Nghị quyết mới cho TP.HCM: Khung pháp lý hiện hữu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển

Trao đổi với Người Đô Thị, Đại biểu Quốc hội - Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh việc cần thiết phải ban hành một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, mà theo ông là vừa sắp hết hiệu lực vừa bất cập.

Việc soạn thảo nghị quyết thay thế xuất phát từ quy định về thời hiệu, hay Nghị quyết 54 còn những bất cập so với các đòi hỏi về cơ chế chính sách đặc thù nhằm phát triển TP.HCM mạnh mẽ hơn?

Nghị quyết 54 sẽ hết hạn vào cuối năm 2023, nhưng trước những mục tiêu phát triển đầy thách thức được giao cho TP.HCM vào năm 2030 và 2045, đặc biệt là những yêu cầu bức xúc của nhân dân Thành phố, lãnh đạo Thành phố đã kiến nghị và được lãnh đạo trung ương chấp nhận, gấp rút xây dựng một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Ở đây có sự gặp nhau về quan điểm giữa cấp trên và cấp dưới: một là sự cần thiết phải có một nghị quyết mới về cơ chế hành chính - nhà nước đặc thù cho TP.HCM trên cơ sở rút kinh nghiệm 5 năm thực tiễn thực hiện Nghị quyết 54.

Đại biểu Quốc hội - Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội - Luật sư Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: CTV

Và hai là nghị quyết mới này phải đáp ứng được vai trò, vị trí và nhiệm vụ phát triển của TP.HCM căn cứ vào các nghị quyết của Bộ Chính trị về các vùng kinh tế trọng điểm, cụ thể là Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, sát sườn hơn là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, và trực tiếp là Nghị quyết 31 ngày 30.12.2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nói như vậy để thấy Nghị quyết 54 ban hành vào năm 2017 rõ ràng đã lạc hậu và bất cập. Việc tiếp tục thực hiện sẽ làm mất nhiều cơ hội và thời gian quý báu cho sự phát triển của TP.HCM.

Năm năm qua, Nghị quyết 54 đã tháo gỡ những vướng mắc lớn về thẩm quyền (phân quyền) của TP.HCM trong việc huy động và sử dụng nguồn lực (tài nguyên đất đai và ngân sách địa phương...) để chủ động phát triển. Với tư cách Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông nhìn nhận thế nào về những tác động chính sách mà Nghị quyết 54 đã đem lại cho TP.HCM?

Giá trị lớn nhất của Nghị quyết 54 là sự thừa nhận rằng khung pháp lý hiện hữu có nhiều điểm lỗi thời, chậm bước và không còn phù hợp. Sự lỗi thời, chậm bước và không phù hợp ấy còn nổi bật hơn đối với TP.HCM, một đô thị đặc biệt có tốc độ phát triển cao, mức độ hội nhập sâu rộng và bắt nhịp nhanh với những chuyển biến về khoa học - kỹ thuật, về công nghệ và về thị trường của thế giới, lại đang được giao nhiệm vụ là đầu tàu và động lực tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngân sách cao nhất cả nước. Nếu chúng ta máy móc, khư khư giữ lấy sự áp đặt bình quân và dàn trải của mọi quy định trên mọi lĩnh vực của thể chế hiện hành cho mọi địa phương thì sẽ lợi bất cập hại.

Giá trị thứ hai là quá trình thực hiện đã cho lãnh đạo trung ương và Thành phố những bài học và kinh nghiệm thực tiễn bước đầu về những nội dung, yêu cầu và mức độ cần có của một cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng như cho một số tỉnh thành khác. Nếu chúng ta không cho thí điểm thì đã không có những bài học và kinh nghiệm này.

Dự thảo Nghị quyết có 10 điều đối với 6 lĩnh vực và một nội dung. Theo ông, những điểm cốt lõi nào có thể giải quyết được các bất cập của nghị quyết cũ?

Theo nghiên cứu ban đầu của tôi, dự thảo Nghị quyết có những điểm nổi bật là: nội dung đề xuất toàn diện hơn, từ tài chính - ngân sách đến quản lý quy hoạch, sử dụng đất, thu hút đầu tư, đến phân cấp và ủy quyền về quản lý bộ máy hành chính và cán bộ, công chức. Nhiều nội dung đề xuất đã rút kinh nghiệm từ sự bất cập, ách tắc hay khiếm khuyết khi thi hành Nghị quyết 54.

Do đó, điểm nổi bật là tính đặc thù áp dụng cho nhiều lĩnh vực hơn, và lãnh đạo Thành phố được giao quyền tự chủ cao hơn, được phép chủ động và linh hoạt hơn trong thẩm quyền quyết định của mình. Tất nhiên, quyền hạn cao hơn thì trách nhiệm cũng nặng hơn, và đó là thách thức không nhỏ cả về năng lực, bản lĩnh và đạo đức đối với đội ngũ lãnh đạo của Thành phố, từ cấp thành phố đến cơ sở.

Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa và Tân Kỳ - Tân Quý là các dự án giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đã được chính quyền TP.HCM chủ trương đầu tư theo phân quyền của Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Cộng Hòa và Tân Kỳ - Tân Quý là các dự án giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đã được chính quyền TP.HCM chủ trương đầu tư theo phân quyền của Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông có góp ý gì thêm cho dự thảo?

Theo tôi, cần bổ sung thêm một số nội dung cụ thể hơn vào 6 lĩnh vực đã kiến nghị:

Thứ nhất, trung ương nên giao cho TP.HCM quyền và trách nhiệm chủ động trong việc xây dựng đề án hình thành và vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế ở TP.HCM, kể cả việc thu hút sự tham gia của chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế nước ngoài, tất nhiên có những nội dung phải có sự thống nhất với bộ ngành hữu quan và phê chuẩn của Thủ tướng.

Thứ hai, TP.HCM cần được trao thẩm quyền rộng hơn trong quan hệ đối ngoại, ví dụ: được ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế với các tổ chức quốc tế, với các địa phương của nước khác để bổ sung tiềm lực và năng lực của Thành phố trong lĩnh vực thu hút đầu tư, huy động tài chính và chuyển giao công nghệ, hay hợp tác về y tế và giáo dục.

Thứ ba, cho phép Thành phố được vay vốn quốc tế thông qua kế hoạch vay và trả được trung ương phê chuẩn, được sử dụng khoản vốn này một cách chủ động và linh hoạt phục vụ cho các dự án đầu tư phát triển của Thành phố. Nghị quyết cũng nên xác định rõ vai trò chủ động và trách nhiệm chủ trì của TP.HCM, cũng như trách nhiệm phối hợp của lãnh đạo các tỉnh, thành phố hữu quan trong việc hình thành quan hệ liên kết, hợp tác phát triển vùng, trước hết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.

Theo tôi, dự thảo còn phải được gia công và hoàn thiện thêm mới đáp ứng được vai trò, vị trí và các mục tiêu phát triển được giao cho TP.HCM đến năm 2030 và 2045. Tôi sẽ gửi ý kiến của mình cho Đoàn Đại biểu Quốc hội của Thành phố.

Câu hỏi cho vị trí pháp lý của Nghị quyết (dù là) được Quốc hội ban hành: có ý kiến từ Bộ Xây dựng nói cần xây dựng hẳn một bộ luật về thành phố đặc thù như TP.HCM. Ông bình luận gì về ý kiến nêu trên?

Căn cứ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, Nghị quyết tất nhiên có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với tất cả Đại biểu Quốc hội, với Chính phủ và tất cả các bộ, ngành trung ương cùng chính quyền địa phương, và nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nếu xây dựng thành luật thì hiệu lực bắt buộc sẽ phổ quát hơn, kèm theo các chế tài nếu vi phạm.

Do đó, xây dựng một luật riêng cho Thành phố với vị trí là một đô thị đặc biệt thì rất cần thiết. Nhưng làm luật phải có sự thống nhất về chủ trương, quan điểm trong lãnh đạo và phải theo quy trình, do đó sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, nên tập trung vào việc xây dựng và ban hành Nghị quyết mới thay cho Nghị quyết 54 càng sớm càng tốt.

Điều 12 của dự thảo Nghị quyết có giao cho Chính phủ một số việc như: ban hành nghị định của Chính phủ cụ thể hóa tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố; trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố, trên nguyên tắc cho phép Thành phố thực hiện thí điểm; mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP.HCM; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa bộ ngành trung ương với Thành phố trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu Nghị quyết không giao trách nhiệm chủ trì cho những cơ quan, tổ chức cụ thể và đặt ra lộ trình và tiến độ cụ thể thì những công việc trên sẽ bị trì hoãn và kéo dài, cũng như khó tránh được hiện tượng đùn đẩy qua lại giữa các cơ quan trung ương. Việc thực hiện Nghị quyết sẽ trở thành trách nhiệm một chiều của lãnh đạo và nhân dân TP.HCM, trong khi Nghị quyết 31 đã xác định: “Xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố với phương châm: “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.

Duy Thông thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nghi-quyet-moi-cho-tp-hcm-khung-phap-ly-hien-huu-chua-dap-ung-duoc-yeu-cau-phat-trien-38926.html