Nghị quyết 57 sống động trong thực tiễn

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN, ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Tại Lạng Sơn, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn xem đây là hướng đi chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành khai trương cổng thông tin điện tử phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh

Lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành khai trương cổng thông tin điện tử phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh

Thời gian qua, công tác phát triển KHCN, ĐMST và CĐS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai quyết liệt. Mô hình chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn ngày càng rõ nét; các ứng dụng số được triển khai phục vụ thiết thực cho hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp.

Chỉ đạo quyết liệt, hành động hiệu quả

Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 150 ngày 20/2/2025 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 57 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm tổ trưởng. Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng thành viên theo chức năng, nhiệm vụ, đồng thời quy định thời gian hoàn thành cụ thể theo từng quý trong năm và các năm tiếp theo.

Trong đó, nhiệm vụ năm 2025 là nâng cao nhận thức trong các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư hạ tầng; thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, ĐMST & CĐS trong hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý nhà nước; thúc đẩy hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…

Ngày 21/2/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 56 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 và Chương trình hành động số 150 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là kế hoạch tổng thể, toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp đưa ra có tính khả thi, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo, cho biết: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh là đạt 8 đến 9% trong năm 2025 và phấn đấu tăng trưởng đạt hai con số trong điều kiện thuận lợi. Để hiện thực hóa điều này, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý công việc sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý và tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 57 được các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thông qua hội nghị, công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng khẩn trương triển khai nhiệm vụ theo chức năng của từng đơn vị.

Cụ thể, Sở KHCN tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến nội dung nghị quyết và các văn bản liên quan; rà soát khó khăn, vướng mắc về thể chế trong hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS; xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng thành tựu KHCN vào sản xuất; xây dựng văn bản phân cấp quản lý nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh... Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến, mô hình giáo dục số, nâng cao năng lực số cho toàn xã hội… Sở Nội vụ hoàn thiện cơ chế đặc thù để thu hút người có trình độ cao về làm việc tại tỉnh. Công an tỉnh đảm bảo an toàn, an ninh mạng...

Chuyển đổi số rõ nét trong mọi lĩnh vực

Người dân thành phố Lạng Sơn trải nghiệm công nghệ thực tế ảo

Người dân thành phố Lạng Sơn trải nghiệm công nghệ thực tế ảo

Từ năm 2021 đến nay, Lạng Sơn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các cấp ủy, chính quyền đã nghiêm túc triển khai và quán triệt các nội dung về KHCN, ĐMST và CĐS. Nhờ đó, mô hình chuyển đổi số của tỉnh ngày càng định hình rõ trên 5 trụ cột: chuyển đổi số trong cơ quan đảng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số.

Tại các cơ quan hành chính nhà nước, 100% văn bản điện tử được phát hành qua mạng internet và ký số; các hệ thống phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được duy trì và nâng cấp thường xuyên. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công việc, minh bạch trong quản lý và thúc đẩy cải cách hành chính. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp cũng được liên thông, giúp hoạt động nghiệp vụ, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng. Hệ thống phòng họp trực tuyến được trang bị từ tỉnh đến xã với 230 điểm cầu, giúp công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai kịp thời, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, mưa bão... Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong việc phân tích các dữ liệu lớn của tỉnh, hỗ trợ lãnh đạo đưa ra quyết định, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, AI cũng được đưa vào hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tra cứu văn bản pháp luật, phân tích thông tin, số liệu, soạn thảo văn bản, báo cáo…

"Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để triển khai AI trong các ngành kinh tế mũi nhọn. Ví dụ: trong kinh tế cửa khẩu, AI có thể xây dựng cảng thông minh, giám sát biên giới bằng drone, phân tích hành vi giao dịch để ngăn buôn lậu, tăng thu thuế; trong nông nghiệp, AI giúp dự báo thời tiết, phân tích sâu bệnh, nâng cao năng suất; trong du lịch, có thể số hóa địa điểm, triển khai trợ lý ảo hướng dẫn khách tham quan... Mobifone sẵn sàng hỗ trợ Lạng Sơn về công nghệ, chuyên gia và giải pháp để từng bước đưa AI vào cuộc sống, tạo lợi thế cạnh tranh."

Ông Nguyễn Tuấn Huy

Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty Mobifone

Các ứng dụng số cũng đã được đưa vào phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tiêu biểu như nền tảng cửa khẩu số đã thay đổi hoàn toàn phương pháp làm việc thủ công trước đây sang môi trường điện tử. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt quy trình xuất, nhập hàng hóa, nhanh chóng hoàn thành thủ tục thông quan, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí phát sinh. Trong quý I/2025, số phương tiện được khai báo xuất nhập khẩu trên nền tảng cửa khẩu số đạt 93.940 phương tiện (trong đó 23.077 phương tiện xuất khẩu và 70.863 phương tiện nhập khẩu). Cùng với đó, Sở KHCN đã triển khai nền tảng Trợ lý ảo “iSee Lạng Sơn” nhằm giải đáp các thắc mắc của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Các sở, ngành cũng tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu các ứng dụng số hữu ích cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất thông qua các hội nghị, hội thảo.

Ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ DuCa Group (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ: "Chúng tôi đã ứng dụng số hóa để bán hàng qua sàn thương mại điện tử, livestream giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Thông qua các hội nghị, hội thảo, chúng tôi đã biết đến nhiều nền tảng số, tính năng hữu ích của trí tuệ nhân tạo AI... Hiện công ty đang nghiên cứu ứng dụng AI để tạo ra trợ lý ảo hỗ trợ bán hàng và chăm sóc khách hàng".

Một trong những nền tảng quan trọng để chuyển đổi số thành công là hạ tầng, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã tập trung đầu tư, nâng cấp mạnh mẽ hạ tầng số. Hiện 100% xã, phường, thị trấn có sóng di động và internet tốc độ cao. Toàn tỉnh chỉ còn 30 thôn “trắng sóng”; công nghệ 2G đã được thay thế bằng 4G, và 5G đã phủ tới trung tâm các huyện, thành phố. Tính đến nay, tỉnh có khoảng 773.000 thuê bao di động thông minh, chiếm hơn 81,5% dân số. Điều này cho thấy hạ tầng số trên địa bàn tỉnh được xây dựng đồng bộ, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, bảo đảm người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng có cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ số một cách bình đẳng. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao chính là tiềm năng lớn để triển khai các dịch vụ số, từ chính quyền điện tử, y tế, giáo dục đến thương mại điện tử và du lịch thông minh.

Việc triển khai Nghị quyết 57 tại Lạng Sơn đang tạo ra chuyển biến rõ rệt từ tư duy đến hành động trong toàn hệ thống chính trị. Với cách làm bài bản, hạ tầng được đầu tư đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống, những năm qua Lạng Sơn luôn nằm trong top đầu cả nước về chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ số và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng cho một nền hành chính hiện đại và một nền kinh tế số bền vững.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nghi-quyet-so-57-nq-tw-dot-pha-khoa-hoc-cong-nghe-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5044494.html