Nghị quyết 68-NQ/TW: Bước đột phá tư duy và cam kết chính trị mạnh mẽ đối với kinh tế tư nhân
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên) đã có những chia sẻ cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề liên quan đến Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam khi khu vực kinh tế tư nhân được xác định là "động lực quan trọng nhất" và "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế quốc dân. Với cam kết mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước, Nghị quyết 68 không chỉ khẳng định vai trò then chốt của doanh nghiệp tư nhân, mà còn đề ra các giải pháp đột phá về thể chế, tài chính và môi trường kinh doanh, nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên) đã có những chia sẻ cùng phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

No Title
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên). Ảnh: Trường Giang/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” và “lực lượng tiên phong” của nền kinh tế. Bà đánh giá như thế nào về vai trò này trong bối cảnh hiện nay?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh: Nghị quyết số 68-NQ/TW là một văn kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức và định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
Nếu như Nghị quyết 10/2017 xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng" thì Nghị quyết 68 nhấn mạnh kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế.
Việc chỉ thêm một chữ "nhất" nhưng lại cho thấy sự thay đổi quan trọng trong quan điểm chỉ đạo, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột chủ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước
Thực tiễn cho thấy: Trong quá trình phát triển, Việt Nam đã thực hiện 3 bước ngoặt lớn về phát triển kinh tế tư nhân. Bước ngoặt đầu tiên được thực hiện trong giai đoạn 1986-1990. Khi đó, chúng ta đã chuyển từ chỗ coi khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng cải tạo sang việc thừa nhận và cho phép kinh tế tư nhân được hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề. Đây là bước ngoặt đầu tiên trong tiến trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Tiếp đến là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999-2000 đã đánh dấu sự đột phá về thể chế, tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường, là bước ngoặt thứ hai trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
"Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này chính là bước ngoặt thứ ba mang tính lịch sử trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân”.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trước bối cảnh nền kinh tế và chính trị trong nước, quốc tế có nhiều biến động phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo kịp thời. "Đây là một định hướng rất đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đã mở cờ, khơi dậy cho đội ngũ kinh doanh, tinh thần dân tộc, lòng tự hào dân tộc. Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và tin tưởng, Nghị quyết sẽ sớm đi vào thực tế và chúng tôi quyết tâm chung sức, phát huy những giá trị của khối tư nhân nhằm nhanh chóng hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Phóng viên: Vậy theo bà, đâu là những rào cản lớn nhất hiện nay đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân mà Nghị quyết 68 đang hướng tới tháo gỡ?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh: Chúng ta đã có Nghị quyết 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và rất nhiều chính sách, đạo luật về khu vực kinh tế tư nhân. Đến Nghị quyết số 68-NQ/TW lần này của Bộ Chính trị đã thể hiện 3 tư tưởng rất lớn. Đó là giảm sự phiền hà; tăng cường mức độ bảo vệ đối với khu vực kinh tế tư nhân và khơi thông mọi nguồn lực.
Điểm này rất mới vì trước đây chúng ta đã nhấn mạnh về việc giảm sự phiền hà nhưng lần này chúng ta còn nhấn mạnh thêm việc tăng cường mức độ bảo vệ khu vực kinh tế tư nhân.
Nghị quyết cũng đã cho thấy sự khơi thông mọi nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong việc đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2030, năm 2045 mà chúng ta đã đề ra.
Đây cũng được xem là bước tiến đột phá về tư duy phát triển đối với khối doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân nay được đặt ngang hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Không chỉ thừa nhận, Nghị quyết còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".
Tôi cho rằng, tư duy đột phá này là cam kết chính trị mạnh mẽ: Nhà nước sẽ là kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài.
Có thể nói, đây là văn kiện đặc biệt quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất từ trước tới nay dành cho kinh tế tư nhân.
Theo tôi, Nghị quyết 68 đã đưa ra tháo gỡ những vấn đề như sau:
Thứ nhất: Xác lập vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân: Kinh tế tư nhân được xác định là "động lực quan trọng nhất" và "lực lượng tiên phong" của nền kinh tế. Chuyển từ tư duy "khuyến khích, tạo điều kiện" sang "chủ động hỗ trợ, bảo vệ" khu vực kinh tế tư nhân phát triển thực chất và bền vững.
Thứ hai, gỡ bỏ rào cản về thể chế, pháp lý, yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… để bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh; gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở doanh nghiệp. Đồng thời, thể chế hóa quyền cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận công khai, minh bạch với các nguồn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ.
Thứ ba, cải cách mạnh chính sách thuế và tài chính, đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu; miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy tài chính bao trùm và tăng cường tiếp cận tín dụng, đặc biệt cho doanh nghiệp siêu nhỏ và khởi nghiệp.
Thứ tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư công nghệ cao, và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D); xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, với chính sách ưu tiên, hỗ trợ dài hạn.
Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp qua các chính sách tài chính, kế toán, thuế đơn giản và minh bạch; xóa bỏ thuế khoán, cung cấp phần mềm kế toán miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ.
Thứ sáu, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các loại giấy phép con, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ công chức, ngăn ngừa tình trạng tiêu cực.
Phóng viên:Theo bà, cần có những thay đổi cụ thể nào trong chính sách thuế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh: Nghị quyết 68 đã có nhiều điểm hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp và đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế hiện hành chưa có ưu đãi riêng biệt. Các doanh nghiệp này vẫn áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân phổ thông là 20%, giống như các doanh nghiệp khác. Việc thiếu chính sách thuế đặc thù khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn đầu hoạt động. Tôi cũng đề xuất ưu đãi thuế cho nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cụ thể, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu hoạt động; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
Cải cách thuế theo hướng kiến tạo và hỗ trợ phát triển, hệ thống thuế cần chuyển từ vai trò chủ yếu là thu ngân sách sang vai trò kiến tạo phát triển. Điều này bao gồm việc giảm thuế suất, mở rộng cơ sở tính thuế và đảm bảo đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Đồng thời, cần rà soát, hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường hỗ trợ tài chính và tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài chính sách thuế, cần có các biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đặc biệt, nới lỏng điều kiện vay vốn dựa trên xếp hạng tín dụng hoặc tín nhiệm cá nhân.

Một góc Khu đô thị Crown Villas và Trường liên cấp IRIS tại thành phố Thái Nguyên do Công ty CPTM Thái Hưng làm chủ đầu tư. Ảnh: Trường Giang/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà có kiến nghị gì để chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng hiệu quả, thực chất hơn?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vinh: Tôi có các kiến nghị sau. Thứ nhất đề, xuất giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15–17% thay vì 20% như hiện tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này. Đồng thời, miễn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu thành lập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm khuyến khích khởi nghiệp và giảm gánh nặng tài chính trong giai đoạn đầu hoạt động.
Cải thiện môi trường pháp lý và thể chế, bằng cách sớm cụ thể hóa Nghị quyết 68; đảm bảo quyền sở hữu và tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận các nguồn lực của nền kinh tế cho khu vực kinh tế tư nhân.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh bằng cách xóa bỏ thuế khoán và đơn giản hóa thủ tục; Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tài chính bao trùm nhằm tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ, thanh niên và đồng bào dân tộc vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng bãi bỏ quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, kkhích các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà.