chính tài khóa giúp hỗ trợ hàng hóa giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Điều này thể hiện qua việc trong 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Việc tiêu dùng tăng khuyến khích sản xuất cũng như tăng trưởng.
Đặc biệt, lạm phát được kiểm soát, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường như chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng... không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, tết để tăng giá bất hợp lý.
Tất cả các chính sách tài khóa được thực hiện thời gia qua đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế như Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới, được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng mức xếp hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay, tăng từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. Chính hiệu quả thực thi chính sách tài khóa của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. Chính phủ đã triển khai kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn, tập trung huy động vốn trong nước từ các nhà đầu tư tổ chức với chi phí thấp, kỳ hạn dài và tiếp tục duy trì thành quả kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP ổn định, thấp hơn tỷ lệ các năm trước và dưới mức trần 60%, trong khi vẫn điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, việc tổ chức Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam để ổn định và phục hồi kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội; nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế./.