Nghị quyết mới là tiền đề quan trọng cho bước đột phá của TP.HCM

Cơ quan thẩm tra nhìn nhận các chính sách trong dự thảo nghị quyết đều khá toàn diện và sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của TP.HCM nếu được thí điểm thành công.

Chiều 12-5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Các chính sách mới nhận được nhiều sự đồng thuận

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay tại dự thảo nghị quyết này, Chính phủ trình QH quy định cho phép TP.HCM thí điểm bảy nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Gồm quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP và tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai: Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai: Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới của TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017, cơ quan thẩm tra của QH là Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cơ quan soạn thảo đã phối hợp với chính quyền TP.HCM xây dựng dự thảo nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị.

Cụ thể, cơ quan thẩm tra nhận xét nội dung các quy định phù hợp với định hướng trong các nghị quyết của Đảng và QH; các chính sách khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù. “Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nêu rõ.

Số lượng chính sách tương đối rộng nên cần cân nhắc, có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc một số vấn đề. Đặc biệt, tờ trình cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển của TP hay chưa?

Xét số lượng chính sách tương đối rộng, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc, có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống. “Những chính sách chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ về nội hàm có thể dẫn đến vướng mắc pháp luật thì không nên quy định” - bà Mai đề nghị.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM. “Tại dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, song cũng chỉ ở quy mô hẹp” - bà Mai nói và đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có bước vượt trội, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về “sức nặng”.

Dự thảo nghị quyết Chính phủ trình có thể chia thành hai loại chính sách, với tổng cộng 44 nội dung cụ thể. Loại thứ nhất là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54, các nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác và đang quy định tại các dự thảo luật trình QH.

Loại thứ hai là các chính sách mới lần đầu được quy định tại dự thảo, với bốn nhóm vấn đề về đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy. Các nhóm chính sách mới lần đầu được quy định tại dự thảo cơ bản đều nhận được sự đồng thuận từ phía cơ quan thẩm tra.

Không cào bằng trong chi thu nhập tăng thêm

Về thu nhập tăng thêm, dự thảo nghị quyết quy định chính sách tương tự Nghị quyết 54. Để tránh mâu thuẫn với Nghị quyết 27 của Trung ương quy định về chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, dự thảo nghị quyết đã quy định chi trả thu nhập tăng thêm như dự thảo nghị quyết được thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27.

Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng việc TP.HCM chi thu nhập tăng thêm thực hiện như Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán cân đối để không vượt tổng mức 0,8 lần quỹ lương cơ bản như Nghị quyết 27.

“TP.HCM vẫn có thể trả 1,8 lần lương, thậm chí có thể trả cho đối tượng nào đó hai lần nhưng không phải là cào bằng, tổng lại không vượt quá mức là 0,8 lần quỹ lương là được” - ông Huệ nhấn mạnh và cho rằng việc chi trả này phải tùy theo đóng góp và tùy theo cống hiến cũng như thành tích của các cơ quan.

Xây dựng đề án riêng về trung tâm tài chính quốc tế

Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo nghị quyết đề xuất giao Chính phủ trình QH thí điểm xây dựng trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế tại TP.HCM. Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá việc đưa vào dự thảo nghị quyết nội dung trên là “chưa đủ căn cứ”. Cơ quan thẩm tra cho rằng chỉ nên thể hiện theo đúng Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, không mở rộng phạm trù chính sách.

Tương tự, với đề xuất thành lập Liên đoàn Hợp tác xã (HTX) Saigon Co.op, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hiện chưa đủ căn cứ thực tiễn, chưa rõ nội hàm chính sách, chưa chắc chắn tính hợp lý. Nghị quyết 31 chỉ quy định “tổ chức lại các mô hình HTX kiểu mới”, không xác định “hoạt động theo mô hình Liên đoàn HTX” như trong dự thảo nghị quyết.

Việc xây dựng thí điểm TP.HCM thành Trung tâm tài chính cần được nghiên cứu kỹ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc xây dựng thí điểm TP.HCM thành Trung tâm tài chính cần được nghiên cứu kỹ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nêu ý kiến, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng hiện chưa rõ nội hàm “xây dựng TP.HCM thành một TTTC” hay “xây dựng một TTTC trong TP.HCM”. Nhấn mạnh thế giới có cả hai cách tiếp cận này, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần làm đề án theo Nghị quyết 31. Do đó, vấn đề này không nhất thiết phải đưa vào điều khoản thi hành.

Với thí điểm thành lập Liên đoàn HTX, Chủ tịch QH nhấn mạnh đã có Nghị quyết 20 của Chính phủ. Nếu không liên quan đến pháp lý thì Chính phủ ban hành nghị định để thực hiện. “Trường hợp liên quan đến thẩm quyền của QH thì trình QH, không nhất thiết phải đưa vào nghị quyết” - Chủ tịch QH nói và nhấn mạnh “chủ trương đã có, ta cứ làm”.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng tình tạm thời bỏ quy định liên quan đến TTTC quốc tế TP.HCM và Liên đoàn HTX ra khỏi nghị quyết. Ông Dũng nói Liên đoàn HTX “không có vấn đề lớn” nhưng TTTC quốc tế TP.HCM là vấn đề “rất lớn, rất khó”.

“Sáng nay tôi vừa chủ trì họp riêng về vấn đề này, đúng là hiện nay đang rất lúng túng” - ông Dũng thông tin và nhìn nhận hiện chưa rõ khái niệm thế nào, phạm vi đến đâu, cuối cùng là điều kiện cần và đủ để hình thành TTTC quốc tế tại TP.HCM như thế nào, kèm theo đó là thể chế gì, nguồn lực nào, bước đi nào, cách tiếp cận thế nào, mô hình nào?

Cũng theo ông Dũng, TP.HCM đã có nghiên cứu bước đầu, cùng với TP Đà Nẵng, hiện có hai hồ sơ giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu. “Chúng tôi đang hết sức thận trọng nghiên cứu kỹ, thời gian tới sẽ báo cáo với QH” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thành lập Sở An toàn thực phẩm: Cần xin ý kiến Bộ Chính trị

Một nội dung quan trọng khác liên quan đến tổ chức bộ máy của TP, dự thảo quy định việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý.

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu “trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị”. Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng “nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối thì phải có ý kiến của Bộ Chính trị”.

Góp ý nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng nếu như chỉ thành lập thêm Sở An toàn thực phẩm như một số sở khác thì theo thẩm quyền của Chính phủ, chỉ cần báo cáo với Bộ Chính trị đồng ý, không nhất thiết phải báo cáo với QH.

Tuy nhiên, ở đây thành lập sở có giao một số chức năng, nhiệm vụ (của ba sở khác là Y tế, NN&PTNT, Công Thương) cho sở này, khác với một số quy định hiện hành của một số luật. Do vậy, nội dung này phải đưa vào nghị quyết của QH. “Đến giờ này cũng không nên làm khó TP và Chính phủ nữa, Đảng đoàn QH sẽ báo cáo Bộ Chính trị nội dung này” - Chủ tịch QH nói.

Các đại biểu tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu tại phiên họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá theo dự thảo nghị quyết, vai trò của HĐND TP.HCM và HĐND TP Thủ Đức, việc phân cấp, phân quyền cho hai TP này rất lớn.

Tuy nhiên, bà Thanh nói chưa rõ phần tổ chức bộ máy của HĐND TP.HCM và TP Thủ Đức để đảm đương nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Bà dẫn chứng bộ máy của HĐND TP.HCM hiện có bốn ban, chỉ có 19 đại biểu chuyên trách, hai phó chủ tịch mà đang thiếu một phó chủ tịch. “Trong đề án, các đồng chí đề nghị tăng thêm phó chủ tịch cho UBND nhưng bộ máy cho HĐND chúng tôi thấy chưa tương thích với thẩm quyền…” - bà Thanh nói.•

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch QH VƯƠNG ĐÌNH HUỆ:

Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM rất dày dặn, khá toàn diện

Rất biểu dương TP.HCM và Bộ KH&ĐT đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, thực tiễn. Khi một số địa phương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chúng ta đều có nhận xét chung là số lượng chính sách thí điểm hẻo quá nhưng riêng TP.HCM rất dày dặn, khá toàn diện. Tôi hy vọng điều này sẽ tạo ra những cú hích và những đột phá.

Các đồng chí rất tâm huyết, rất trăn trở và công phu lắm mới xây dựng ra được thế này, chúng ta đã xem xét một số địa phương rồi thì chính sách đều chưa được nhiều.

***

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Nghị quyết phức tạp nhất, đòi hỏi cao nhất

Chúng ta trước đây làm chín nghị quyết của chín địa phương, đây là nghị quyết thứ 10 và cũng là nghị quyết có phạm vi, quy mô lớn nhất, phức tạp nhất, đòi hỏi cao nhất.

Nghị quyết này khi xây dựng phải đảm bảo giải quyết được các điểm ách tắc, điểm nghẽn đang làm cản trở phát triển của TP.HCM. Đồng thời phải tạo được các động lực mới, cú hích mới để phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá cho TP trong thời gian tới.

Đây là những vấn đề đòi hỏi rất cao, bám sát được các nghị quyết của Bộ Chính trị và của QH. Chúng tôi được giao nhiệm vụ cũng rất nỗ lực, đặc biệt phối hợp hết sức chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành và TP.HCM, cũng không quản ngày đêm làm trong một thời gian rất nhanh và khối lượng rất lớn. Cuối cùng đã đạt được sự đồng thuận rất cao, thống nhất rất cao giữa các bộ, ngành.

***

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI:

Sẽ củng cố bộ máy tổ chức, nhân lực… để thực hiện nhiệm vụ

TP.HCM cám ơn Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH đã rất quan tâm, chỉ đạo quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết này, góp ý nhiều điểm rất quan trọng. TP sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ trong thời gian sớm nhất.

Nếu được thông qua, TP phải chuẩn bị rất nhiều để đáp ứng và triển khai được nghị quyết này trên thực tế. HĐND TP.HCM hay HĐND TP Thủ Đức phải có chương trình hành động và kế hoạch củng cố tổ chức bộ máy, nhân lực và kế hoạch giám sát.

Đến giờ này, TP đã phân công các cơ quan chuẩn bị một số nội dung cho hơn 40 nội dung chính sách. Chúng tôi đã dự kiến một số nội dung sẽ thông qua tại kỳ họp HĐND giữa kỳ này, một phiên họp HĐND chuyên đề dự kiến tổ chức vào tháng 9 và một cuộc họp HĐND cuối năm nay. Ba kỳ họp HĐND này cơ bản sẽ tải hết các nội dung cần phải thể chế tại HĐND để bốn năm sau sẽ tập trung cho tổ chức thực hiện.

Phần củng cố bộ máy tổ chức, nhân lực, các điều kiện đủ cho HĐND cũng như các cơ quan thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy để có sự lãnh đạo và củng cố trong thời gian tới.

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-moi-la-tien-de-quan-trong-cho-buoc-dot-pha-cua-tphcm-post733055.html