Nghị quyết 24 - Bước đột phá về kinh tế đồi rừng

PTĐT - Nếu 'khoán hộ' do cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng năm 1966 đã tạo ra một cuộc cách mạng trên đồng ruộng thì Nghị quyết 24 ngày 7/11/1982 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phú được coi là cuộc cách mạng trên đồi rừng. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống...

Kỳ I:“Hồi sinh” đồi rừng !

Cán bộ Hạt kiểm lâm Tân Sơn hướng dẫn người dân khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt lựa chọn cây giống trồng rừng nguyên liệu.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Tân Sơn hướng dẫn người dân khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt lựa chọn cây giống trồng rừng nguyên liệu.

PTĐT - Nếu “khoán hộ” do cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc khởi xướng năm 1966 đã tạo ra một cuộc cách mạng trên đồng ruộng thì Nghị quyết 24 ngày 7/11/1982 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phú được coi là cuộc cách mạng trên đồi rừng. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống, với tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo cùng tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng. Sau gần bốn thập niên, những chủ trương, định hướng đúng đắn của Nghị quyết vẫn vẹn nguyên giá trị, tạo tiền đề, động lực quan trọng cho hoạt động kinh tế đồi rừng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển bền vững...

Yêu cầu từ thực tiễn!
Sau khi hợp nhất với tỉnh Vĩnh Phúc, đất đồi rừng chiếm tới 2/3 diện tích tỉnh Vĩnh Phú. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng để tỉnh tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều chủ trương, giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã được triển khai nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trồng rừng mới chỉ đạt tỷ lệ 40% cây sống, năng suất thấp. Cây công nghiệp, cây ăn quả không đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn. Rừng bị đốt phá nghiêm trọng, độ che phủ giảm, đất đai bị xói mòn, thoái hóa. Rừng tàng kiệt ngày càng nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống... Tháng 7/1982, trong dịp về thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phú, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều

ý kiến tâm huyết, quý báu về tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Cố Thủ tướng nhấn mạnh: “Vĩnh Phú là tỉnh có nhiều đất đồi rừng, khai thác hợp lý đất đai, thực hiện nông - lâm kết hợp là vấn đề vô cùng lớn, cực kỳ quan trọng. Vĩnh Phú phải là đơn vị đi đầu làm mô hình khai thác đất đồi, kết hợp nông - lâm. Những kinh nghiệm sáng tạo từ thực tiễn sẽ rất quý báu không chỉ cho tỉnh mà cho cả nước...”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sau thời gian nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng, ngày 7/11/1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phú đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về “Quản lý và sử dụng đất đồi rừng” với 4 hình thức tổ chức sản xuất là trại rừng, trại cây ăn quả, vườn rừng, vườn cây ăn quả nhằm khai thác, phát huy tốt cả 3 hình thức quốc doanh, tập thể và gia đình, trên cơ sở đó tận dụng tối đa tài nguyên đất lâm nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở phân loại đất đai, tỉnh có kế hoạch hướng dẫn các hình thức tổ chức sản xuất theo vùng với quy mô lớn theo phương châm: Tích cực, khẩn trương nhưng phải vững chắc, có bước đi phù hợp với khả năng lao động, tiền vốn, lấy thâm canh lương thực và hiệu quả kinh tế làm mục tiêu... Xác định đây là chủ trương lớn có tầm chiến lược, tác động to lớn đến đời sống kinh tế- xã hội các địa phương, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện việc quản lý sử dụng đất đồi rừng do đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, lấy huyện Đoan Hùng làm thí điểm rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng...Ông Trần Văn Đăng- Nguyên Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng nhớ lại: “Được Tỉnh ủy tin tưởng lựa chọn làm điểm, chúng tôi phấn khởi nhưng cũng lo lắm. Nghị quyết triển khai thành công sẽ mở hướng giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, kinh tế-xã hội của huyện cũng khởi sắc hơn. Tuy nhiên, đã hai lần “tiến quân” lên trồng rừng nhưng kết quả chưa được như mong muốn nên lần này chúng tôi đặt quyết tâm phải thành công. Thuận lợi lớn nhất của huyện khi triển khai thực hiện Nghị quyết là có sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, tinh thần đồng thuận, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong huyện. Cùng với đó, đất nước đã thống nhất, kinh tế được cải thiện, hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, huyện Đoan Hùng mới tách ra từ sông Lô, điều kiện tự nhiên thuận lợi, thổ nhưỡng rất phù hợp cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt. Huyện ủy đã nghiên cứu, ban hành nghị quyết, UBND huyện ban hành kế hoạch cụ thể, chi tiết trên cơ sở kết quả tổng kiểm tra đất đai của từng gia đình, phân loại rõ từng loại đất để xây dựng đề án phát triển nông lâm kết hợp. Khoán hoa màu hiệu quả thấy ngay nhưng khoán đồi rừng chu kỳ phải cả chục năm mới biết kết quả nên tâm lý người dân lúc đầu cũng còn nghi ngại nên chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, tin tưởng làm theo. Cứ vừa làm vừa nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trên cơ sở lấy lợi ích người trồng rừng làm trung tâm, Nghị quyết 24 đã được triển khai thành công, thực sự phát huy hiệu quả trên đồi rừng Đoan Hùng. Huyện đã trở thành điển hình của cả nước về phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng nông - lâm kết hợp, gắn với cơ sở chế biến sản phẩm…”. Đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết của thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực, được người dân và cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24, Vĩnh Phú cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đồi rừng. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã trồng được hơn 16 ngàn ha rừng, tăng 10 ngàn ha so với chỉ tiêu Đại hội. Chủ trương đúng đắn của Nghị quyết 24 tiếp tục cùng những thành tích bước đầu đã tạo nền tảng, động lực quan trọng giúp Phú Thọ phát huy hiệu quả kinh tế đồi rừng. Trong giai đoạn 1998-2010, Phú Thọ là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Quốc gia. Với nhiều chính sách hỗ trợ hữu hiệu được triển khai thực hiện, từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm Phú Thọ trồng mới được hơn 8.000ha rừng trồng sản xuất, trong đó có gần 3,5 nghìn ha rừng trồng và chuyển hóa gỗ lớn; hơn 33 nghìn ha rừng tự nhiên được hỗ trợ kinh phí bảo vệ nghiêm ngặt... Đất trống, đồi trọc đã được phủ xanh, đồi rừng đã được hồi sinh. Quan trọng hơn, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đông đảo người dân về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng đất đồi rừng đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Từ kinh tế đồi rừng, cuộc sống của nhiều gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, ngày càng sung túc.

Lấy “lâm” làm “nghiệp”!Sinh năm 1952, nhập ngũ đúng thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, từ năm 1972 đến năm 1983, ông Đặng Xuân Tiến (khu 1, xã Bằng Doãn, huyện Đoan Hùng) cùng đồng đội lăn lộn khắp các chiến trường Đông Nam bộ, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, chống quân xâm lược bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Xuất ngũ trở về địa phương, ông Tiến ngỡ ngàng đến đau xót khi chứng kiến những khu rừng bạt ngàn cây đại thụ trên đất quê giờ đã thành đồi trọc, đất đỏ trơ trọi phơi mình dưới mưa nắng. Phá rừng, khai thác gỗ đã trở thành... “phong trào” được doanh nghiệp, người dân đua nhau thực hiện. Thế rồi Nghị quyết “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc” đi vào cuộc sống. Được chính quyền tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã bắt đầu mạnh dạn nhận giao khoán đất, khai hoang, trồng rừng. Sức dài vai rộng, không nề hà công việc nặng nhọc, chỉ với con dao, cái cuốc, ông Tiến đã khai hoang, phủ xanh 12ha đất đồi rừng quanh nhà. Thử nhiệm nhiều loại cây trồng, đến nay rừng cây keo nguyên liệu đã mang lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả, sung túc.Ông Tiến phấn khởi chia sẻ: “Làm rừng bây giờ nhàn lắm, đường lâm nghiệp cho xe ô tô đến tận đỉnh đồi, cây giống, phân bón được cung ứng tận nơi. Đến chu kỳ khai thác, thương lái chủ động thỏa thuận, đốn cây, vận chuyển, mình chỉ việc thu tiền. Mỗi ha keo sau chu kỳ 7 năm sẽ cho sản lượng 70-80m3, thời giá thị trường là hơn một trăm triệu đồng. Để càng lâu, gỗ càng có giá. Nhờ rừng mà gia đình tôi có nhà cửa khang trang, sung túc, con cái được ăn học, phương trưởng...”. Ở liền kề với gia đình bố, con trai ông là Đặng Quang Nam hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã, đồng thời cũng là chủ của 3ha rừng keo nguyên liệu, mỗi năm cho thu nhập hơn trăm triệu đồng.Cùng với ông Tiến, hơn 900 hộ dân trên địa bàn xã Bằng Doãn hầu như nhà nào cũng có diện tích đất đồi rừng. Kinh tế rừng đã và đang trở thành thế mạnh, nguồn thu nhập chủ yếu, bền vững của người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt hơn 25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,6%. Nhiều gia đình có cơ ngơi khang trang, cuộc sống khá giả, thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi như ông Đinh Gia Khánh (khu 4), ông Đinh Công Cường (khu 2),...

Trên khắp các vùng quê Đất Tổ, màu xanh của rừng đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ấm no. Kinh tế đồi rừng đã tích cực góp phần nâng mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm qua đạt 3,42% (cao hơn bình quân chung cả nước) thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn ước đạt 32 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,77%...Ông Đỗ Lương Bằng- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đoan Hùng khẳng định: “Toàn huyện có 12.955,35ha đất lâm nghiệp. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng đồi rừng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân chung tay thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy hiệu quả tích cực. Kinh tế đồi rừng ngày càng phát triển, đời sống người dân, nhất là các chủ rừng ngày càng được cải thiện nâng cao. Cùng với diện tích rừng trồng luôn được đảm bảo, các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với chế biến gỗ nguyên liệu xuất hiện ngày càng nhiều. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 20 doanh nghiệp và khoảng 300 xưởng chế biến gỗ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Nghề rừng thực sự trở thành hướng mở triển vọng phát triển kinh tế-xã hội địa phương... ”.“Có đất đồi rừng sẽ không còn đói nghèo” - câu khẳng định của nhiều chủ rừng và cán bộ lâm nghiệp các địa phương đã trở thành chân lý được thực tiễn kiểm nghiệm. Gắn bó với nghề trồng rừng, cùng với nguồn thu nhập ổn định mỗi năm, nhận thức, tư duy của mỗi chủ rừng về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cũng ngày càng được nâng cao. Kinh tế rừng phát triển cũng đồng nghĩa với màu xanh trù phú được giữ gìn, môi trường sống được bảo vệ bền vững...

Kỳ II: Từ “lượng” đến “chất”

Phòng CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202003/nghi-quyet-24-buoc-dot-pha-ve-kinh-te-doi-rung-169653