Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân: Cộng đồng doanh nghiệp vững tin hoạch định tương lai

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia phía Nam HUỲNH THANH VẠN chia sẻ, đầu tư khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo rất rủi ro. Với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đưa ra những quyết sách rất cụ thể, đột phá cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, 'các doanh nghiệp đang rất vui mừng, tự tin, yên tâm hoạch định tương lai'.

“Chúng tôi rất vui!”

- Nghị quyết 68-NQ/TW có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thưa ông?

- Chúng tôi đang rất vui mừng với Nghị quyết này! Qua trao đổi với các doanh nghiệp, tôi biết họ đã rất chờ đợi và đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc ban hành nghị quyết, với các quyết sách riêng, rất cụ thể, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Và thực tế, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã thỏa lòng mong ước của các doanh nghiệp!

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nói riêng đã được ban hành và đã dần đi vào cuộc sống. Hiện, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cùng hàng trăm quỹ thúc đẩy đầu tư. Năm 2024, chỉ số Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 56, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này một phần nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp cho thấy chính sách hỗ trợ, khuyến khích vẫn còn dàn trải; nhiều chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, doanh nghiệp khó tiếp cận. Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chắc chắn có rủi ro, song cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự tạo sự yên tâm để họ mạnh dạn đầu tư.

Thực tế đã chứng minh, nếu các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công sẽ mang lại tác động to lớn không chỉ riêng với doanh nghiệp mà có tính lan tỏa tới xã hội. Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, có thể nói đây là lần đầu tiên chính sách cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định rất cụ thể, đột phá. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đang cảm thấy có động lực cùng sự tự tin, yên tâm rất lớn để hoạch định tương lai phát triển. Khi được triển khai sớm và hiệu quả, chắc chắn mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đến 2030 sẽ khả thi!

- Nghị quyết 68-NQ/TW với rất nhiều điểm đột phá, cá nhân ông tâm đắc nhất điều gì?

- Có rất nhiều điều khiến tôi, và tôi tin là rất nhiều doanh nhân khác, cũng cảm thấy rất tâm đắc với Nghị quyết. Điểm đặc biệt đầu tiên là Nghị quyết đã xác định “trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững…”. Đây là quan điểm chỉ đạo rất mới, đột phá, là gốc rễ để từ đó hoạch định các chính sách cụ thể, thiết thực, đúng, trúng cho doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn về nguồn lực. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng vậy, họ rất cần được hỗ trợ về tài chính, đất đai để có thể dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do không có đủ nguồn vốn nên đã buộc phải dừng lại, rất lãng phí. Lần này, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã quy định một loạt chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; chính sách về hỗ trợ đất đai; thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực với mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành… Đây đều là những chính sách rất cụ thể và toàn diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Mong hướng dẫn rõ việc lập quỹ tại doanh nghiệp

- Tới đây, theo ông, việc triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW cần lưu ý gì để bảo đảm các chính sách đột phá thực sự đi vào cuộc sống?

- Đây là điều đang được cộng đồng doanh nghiệp rất trông chờ. Chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần sớm có kế hoạch hành động, thể chế hóa quan điểm, định hướng chỉ đạo của Nghị quyết để triển khai nhanh nhất có thể.

Về các nội dung cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có những đặc thù, rủi ro cao. Do vậy, cần thiết kế chính sách hỗ trợ cũng như dành nguồn ngân sách riêng cho khối doanh nghiệp này, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là rất cần thiết. Chúng ta cần phải làm nhanh hơn, thay vì chờ đợi; “dứt khoát bỏ tư duy không quản được thì cấm” như Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu. Nếu không ban hành được sandbox, chúng ta không những không quản lý được mà còn làm thất thu nguồn thuế của quốc gia; khiến nguồn lực chảy ra nước ngoài như đã từng xảy ra.

Nghị quyết cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này; doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng R&D bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm. Điều này chắc chắn sẽ khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Song, cần phải có tiêu chí rõ ràng, làm rõ thế nào là đầu tư cho R&D, để doanh nghiệp yên tâm, tự tin lập quỹ mà không phải lo sợ khâu thanh kiểm tra, quyết toán thuế.

Nếu chỉ doanh nghiệp đầu tư sẽ không đủ. Chúng tôi rất mừng khi Nghị quyết nêu rõ Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Muốn vậy, cần làm rõ nguồn lực này mỗi năm là bao nhiêu, kế hoạch cùng mục tiêu cụ thể ra sao, chẳng hạn đến 2030 phải xây dựng được bao nhiêu trung tâm?...

Tóm lại, cần phải có tiêu chí, mục tiêu rõ ràng, giao cho từng bộ, ngành, địa phương; lấy đó làm cơ sở để đánh giá cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Làm được như thế, chúng ta sẽ thực sự đưa Nghị quyết vào cuộc sống!

Về phía Quốc hội, tại Kỳ họp lần này sẽ xem xét thông qua Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi mong rằng các quyết sách của Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ kịp thời được thể chế hóa trong Luật, đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ tài chính, đất đai, đào tạo nhân lực, thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp…

Hiện, chúng ta đang sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Các doanh nghiệp đang rất trông chờ công tác này sớm hoàn thành để các địa phương sớm ổn định, kéo theo giấy tờ, thủ tục cũng ổn định, từ đó doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Châu thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-quyet-68-nq-tw-ve-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-cong-dong-doanh-nghiep-vung-tin-hoach-dinh-tuong-lai-10371567.html