NGHỊ QUYẾT GIÁM SÁT PHẢI ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, KHẢ THI, THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ĐỂ TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Phát biểu kết luận phiên họp cho ý kiến báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chiều 13/9), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát đảm bảo chất lượng, khả thi, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia), Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới.
Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các chương trình. Tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Quá trình giám sát cũng nhận được quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự tham gia của các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, thể hiện tình thần đồng hành, giám sát để kiến tạo của Quốc hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt; các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ hoạt động Đoàn giám sát , cũng như đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung 11 văn bản quan trọng, làm rõ những nội dung còn có cách hiểu khác nhau ở địa phương.
Kết quả giám sát cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến địa phương, đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi 11/11 văn bản quan trọng gồm Nghị định 27 và các Thông tư hướng dẫn, cũng như trả lời giải thích, làm rõ những nội dung còn có cách hiểu khác nhau ở địa phương.
Ban Chỉ đạo chung các CTMTQG đã kiện toàn theo Nghị quyết của Quốc hội thống nhất 01 Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Công tác lập kế hoạch và phân bổ vốn thực hiện các Chương trình đã được Chính phủ giao về các địa phương theo quy định. Ước tính đến 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài của 03 CTMTQG đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài, tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 tháng năm 2023 đạt 79,82% kế hoạch năm 2022; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đến 31/8/2023 đạt 41,9% kế hoạch.
Thông qua hoạt động giám sát, sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương về nhận thức, nhận diện đối với 3 CTMTQG, là cơ sở quan trọng để tiếp tục đổi mới một cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Qua giám sát cũng cho thấy, các cơ quan bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, nhất là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quản lý. Ban Chỉ đạo chung cho 03 CTMTQG các cấp tuy đã được kiện toàn, thành lập song cơ chế quản lý, chỉ đạo, lãnh đạo vẫn theo tính chất ngành dọc của từng cơ quan.
Còn có sự trùng lặp về địa bàn, hiện thực hiện cả 3 CTMTQG; Nguồn vốn bố trí chưa tương xứng so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; Việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình ở cơ sở (nhất là cấp xã, huyện nghèo) chưa kịp thời.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định, những hạn chế, bất cập trên đã làm cho tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 đến 31/01/2023 chỉ đạt 42,49% kế hoạch và kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch.
Xây dựng trang thông tin điện tử để công khai, minh bạch kết quả thực hiện các CTMTQG.
Đoàn giám sát đã phân tích nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm, bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình này. Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển nguồn vốn Trung ương và địa phương cả 03 CTMTQG năm 2023 chưa giải ngân hết sang năm 2024. Cho phép Chính phủ điều chỉnh một số nội dung, mục tiêu, chính sách, dự án, tiểu dự án của Chương trình.... không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp, khó thực hiện; Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; Ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; Giao chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, thoát nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Rà soát, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, xây dựng trang thông tin điện tử để trao đổi, phản hồi nhanh, kịp thời và công khai, minh bạch kết quả thực hiện các CTMTQG tại từng địa phương...
Nghị quyết giám sát phải đảm bảo chất lượng, khả thi, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả 3 CTMTQG.
Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp. Sau khi nghe tóm tắt kết quả của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu tập trung thảo luận về hồ sơ, tài liệu báo cáo giám sát đầy đủ và báo cáo tóm tắt, dự thảo nghị quyết; kết cấu, bố cục, nội dung của báo cáo giám sát; kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; các giải pháp kiến nghị nhằm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc được nêu trong báo cáo và dự thảo Nghị quyết...
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến đánh giá cao kết quả của Đoàn giám sát; cơ bản đồng tình với hồ sơ của Đoàn giám sát, trên cơ sở góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, hoàn thiện văn bản trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị biên tập, diễn đạt đảm bảo sự thống nhất trong phần đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế và các kiến nghị.
Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, một trong những nội dung trọng tâm quan trọng của 3 CTMTQG là công tác tổ chức sản xuất và tạo kinh kế cho người dân – đây là những giải pháp đảm bảo tính bền vững của cả 3 chương trình. Do vậy, đại biểu đề nghị Đoàn giám sát cần tập trung làm rõ hơn vấn đề này trong báo cáo để tạo điểm nhấn, đảm bảo tính thuyết phục, từ đó có các kiến nghị, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
Khẳng định đây là chuyên đề giám sát khó, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát giữa kỳ và tiến hành đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát rà soát tính thống nhất, đồng bộ giữa báo cáo chính, báo cáo tóm tắt, nội dung phim giám sát. Trong đó, lưu ý nêu bật những thành tựu trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua; đồng thời các kiến nghị, giải pháp khắc phục của tồn tại, hạn chế cần rõ người, rõ việc, rõ thời hạn.
Một số ý kiến tại phiên họp cho rằng, các nhận định, đánh giá trong báo cáo giám sát cần có có cơ sở, dữ liệu dẫn chứng vừa khái quát, vừa cụ thể làm minh chứng cho các đánh giá. Báo cáo làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể của cơ quan giải trình, làm rõ nguyên nhân chủ quan của từng hạn chế, bất cập; bổ sung trong phần phụ lục nêu những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt từ đó chia sẻ, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hiệu quả.
Sản phẩm cuối cùng của hoạt động giám sát là nghị quyết của Quốc hội, vì vậy các ý kiến đề nghị rút ngắn phần đánh giá thực trạng, tập trung làm rõ các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, thẩm quyền.
Tại Phiên họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã tổ chức hoạt động giám sát tối cao này; qua giám sát cho thấy những khó khăn, bất cập, từ đó khắc phục trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình với các nội dung lớn trong báo cáo giám sát đã đánh giá đúng hiện trạng hiện nay còn nhiều khó khăn triển khai 3 CTMTQG; nhiệm vụ thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế bởi ý nghĩa lớn lao và kỳ vọng của nhiều người về 3 chương trình.
Chính phủ sẽ nỗ lực cố gắng hoàn thành mục tiêu giữa nhiệm kỳ của 3 CTMTQG, tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn giám sát hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giám sát trình Kỳ họp thứ 6 tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Đoàn giám sát. Mặc dù là lần đầu tiên giám sát giữa kỳ, tổng hợp 3 CTMTQG nhưng Đoàn giám sát đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương, Đoàn ĐBQH và HĐND quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, cơ bản đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng và những kiến nghị, đề xuất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận trong 2 năm qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 CTMTQG, tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát, tổ chức hội nghị giao ban, hội nghị vùng, xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về triển khai 3 CTMTQG đạt được kết quả tương đối toàn diện; mặc dù vẫn còn những bất cập, hạn chế cần được tiếp tục khắc phục và giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo báo cáo tóm tắt, báo cáo đầy đủ, phim tài liệu về kết quả giám sát chuyên đề đối với 3 CTMTQG, nêu bật kết quả đạt được, cân đối cụ thể, hài hòa với phần hạn chế, bất cập, đặc biệt, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị giải pháp phù hợp. Nghị quyết giám sát phải đảm bảo chất lượng, khả thi, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả 3 CTMTQG. Trong đó, lưu ý một số nội dung như tăng cường phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công khai, minh bạch, giám sát các cơ chế cụ thể liên quan đến các vấn đề tài chính, ngân sách, chuyển nguồn, giao kế hoạch, giải ngân...
Chính phủ, các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát bổ sung đầy đủ nội dung, số liệu báo cáo theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và yêu cầu của Đoàn giám sát. Thường trực Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan liên quan làm rõ các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu. Tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại các phiên họp trước để hoàn thiện báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết và hồ sơ tài liệu có liên quan, xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng đoàn giám sát, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng quy định.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79806