Nghị quyết 57: Dẫn lối số hóa quản lý bán hàng đa cấp
Bán hàng đa cấp bước vào giai đoạn mới khi Nghị quyết 57 mở đường cho quản lý số hóa, tăng tính minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Bức tranh bán hàng đa cấp dần “khởi sắc”
Hoạt động bán hàng đa cấp du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, phát triển mạnh sau khi nước ta gia nhập WTO năm 2006. Với bản chất dựa vào truyền miệng và mạng lưới cá nhân, mô hình này mang theo rủi ro lớn về việc lan truyền thông tin sai lệch, che giấu tính chất thật của sản phẩm hoặc mô hình tài chính phía sau. Chính vì thế, từ giai đoạn trước năm 2016, hoạt động này đã trở thành điểm nóng với hàng loạt vụ lừa đảo quy mô lớn gây bức xúc xã hội và khiến niềm tin của người dân bị tổn hại nặng nề.
Trước những biến tướng tiêu cực, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương đã thực hiện hàng loạt các biện pháp quản lý mạnh mẽ và đồng bộ để hạn chế nhiều tiêu cực của hoạt động này. Hai đề án lớn lần lượt được Bộ Công Thương ban hành các năm 2018 và 2021 đã đặt nền móng cho công cuộc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong đó, một yêu cầu xuyên suốt là “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”.
Không chỉ dừng ở việc số hóa dữ liệu doanh nghiệp, ngành Công Thương đã từng bước hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương. Trang thông tin điện tử chuyên biệt được thiết lập, cho phép Sở Công Thương các tỉnh, thành phố truy cập, trao đổi dữ liệu và phối hợp quản lý một cách nhịp nhàng. Các công cụ xử lý thủ tục hành chính, giải quyết hồ sơ trực tuyến cũng lần lượt đi vào hoạt động. Ứng dụng điện thoại hỗ trợ người tiêu dùng tra cứu doanh nghiệp và phản ánh vi phạm đã ra đời…

Ứng dụng iMLM cung cấp thông tin về các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp, đồng thời cảnh báo về các hoạt động bất chính. Ảnh chụp màn hình
Nhờ những nền tảng đó, bức tranh bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã khởi sắc. Không còn những vụ việc nghiêm trọng gây hậu quả xã hội sâu rộng, doanh thu ngành ổn định trở lại và nhiều doanh nghiệp hoạt động đúng luật đã đóng góp đáng kể cho ngân sách.
Năm 2024, doanh thu bán hàng đa cấp đạt 16.206 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2019 (12.575 tỷ đồng). Mức hoa hồng, tiền thưởng bình quân khoảng 951.000 đồng/tháng, tương đương 12% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước trong năm 2024.
“Chìa khóa vàng” nâng cao hiệu quả quản lý bán hàng đa cấp
Dù đạt được kết quả khả quan trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, tuy nhiên, thách thức không nhỏ vẫn đang hiện hữu. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy sự dịch chuyển mạnh mẽ sang các mô hình kinh doanh trực tuyến, xuyên biên giới, ẩn danh và phi tập trung. Đây là “sân chơi” ưa thích của các mô hình đa cấp bất chính. Các hoạt động quảng bá, tuyển dụng, giao dịch, tư vấn... nay có thể diễn ra hoàn toàn qua mạng xã hội hoặc nền tảng số, khiến công cụ giám sát truyền thống trở nên lỗi thời.
Mặc dù Việt Nam đã có hệ thống thông tin chuyên ngành, nhưng chưa hình thành được cơ sở dữ liệu số hóa đồng bộ về doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp. Thông tin vẫn phân mảnh, thiếu liên kết và chưa cập nhật theo thời gian thực. Công nghệ xử lý vi phạm mới chỉ dừng ở mức hỗ trợ, chưa ứng dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để chủ động phát hiện nguy cơ. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách: Cần một bước nhảy vọt thực sự về chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nghị quyết số 52-NQ/TW (năm 2019) và Nghị quyết số 57-NQ/TW (năm 2024) của Bộ Chính trị đã mở đường cho quá trình này. Tinh thần xuyên suốt của hai Nghị quyết là: “Chuyển đổi số phải trở thành động lực đột phá trong đổi mới mô hình quản trị quốc gia, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số”.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý nhà nước vận hành trên môi trường số, kết nối thông suốt giữa các cơ quan trong toàn bộ hệ thống chính trị. Dữ liệu phải được đồng bộ hóa, chia sẻ mở và khai thác hiệu quả. Tài nguyên số phải trở thành nguồn lực mới của quốc gia. Quản lý nhà nước không chỉ là quản lý trên giấy, mà là “quản lý thời gian thực” dựa vào công nghệ…

Tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ảnh: VCA
Trong bối cảnh ấy, ngành Công Thương với đặc thù giám sát hoạt động kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng, chính là lĩnh vực cần tiên phong. Phát biểu tại Đại hội Đảng bộ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia mới đây, bà Hoàng Thị Thu Trang - Phó Trưởng Ban quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - nhấn mạnh: Cần khẩn trương cụ thể hóa chuyển đổi số trong từng hoạt động quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp. Những kiến nghị từ cơ sở, với cái nhìn thực tiễn sâu sắc, cho thấy lộ trình rất rõ ràng:
Thứ nhất, là xây dựng nền tảng số quản lý toàn diện hoạt động bán hàng đa cấp. Cần phát triển một cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, người tham gia, sản phẩm và giao dịch. Dữ liệu này phải được liên thông với các cơ quan như: Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Quản lý thị trường trong nước, Cục Thuế,… để cập nhật theo thời gian thực.
Thứ hai, là ứng dụng công nghệ giám sát thông minh. Các công cụ như AI, blockchain hay hệ thống cảnh báo sớm cần được đưa vào để phát hiện dấu hiệu bất thường: Từ việc chiêu dụ sai sự thật, cấu trúc trả thưởng bất hợp lý đến các hình thức huy động tài chính trá hình.
Thứ ba, là đẩy mạnh đào tạo số và tuyên truyền trên nền tảng số. Không thể chỉ trông chờ vào các buổi họp hay tập huấn truyền thống, Bộ Công Thương cần tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến, xây dựng thư viện video hướng dẫn và đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội, ứng dụng di động, để cả doanh nghiệp lẫn người dân đều có thể tiếp cận thông tin một cách chủ động.
Thứ tư, là cải cách thủ tục hành chính. Từ cấp phép, đăng ký, kiểm tra cho đến xử lý vi phạm,… tất cả cần được tích hợp vào Cổng dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính minh bạch cho cơ quan quản lý.
Thứ năm, một hệ thống quản lý số không thể thiếu phối hợp liên ngành. Mỗi cơ quan không thể “ôm” dữ liệu riêng, cần có hệ thống chia sẻ, phối hợp và giám sát chung, đồng thời có quy trình xử lý các hành vi vi phạm mang tính hệ thống.
Theo bà Trang, bán hàng đa cấp, nếu được quản lý tốt, vẫn là một mô hình kinh doanh hợp pháp, góp phần thúc đẩy phân phối hàng hóa, tạo việc làm và đóng góp ngân sách. Nhưng nếu buông lỏng quản lý, đây sẽ trở thành “cái bẫy” đầy rủi ro đối với hàng triệu người tiêu dùng cả tin.
Chuyển đổi số không chỉ là một phương tiện để quản lý hiệu quả hơn, đó là cam kết của Nhà nước với người dân: Cam kết về minh bạch, công bằng và hiện đại. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao từ các cơ quan quản lý, sự hợp tác của doanh nghiệp chân chính và sự tỉnh táo của người tiêu dùng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một môi trường kinh doanh đa cấp an toàn, cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với xu thế thời đại.
Bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Trưởng Ban quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia: Bộ Công Thương cần ban hành kế hoạch chi tiết triển khai chuyển đổi số trong quản lý bán hàng đa cấp giai đoạn 2025 - 2030, với các mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể; đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số và đào tạo nhân lực công nghệ để hỗ trợ công tác giám sát và quản lý hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm quản lý bán hàng đa cấp qua chuyển đổi số từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới.