'Nghị quyết lòng dân' ở biên giới Kon Tum (bài 4)

'Đây nè, năm ngoái mới xuống thành phố nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. Chu cha, ông chăn bò như tui ở đường biên, cột mốc quốc gia mà được tặng bằng khen, hai vợ chồng tui mừng lắm' - Ông Hồ Xuân Vui (60 tuổi) ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum mở đầu câu chuyện khá nhộn nhịp.

Bài 4: Làm giàu ở cột mốc quốc gia

Ông Vui lấy xe máy chở tôi lên thăm cột mốc biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, ở xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Dọc đường, ông Vui chỉ chỗ đó có 7ha rẫy, chỗ kia có 5ha, bên dãy núi kia có đám cây keo của nhà ông chuẩn bị khai thác.

“Đàn bò của tui lúc tăng đàn cao nhất là 250 con, tui bán một cái rụp 100 con để mua đất và làm nhà. Bao nhiêu lớp đồn trưởng Đồn Biên phòng quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum đã thay đổi, có anh đã nghỉ hưu lâu rồi. Còn tui mấy chục năm nay, ngày nào cũng ở trên đường biên giới, thuộc từng cột mốc chính, mốc phụ và đường đi dọc biên giới như thế nào?” - Ông Vui xởi lởi.

Ông Hồ Xuân Vui nhiều năm liền tham gia tự quản đường biên, cột mốc nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Ảnh: Lệ Giang

Ông Hồ Xuân Vui nhiều năm liền tham gia tự quản đường biên, cột mốc nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Ảnh: Lệ Giang

“Ngôi nhà” thứ 2 ở cột mốc

Đang còn chuyện trò ở cột mốc ba biên, thấy có đoàn khách nói giọng miền Bắc vào thăm cột mốc, ông Vui chạy tới nói như một sĩ quan Biên phòng: “Đây là cột mốc ba biên, một tiếng gà gáy cả ba quốc gia cùng nghe. Đường biên giới của Việt Nam - Lào từ đây, kéo qua đỉnh núi bên kia. Từ cột mốc kéo xuống phía Nam qua mõm núi đầu kia là biên giới Việt Nam - Campuchia. Thẳng bên này là biên giới Lào - Campuchia. Trên cột mốc có 3 mặt, có gắn quốc huy của mỗi quốc gia,...”. Mấy chục năm qua, ông Vui không nhớ nổi đã giới thiệu cột mốc, đường biên giới, khu vực cửa khẩu cho bao nhiêu người từ xa đến tham quan xã Pờ Y.

Cuộc sống khá giả, tài sản mấy chục mét đất (mét ngang) mặt đường lớn đi cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tiền gửi ở ngân hàng,... đều tạo dựng từ đường biên, cột mốc. “Cột mốc biên giới quốc gia đã nằm trong máu thịt của tui, từ người đói rách lúc mới vào đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng, đến nay có đàn bò lớn, đó là nhờ rừng núi biên giới làm nên những điều kỳ diệu của gia đình tui. Ngày nào hai vợ chồng cũng đi trên chiếc “xe sắt” (xe máy được gia cố nhiều thanh sắt) luồn lách vào khu vực biên giới, ăn ngủ ở chân cột mốc. Có lần trời chập choạng tối, có mấy người đi làm gì đó ở biên giới, thấy tui đứng ở cột mốc, họ nói to: “Lính Biên phòng sao giờ này chưa về đồn, mà còn đứng đó làm gì”. Cột mốc giống như “ngôi nhà” thứ 2 của vợ chồng tui” - Ông Vui kể.

Đàn bò của ông quá nhiều, đôi khi bò con rơi xuống hố chết mà không biết, đến khi đi qua bốc mùi hôi ông Vui mới phát hiện ra mất bò. Bò mẹ mang bầu chuẩn bị sinh, nó sẽ bỏ đi tìm chỗ an toàn để đẻ, có ngày 7 con bò mẹ dẫn 7 con bê mới sinh về nhập đàn, gần như tuần nào cũng có vài con bò đẻ con. Mỗi lần bò đẻ, tài sản của ông lại tăng lên, đường biên giới đi thêm mấy bước.

Bí quyết gia tăng đàn bò

Quê của ông Vui ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, năm 1985, ông đi tìm trầm hương ở núi rừng Pờ Y, thấy những đồi tranh bạt ngàn mà không có ai chăn gia súc. Thấy mê quá, ông về dẫn vợ con vào vùng biên giới định cư.

“Từ Quảng Nam đi vào không có nhà cửa gì cả, ở nhờ nhà anh A Chiến người đồng bào dân tộc thiểu số, sau 3 tháng, hai vợ chồng tui tự đi chặt cây, cắt tranh,... làm được cái nhà nhỏ. Không có vốn mua bò giống, anh Vui đánh liều đến ngân hàng vay vốn, cán bộ ngân hàng dưới huyện lên xem quanh nhà, họ lắc đầu không vay được. Anh Vui gọi điện về quê nhờ ông bà cầm sổ đỏ thế chấp ở ngân hàng vay tiền, đi tìm mua bò đang mang thai trị giá 5 chỉ vàng, để nhanh có bò con” - Bà Nguyễn Thị Thự, vợ ông Vui xen vào câu chuyện lập nghiệp.

Đàn bò của gia đình ông Vui ngày một gia tăng đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá giả hơn. Ảnh: Lệ Giang

Đàn bò của gia đình ông Vui ngày một gia tăng đã giúp gia đình ông có cuộc sống khá giả hơn. Ảnh: Lệ Giang

Con bò đực “đầu lòng”, hai vợ chồng ông Vui chăm sóc cẩn thận gần 1 năm tuổi, đi tìm người có bò cái mang thai để đổi, dù có đắt hơn và bù thêm tiền ông Vui đều chấp nhận. Làm theo cách này, chẳng mấy chốc, vợ chồng ông có đàn bò 7 con. “Nhờ chịu khó làm, hằng ngày có được “3 đồng” thu nhập từ: Bán quán nước ở cửa khẩu Bờ Y, chạy xe ôm, sửa xe. Nhờ có “3 đồng” làm chủ lực để bù thêm tiền lúc đi đổi bò, dù khó khăn đến mấy cũng quyết không bán bò non khi số lượng đàn chưa đủ lớn. Nhiều người trong xã bất ngờ đàn bò của tui tăng quá nhanh” - Ông Vui nêu bí quyết.

Đàn bò tăng vài con, ông Vui lặn lội xuống Đà Nẵng tìm mua bò đực to làm giống, dạng bò lai cho nhiều thịt. Thời gian 4 - 5 năm là “xóa sổ” bò giống cũ, đi tìm con giống mới. Ông Vui tâm sự: “Con bò giống tốt, sẽ tạo nên đàn bò chất lượng cao, tăng lợi nhuận gấp đôi so với nuôi “bò cỏ” địa phương. Phải thay đổi con bò đực giống ở vùng khác đến để tránh bị lai tạo cận huyết, đàn bò bị teo tóp. Số lượng bò nhiều, tui bắt đầu “bán tỉa” lấy tiền đi mua rẫy trồng cây, mua đất làm nhà ở trung tâm xã, chọn mặt đường đi cửa khẩu, sau này giá trị mỗi lô đất sinh lời lớn”.

Nhớ tình nghĩa với gia đình A Chiến đã cưu mang hai vợ chồng ông Vui ngày đầu vào Pờ Y lập nghiệp, ông Vui thường xuyên qua nhà A Chiến hướng dẫn cách chăn nuôi, đặc biệt không bán non trâu, bò sớm để tăng đàn. “Hắn (Vui) nói vùng Pờ Y có nhiều đồi cỏ thuận lợi nuôi thật nhiều trâu, bò. Vùng biên giới chỉ có chăn nuôi mới giàu, khi có nhiều trâu, bò, sẽ bán bớt, lấy tiền đi mua đất rẫy. Hắn căn dặn, tìm chỗ rẫy sát suối nước và gần đường đi, sau này có bán rẫy cũng có giá cao. Nghe lời hắn, nhà mình nuôi trâu, bò mấy chục con, mua gần 10 ha rẫy” - Ông A Chiến tự hào nói về ông bạn chí cốt.

Ông Nguyễn Tài Thu, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y nhận xét: “Ông Vui là người làm kinh tế giỏi, tham gia tích cực phong trào tự quản đường biên, cột mốc biên giới. Hằng năm, tôi và người dân đi cùng với chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đến từng cột mốc kiểm tra hiện trạng, bàn giao cho người dân tại thực địa. Chủ trương đúng giống như “nghị quyết lòng dân” hoàn hảo, khích lệ người dân nỗ lực làm giàu chính đáng”.

Bài 5: Chọn cán bộ “biết việc”

Lệ Giang - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghi-quyet-long-dan-o-bien-gioi-kon-tum-bai-4-post438422.html