Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng: 'Kim chỉ nam' đưa Nam Định trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng (kỳ 2)

Kỳ I: Mục tiêu rõ ràng, hành động quyết liệt

(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ II: Bứt phá trong những chuyển dịch lớn

Dưới sự dẫn dắt của Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Nam Định đã được “tiếp sức” hiệu quả, khắc phục các điểm yếu, trở ngại, vươn mình mạnh mẽ, từ một tỉnh nông nghiệp truyền thống trở thành điểm sáng về sự đổi mới kinh tế - xã hội.

Du lịch biển kết hợp với khám phá di tích lịch sử giúp Hải Hậu ngày càng tăng thêm lượng du khách đến vui chơi, trải nghiệm.

Du lịch biển kết hợp với khám phá di tích lịch sử giúp Hải Hậu ngày càng tăng thêm lượng du khách đến vui chơi, trải nghiệm.

Điều đó không chỉ được thấy qua các con số ấn tượng về sự tăng trưởng, Nam Định đang tái định vị mình qua những chuyển dịch lớn trong tận dụng, khai thác các tiềm năng, lợi thế từ dịch vụ du lịch, nông nghiệp hữu cơ, đến công nghiệp công nghệ cao bền vững, khẳng định vị thế mới của Nam Định trong vùng ĐBSH và cả nước.

Kết hợp di sản lịch sử và xu hướng hiện đại để tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn

Nam Định, vùng đất giàu giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là nơi phát tích của Vương triều Trần, với hào khí Đông A đã tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ đạt đến đỉnh cao về “võ công, văn trị”, đang ngày càng khai thác hiệu quả những tài nguyên du lịch đặc sắc. Những di tích lịch sử - văn hóa nổi bật như Đền Trần, Phủ Dầy, cùng các lễ hội truyền thống như Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy... không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn quốc tế. Du khách không chỉ tham quan, chiêm bái, tìm hiểu giá trị các công trình, di tích lịch sử của ông cha để lại, tự hào về sự tài hoa, trình độ của người xưa, mà còn được đắm mình trong không khí linh thiêng của các lễ hội, tìm hiểu sâu sắc về tín ngưỡng và phong tục của người dân Nam Định. Bên cạnh đó, Nam Định đang nỗ lực phát triển những sản phẩm du lịch mới mẻ, kết hợp giá trị lịch sử với các xu hướng hiện đại. Du lịch trải nghiệm đồng quê là một điểm nhấn, nơi du khách có thể tham quan các làng nghề truyền thống như đúc đồng, dệt vải, làm hoa giấy, hay tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Các chương trình du lịch cộng đồng tại Giao Thủy, Hải Hậu, hay mô hình du lịch nông thôn mới không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn mở ra cơ hội tìm hiểu đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Nam Định cũng phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, một trong những khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, nơi du khách có thể khám phá hệ sinh thái phong phú và nghiên cứu động thực vật quý hiếm. Đây là sản phẩm du lịch mới mẻ, thu hút những du khách yêu thích thiên nhiên và nghiên cứu sinh học.

Sản xuất rau sạch tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Sản xuất rau sạch tại xã Thành Lợi (Vụ Bản).

Để góp phần phát triển du lịch bền vững, Nam Định đã chú trọng xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm kết nối các vùng du lịch, tạo không gian đa dạng kết hợp giữa du lịch văn hóa, biển và sinh thái. Các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh như khu vực Tây Bắc với du lịch văn hóa lịch sử và khu vực Đông Nam với du lịch biển, sinh thái đang được phát triển đồng đều, giảm áp lực lên từng khu vực. Tỉnh cũng tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại, từ giao thông đến các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch sinh thái như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Với chiến lược phát triển toàn diện, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và hiện đại hóa du lịch, Nam Định đang tạo ra những sản phẩm độc đáo, hứa hẹn tiếp tục thu hút đông đảo du khách, khẳng định khả năng phát triển “ngành công nghiệp không khói” bền vững trong tương lai.

Nông nghiệp đột phá và hội nhập quốc tế

Nam Định, với thế mạnh truyền thống về nông nghiệp, đang chứng kiến những thay đổi đột phá. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao và xây dựng các chuỗi giá trị bền vững, đưa nông nghiệp từ sản xuất truyền thống lên tầm cao mới, kết nối với xu hướng toàn cầu, đồng thời khẳng định vai trò liên kết vùng. Cùng với việc hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, và công nghệ Nhật Bản, Nam Định đã triển khai 459 mô hình “Cánh đồng lớn” trên diện tích 21.037ha;... nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Điển hình như gạo hữu cơ và gạo vi sinh, với giá trị cao gấp 1,5-5 lần so với sản phẩm truyền thống. Các sản phẩm gạo sạch và gạo đặc sản của Nam Định đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản, khẳng định vị thế vững mạnh của nông sản địa phương trên bản đồ quốc tế.

Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Sản xuất vải tại Công ty TNHH Top Textiles, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Bên cạnh trồng trọt, Nam Định còn chú trọng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, với 49 cơ sở đạt chuẩn an toàn dịch bệnh và sản lượng thịt hơi vượt 142 nghìn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngành thủy sản cũng có những bước tiến ấn tượng, với sản lượng bình quân đạt 220 nghìn tấn/năm; Nam Định là nơi đầu tiên trên thế giới có vùng nuôi ngao đạt chứng nhận ASC, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững. Tỉnh đang trở thành hình mẫu phát triển nông nghiệp bền vững với chiến lược kết hợp giữa sản xuất, chế biến sâu và phát triển chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp tiêu biểu như Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) với mô hình sản xuất lúa gạo khép kín đạt tiêu chuẩn HACCP, Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định) với các sản phẩm rau củ quả sấy khô (bằng công nghệ giữ nguyên hương vị tươi ngon tự nhiên) xuất khẩu sang thị trường quốc tế, và Thủy sản Lenger Việt Nam với dây chuyền chế biến thủy sản hiện đại đang tạo dựng dấu ấn mạnh mẽ trong ngành nông sản toàn cầu.

Bên cạnh đó, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến được tập trung phát triển. Việc đẩy mạnh thương mại điện tử với các sàn như Voso.vn, Postmart.vn và trên các ứng dụng mạng xã hội cũng giúp nông sản Nam Định tiếp cận thị trường rộng lớn, nâng cao giá trị thương hiệu và vươn ra thế giới.

Vươn mình dần trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng

Thành công đáng kể hơn là nhờ đặt trọng tâm vào việc hiện đại hóa ngành công nghiệp đã giúp nguồn lực đầu tư vào Nam Định có sự chuyển dịch lớn, hướng vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, nâng tầm vị thế của tỉnh trong chuỗi giá trị quốc gia và toàn cầu. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của Tập đoàn Quanta Computer Inc. (Đài Loan - Trung Quốc) đã đầu tư tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận, dự án công nghệ cao đầu tiên của Quanta tại Việt Nam. Đây là một trong những dự án lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh, dự kiến tạo ra 9.000 việc làm vào năm 2025, giúp Nam Định mở rộng sang ngành công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, và định vị trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Tập đoàn Toray (Nhật Bản) cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất vải công nghệ cao tại KCN Dệt may Rạng Đông, công suất 60 triệu mét vải/năm, hướng tới 120 triệu mét vải vào năm 2025, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định Nam Định là trung tâm dệt may hàng đầu miền Bắc và hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam. Thêm vào đó, Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai đầu tư Tổ hợp 3 dự án thép xanh trị giá 98.900 tỷ đồng tại Nghĩa Hưng, sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước G7, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Đồng chí Vũ Thị Kim, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: “Bên cạnh nhóm doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, dưới sự tích cực đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tất cả các doanh nghiệp nội tại của tỉnh đều nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, góp phần, nâng cao sức mạnh nội lực của ngành công nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, vị thế quy mô trung tâm của vùng Nam ĐBSH, từng bước vươn lên đứng trong “top” đầu và giữ vững vị thế tại thị trường nước ngoài như: thuốc và dược liệu có nguồn gốc đông nam dược, sản phẩm may mặc, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí đúc sẵn, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy hải sản”.

Sự hiện diện của các dự án quy mô lớn từ các nhà đầu tư chiến lược, kết hợp với sự chuyển mình mạnh mẽ từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, đang chứng tỏ tiềm năng rất lớn của Nam Định trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng trong vùng ĐBSH.

Những thành tựu ấn tượng đạt được khẳng định phương pháp đúng đắn cùng sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và nhân dân Nam Định đã biến định hướng của tỉnh thành thực tiễn sống động; là minh chứng rõ rệt cho luồng gió mới từ Nghị quyết số 30-NQ/TW mang lại, mở ra một giai đoạn phát triển đột phá và bền vững cho Nam Định và toàn vùng.

(còn nữa), Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/chinh-tri/202412/nghi-quyet-30-nqtwcua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoivung-dong-bang-song-hong-kim-chi-nam-duanam-dinh-tro-thanh-cuc-phat-trien-quan-trong-cua-vung-nam-dong-bang-song-hong-ky-2-11c62b1/