Nghị quyết số 08 tạo sức bật phát triển thể dục thể thao

Sau một thập niên triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về 'tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020'...

Bắn nỏ trở thành môn thể thao thế mạnh của các VĐV huyện Tân Sơn.

Bắn nỏ trở thành môn thể thao thế mạnh của các VĐV huyện Tân Sơn.

(baophutho.vn)

- Sau một thập niên triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”, thể dục thể thao Phú Thọ đã có những bước phát triển mạnh mẽ ở cả phong trào thể dục thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao.

Trước khi Nghị quyết 08 được ban hành, sự nghiệp TDTT Phú Thọ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trong tỉnh quan tâm, từng bước phát triển theo hướng tích cực, đa dạng, đúng hướng. Tuy nhiên, phong trào TDTT phát triển chưa đồng đều, chưa sâu rộng, thành tích thể thao các môn còn thấp, chưa có nhiều VĐV cấp Quốc gia, cấp quốc tế. Mức đầu tư và huy động các nguồn lực từ cộng đồng cho công tác TDTT còn hạn chế. Đến năm 2012, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên toàn tỉnh chỉ đạt 26,5%; số gia đình thể thao đạt 23,3%; toàn tỉnh có 1.468 câu lạc bộ (CLB) TDTT…
Ngay sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU; Kế hoạch số 3147/KH-UBND ngày 13/8/2012 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020.Chương trình hành động đã được cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện của Đảng bộ, chi bộ, các tổ chức đoàn thể của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 10 năm qua, với các biện pháp tuyên truyền, phổ biến đa dạng, linh hoạt và tích cực, việc quán triệt các nội dung của Nghị quyết thường xuyên, liên tục, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Do đó, đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và trong mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT.Sau 10 năm tích cực triển khai Nghị quyết số 08, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành và tiếp tục được phát huy, đưa sự nghiệp TDTT toàn tỉnh phát triển tiến bộ về bề rộng cũng như chiều sâu, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 08 và Chương trình hành động số 20, Phong trào TDTT quần chúng luôn được gắn kết chặt chẽ với Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ IX-2016, đoàn Phú Thọ tham gia thi đấu 10 môn, giành 175 huy chương, xếp thứ 4/63 tỉnh về số huy chương và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành tham gia, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Cờ đơn vị xuất sắc. Tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Đoàn thể thao Phú Thọ tham gia thi đấu 8 môn, giành 25 huy chương các loại, xếp thứ 38/65 tỉnh, thành, ngành tham gia và nằm trong tốp 5 đoàn miền núi xuất sắc được Ban Tổ chức tặng cờ thưởng, vượt 17 bậc so với Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014…Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động TDTT cơ bản đáp ứng các yêu cầu đăng cai tổ chức các giải thể thao khu vực, toàn quốc và quốc tế. Toàn tỉnh hiện có 33 sân vận động các loại; gần 500 sân bóng đá; trên 3.000 sân bóng chuyền, cầu lông; 89 sân quần vợt; 26 bể bơi các loại; 92 nhà luyện tập và thi đấu đa năng. 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 3.000 giải thể thao cấp cơ sở, đơn vị; trên 200 giải cấp huyện; 54 giải cấp tỉnh, thành, ngành; tham gia thi đấu 5 giải TDTT phong trào cấp Quốc gia. Các sự kiện thể thao lớn liên tiếp được đăng cai, tổ chức tiếp tục khẳng định bản lĩnh, kinh nghiệm và tầm vóc của Phú Thọ trên bản đồ thể thao toàn quốc.Cùng với sự phát triển của phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Tính riêng giai đoạn 2016-2019, các đội tuyển đã tham gia 108 giải thể thao quốc gia và khu vực, giành 528 huy chương các loại; tham gia 19 giải thể thao khu vực Đông Nam Á và thế giới, đoạt 22 huy chương các loại.Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 10/2019 đến nay, toàn tỉnh đào tạo, huấn luyện tập trung 150 VĐV của 8 môn thể thao trọng điểm (Bóng đá, Pencak Silat, Bắn cung, Đá cầu, Wushu, Điền kinh, Bơi lội và Vật) với 51 VĐV đạt đẳng cấp Quốc gia, trong đó 18 VĐV kiện tướng và 33 VĐV cấp I.Trong đó Bóng đá là môn thể thao đột phá, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hệ thống đào tạo Bóng đá Phú Thọ có đội bóng từ U11 đến U17 tham gia thi đấu giải Quốc gia, có từ 1 đến 2 đội duy trì thứ hạng Nhất, Nhì Quốc gia và cung cấp nguồn VĐV cho đội bóng hạng 3, hạng 2 Quốc gia. Sự tiến bộ vượt bậc của môn bóng đá nam, những môn thể thao thành tích cao của tỉnh đã khẳng định vị thế của thể thao Phú Thọ trên đấu trường khu vực, quốc gia và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương và con người Đất Tổ tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Đến nay, toàn tỉnh duy trì 1.962 CLB TDTT; 100% xã, phường, thị trấn xây dựng được các thiết chế văn hóa, thể thao với số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37,6%; số gia đình thể thao đạt 29,5%. Có thể khẳng định, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, công tác TDTT của tỉnh đã có bước phát triển vững chắc, đây là kết quả tất yếu của việc triển khai và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy Đảng, sự đồng thuận của nhân dân. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 08, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sự nghiệp TDTT giai đoạn tiếp theo.Ông Nguyễn Bá Khuyến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đối với sự nghiệp phát triển TDTT; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về thể dục, thể thao ở các ngành, các cấp phù hợp với yêu cầu thực tế. Đồng thời nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao và phong trào TDTT; vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện TDTT ở cơ sở. Quan tâm phát triển phong trào TDTT người cao tuổi, người khuyết tật và người lao động tại các khu công nghiệp. Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Chú trọng, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc phát triển TDTT của nhân dân trên từng địa bàn.

Lê Hoàng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/202105/nghi-quyet-so-08-tao-suc-bat-phat-trien-the-duc-the-thao-177308