Nghị quyết 142: đòn bẩy phát triển nguồn nhân lực và giảm nghèo bền vững ở Nam Định

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 142/2024 của HĐND tỉnh Nam Định đang bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, nhất là tại khu vực nông thôn.

Ngày 10/12/2024, HĐND tỉnh Nam Định ban hành Nghị quyết số 142/2024/NQ-HĐND về chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm bền vững giai đoạn 2024-2030. Đây là một trong những chính sách trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tiếp sức kịp thời cho người lao động, học sinh, sinh viên

Ngay sau khi Nghị quyết được thông qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nam Định phối hợp các ngành liên quan triển khai chính sách đến từng địa phương. Chính sách cho phép người lao động, học sinh - sinh viên được vay vốn ưu đãi với lãi suất tối đa 6,9%, thời hạn vay lên đến 10 năm và không cần tài sản đảm bảo. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, đến giữa tháng 4/2025, tổng nguồn vốn chuyển sang cho vay theo Nghị quyết 142 đạt 68 tỷ đồng. Trong đó, 57 tỷ đồng dùng để cho vay giải quyết việc làm, 10 tỷ đồng cho vay xuất khẩu lao động, 1 tỷ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề. Tổng số tiền đã giải ngân là 56,92 tỷ đồng với 588 khách hàng được tiếp cận vốn.

Cán bộ NHCSXH huyện Nghĩa Hưng giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân tại Điểm giao dịch tại xã Nghĩa Hùng. Ảnh: Đức Toàn

Cán bộ NHCSXH huyện Nghĩa Hưng giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho người dân tại Điểm giao dịch tại xã Nghĩa Hùng. Ảnh: Đức Toàn

Riêng huyện Nghĩa Hưng được phân bổ 7,2 tỷ đồng. Đến ngày 13/4/2025, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân 6 tỷ đồng cho 60 hộ vay theo chương trình tạo việc làm. Nguồn vốn này được đánh giá là "đòn bẩy" để người dân đầu tư mở rộng sản xuất, tạo sinh kế lâu dài tại địa phương.

Câu chuyện của chị Lương Thị Phượng, tổ dân phố số 10, thị trấn Quỹ Nhất (huyện Nghĩa Hưng), là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của chương trình. Trước đây, xưởng may của gia đình chị chỉ có vài máy công nghiệp, hoạt động gia công nhỏ lẻ. Khi nhu cầu mở rộng tăng lên, chị Phượng cần nguồn vốn đầu tư thêm máy móc và thuê thêm lao động.

"May mắn là đầu năm nay tôi được vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm. Nhờ khoản vay này, gia đình tôi đã đầu tư thêm máy may, máy cắt, máy là và mở rộng xưởng. Hiện tại, xưởng may tạo việc làm ổn định cho 22 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động thời vụ, với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/tháng"- chị Phượng chia sẻ.

Không chỉ cải thiện thu nhập gia đình, mô hình của chị Phượng còn giúp nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định, nhất là phụ nữ và lao động chưa qua đào tạo.

Tính đến ngày 14/4/2025, thị trấn Quỹ Nhất có hơn 118 hộ còn dư nợ chương trình giải quyết việc làm, với tổng dư nợ trên 9,7 tỷ đồng. Riêng từ nguồn vốn theo Nghị quyết 142, đã có 3 hộ được giải ngân 300 triệu đồng.

Nhu cầu lớn, triển khai còn nhiều thách thức

Dù đạt được kết quả tích cực bước đầu, theo các cơ quan chức năng, nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, khởi nghiệp, học nghề và đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn rất lớn - đặc biệt ở khu vực nông thôn và các hộ có đất bị thu hồi do giải phóng mặt bằng.

Một số tồn tại cũng được chỉ ra như dư nợ còn thấp, quy mô vay nhỏ lẻ, việc gắn kết giữa tín dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa hiệu quả, khiến người dân khó tối ưu hóa nguồn vốn được vay.

Để khắc phục, NHCSXH tỉnh Nam Định cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận chính sách. Thủ tục vay sẽ được đơn giản hóa, công khai, minh bạch, nhằm đảm bảo vốn đến đúng người cần, đúng mục đích.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phấn đấu mỗi năm hỗ trợ ít nhất 500 người lao động, học sinh - sinh viên đi học tập, đào tạo nghề hoặc làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đối tượng ưu tiên bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, hộ bị thu hồi đất sản xuất…

Ngoài ra, các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao sẽ được tăng cường để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bảo Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghi-quyet-142-don-bay-phat-trien-nguon-nhan-luc-va-giam-ngheo-ben-vung-o-nam-dinh.700107.html