Nghị quyết 68-NQ/TW và sứ mệnh người chiến sĩ kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin, vững vàng bứt phá trong thời gian tới.

Đây là chia sẻ của nhiều doanh nhân tại Tọa đàm “Nghị quyết 68-NQ/TW: Những đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển và vai trò của các hội doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh mới”, do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn (CLB) phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tại TP.HCM, ngày 24/5.

Phát biểu đề dẫn, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch CLB khẳng định, Nghị quyết 68 đã tạo khí thế mới và tiếp thêm sự tự tin cho doanh nhân khi khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, tiên phong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính, theo ông Vũ, Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm của doanh nhân. Ông kêu gọi hội viên CLB chủ động nắm bắt cơ hội, chuyển hóa thành chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp mà Nghị quyết 68 mang lại.

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA phát biểu tại sự kiện

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA phát biểu tại sự kiện

Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA khẳng định, doanh nhân không chỉ là người buôn bán, mà là người dẫn đường cho kinh tế, tạo công ăn việc làm và gieo hy vọng vào tương lai. Bà cho biết, khi đọc Nghị quyết 68-NQ/TW, lòng hân hoan, tự hào và như được “chữa lành” vì được gọi đúng tên, được đặt đúng vị trí, được thừa nhận là động lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế quốc dân, được lãnh đạo đất nước công nhận là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

“Liệu Nghị quyết 68 sẽ đi vào thực tiễn như thế nào? Các cơ chế, chính sách đột phá có được triển khai một cách nhanh chóng, để tiếp sức kịp thời cho hàng triệu DN, hộ kinh doanh vượt qua thách thức hiện tại hay không? Để nội dung Nghị quyết 68 được hiện thực hóa, cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía các cơ quan thực thi chính sách ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Bởi, mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp là có được môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch”, bà Thúy Ái nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) cho biết, các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã tiếp thêm sức mạnh cho hành trình tiên phong của doanh nhân trẻ. Những định hướng mà YBA theo đuổi nay được củng cố mạnh mẽ.

Ông Tâm khẳng định, YBA sẽ đẩy mạnh kết nối, hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Với động lực, niềm tin và khát vọng mới, Hội cùng cộng đồng doanh nghiệp trẻ bước vào giai đoạn mà doanh nhân không chỉ làm giàu cho mình, mà còn làm giàu cho đất nước, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Ông Đỗ Văn Nho - Phó chủ tịch Hội Tân Bình cũng thể hiện sự phấn khởi khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành. Có hai vấn đề khiến ông phấn khởi nhất, đó là việc xóa bỏ triệt để những nhận thức, tư tưởng, quan niệm, định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam, đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong sự phát triển đất nước; nuôi dưỡng và khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân và DN, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời khẳng định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) phát biểu

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) phát biểu

Ông cho rằng, quan điểm về kinh tế tư nhân và doanh nhân hiện nay đã rõ ràng. Điều quan trọng còn lại là giới doanh nhân cần chủ động xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình trong nền kinh tế đất nước.

Còn theo ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Nghị quyết 68 được ban hành và triển khai một cách quyết liệt đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho cộng đồng DN. Ông dẫn chứng, việc Tập đoàn Vingroup chủ động đề xuất tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Hòa Phát thành lập hẳn một DN chuyên cung ứng thép làm đường ray cho các dự án đường sắt... cho thấy chỉ cần có cơ chế phù hợp, DN sẵn sàng để bứt phá.

Ông Việt Anh cũng dẫn chứng, vai trò của kinh tế tư nhân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế đất nước đã được khẳng định với rất nhiều con số ấn tượng. Năm 1990, GDP Việt Nam mới chỉ ở mức 6,9 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 96 USD/người/năm thì đến năm 2024, GDP cả nước đã lên hơn 476 tỷ USD, thu nhập bình quân đạt 4.700 USD/người/năm.

Trước khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (1990), kinh tế tư nhân đã âm thầm phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ. Sau đổi mới, làn sóng khởi nghiệp ở thập niên 90 của thế kỷ 20 đã tạo ra lực lượng DN khá đông đảo, trong số đó nhiều DN hiện đã trở thành DN đầu ngành với quy mô tăng lên gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, theo ông Việt Anh, cũng cần nhìn nhận thực tế, số lượng DN có sẵn nguồn lực để đầu tư không nhiều, phần lớn DN tư nhân ở nước ta vẫn ở quy mô nhỏ. Vì vậy, cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm DN khác nhau như mở rộng không gian phát triển, thị trường tiêu thụ, đất đai và vốn cho sản xuất. Ngược lại, là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, DN cũng phải thể hiện trách nhiệm trong việc tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh và đóng góp cho cộng đồng.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch HUBA, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 3 cho rằng, khi bước vào giai đoạn thực thi Nghị quyết số 68-NQ/TW, doanh nhân cần chủ động và tích cực tham gia.

“Việc đưa Nghị quyết vào thực tiễn không thể tách rời vai trò tiên phong, sáng tạo và chủ động của các DN trong quá trình phát triển kinh tế. Nếu mỗi DN xác định đây là cơ hội để tự chuyển mình, chuẩn hóa và kết nối, thì chúng ta không chỉ khai thác tốt chính sách ưu đãi, mà còn góp phần vào một hệ sinh thái kinh tế tư nhân mạnh mẽ, minh bạch, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, ông Vinh Huy khẳng định.

Từ những vấn đề đã nêu, ông Vinh Huy đề xuất các giải pháp thiết thực để doanh nhân hiện thực hóa Nghị quyết 68, bao gồm: chủ động rà soát chiến lược kinh doanh và điều chỉnh mô hình phù hợp với định hướng của Nghị quyết; nâng cao năng lực quản trị và tuân thủ pháp luật để đủ điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi; tích cực tiếp cận và chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nhận hỗ trợ từ các chính sách; tăng cường liên kết, tham gia chuỗi cung ứng và nền tảng chia sẻ dữ liệu; đồng thời, chủ động góp ý, phản biện chính sách thông qua các hiệp hội và kênh đối thoại.

Tọa đàm quy tụ nhiều doanh nhân, đại diện doanh nghiệp và các hiệp hội ngành, nghề tham dự

Tọa đàm quy tụ nhiều doanh nhân, đại diện doanh nghiệp và các hiệp hội ngành, nghề tham dự

Là khách mời tại tọa đàm, ông Ngô Thanh Tùng - Giám đốc Dự án Toàn quốc, Công ty Nippon Paint Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW là “làn gió mới” mang đến sự thay đổi tích cực trong tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, Nghị quyết sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn vốn và công nghệ cho DN.

Ông Tùng nhấn mạnh, với tinh thần đó, Công ty mong muốn đồng hành với các DN trong việc hướng đến sản xuất xanh, góp phần chuyển đổi ngành xây dựng theo hướng bền vững. Công ty cũng kỳ vọng sẽ cùng các chủ đầu tư đào tạo đội ngũ thợ lành nghề, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế thông qua xuất khẩu lao động.

"Với nền tảng kinh nghiệm và năng lực công nghệ, chúng tôi sẵn sàng tích hợp các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế cho người lao động trong ngành, góp phần nâng vị thế ngành xây dựng Việt Nam trên bản đồ thế giới", ông Tùng chia sẻ.

T.Hải

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nghi-quyet-68-nq-tw-va-su-menh-nguoi-chien-si-kinh-te-318252.html