Nghị quyết số 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới: Trách nhiệm của văn nghệ sĩ
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về 'Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới' (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 23), đời sống văn học nghệ thuật (VHNT) đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn. Tuy vậy, so với mục tiêu và yêu cầu đề ra của Nghị quyết số 23, VHNT xứ Thanh vẫn còn nhiều những khó khăn và trăn trở.
Những chuyển biến
Theo họa sĩ Phạm Duy Phương, Nghị quyết số 23 đã định hướng cho hoạt động VHNT cả nước nói chung và VHNT Thanh Hóa. Với lợi thế là một “xứ”, Thanh Hóa đẹp tươi “muôn hình muôn vẻ” và có vị trí cốt yếu, “là nơi căn bản của nước Nam”. Mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa cũng là vùng đất có thể chọn lọc được những tinh hoa văn hóa, những vỉa quặng văn hóa quý hiếm và phong phú để các văn nghệ sĩ khai thác và là tài sản vô giá cho muôn đời sau.
Hội VHNT đến nay có gần 500 hội viên, là tỉnh có lực lượng hội viên thuộc top đầu cả nước, trong đó, hiện có 4 hội viên đạt giải thưởng Nhà nước, 7 NSND, 41 NSƯT, hàng chục phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và trên 50 người là hội viên ở các hội Trung ương. Có thể khẳng định, đây là nguồn lực lớn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa xứ Thanh một cách trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất và cũng hiệu quả nhất.
Trong 15 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã sáng tác hơn 45.000 tác phẩm VHNT ở các thể loại. Trong đó, hơn 1.200 tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đã đạt giải tại các cuộc thi, giải thưởng các cấp; đặc biệt, có 7 tác phẩm/cụm tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT; 14 loại hình văn hóa dân gian đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Song song với sáng tác, công tác quảng bá tác phẩm VHNT được quan tâm tổ chức thường xuyên, có chủ điểm. Có hơn 1.360 chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu được tổ chức thực hiện để phục vụ đồng bào các huyện miền núi, nông thôn trong tỉnh; nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái xứ Thanh tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đã đoạt các giải thưởng cao; tổ chức 16.770 buổi chiếu lưu động phục vụ 5,8 triệu lượt đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh; chủ trì tổ chức và tham gia trên 150 cuộc triển lãm, cuộc thi tranh, ảnh nghệ thuật trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế; xuất bản 1.015 đầu sách với trên 1.623.000 bản in về chủ đề VHNT; tổ chức hàng trăm hoạt động đối ngoại văn hóa để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người xứ Thanh đến bạn bè, đối tác quốc tế; xây dựng và phát triển trên 1.300 đội, câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh...
Có được những kết quả ấy là nhờ những cách làm mới, chủ động trong cách thức tổ chức các hoạt động của Hội VHNT. Đặc biệt qua gần 200 chuyến đi thực tế, văn nghệ sĩ được trực tiếp cảm nhận thực tiễn đời sống phong phú, sinh động đang diễn ra, điều này không chỉ bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào với quê hương mà còn chắp cánh cho cảm hứng sáng tạo thăng hoa. Để những tác phẩm VHNT được đến với bạn đọc, bên cạnh việc thể hiện đời sống của từng mảnh đời, phận người là sự vươn lên của mỗi người để hòa vào với dòng mạch chung “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”.
Thúc đẩy sáng tạo tác phẩm đáp ứng yêu cầu mới
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật đáng ghi nhận, hoạt động VHNT còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Chất lượng, số lượng tác phẩm có giá trị cao chưa nhiều, chưa phản ánh sâu sắc truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đấu tranh cách mạng, lao động, sản xuất của các tầng lớp Nhân dân; công tác nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT chưa được chú trọng đúng mức; việc phát triển đội ngũ sáng tác còn hạn chế, còn có sự hẫng hụt tiếp nối giữa các thế hệ; vai trò tham gia quản lý Nhà nước, tư vấn phản biện chưa được phát huy đầy đủ; công tác xã hội hóa để huy động nguồn lực phục vụ sáng tác, quảng bá VHNT còn ít.
Theo nhạc sĩ Văn Hòe, người cả cuộc đời gắn bó với ngành văn hóa và hiện là hội viên cao tuổi nhất của Hội VHNT tỉnh, cho biết: Để xây dựng nền tảng VHNT vững chắc, một trong những điểm tựa đó là vốn truyền thống văn hóa. Chỉ nói riêng về loại hình âm nhạc, hò sông Mã, ngoài câu lạc bộ dân ca hò sông Mã (TP Thanh Hóa) thì hiện nay còn rất ít người biết hò, biểu diễn hò. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung bảo tồn, phát triển và bồi dưỡng tài năng mới trong nghệ thuật truyền thống.
Còn nhà văn Nguyễn Văn Đệ cho rằng: Sách văn học xuất bản nhiều nhưng chất lượng không cao; xuất hiện nhiều nhóm, hội làm thơ mang tính phong trào ở nhiều địa phương nhưng sản phẩm chất lượng còn thấp; vì chạy theo kinh tế, nhiều văn nghệ sĩ không quan tâm đầu tư cho những đề tài lớn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, theo nhà văn Ngân Hằng, Phó tổng biên tập Tạp chí Xứ Thanh: Để đưa VHNT hòa với dòng chảy thế giới thì việc quan tâm bồi dưỡng thế hệ kế cận là rất cần thiết. Hội VHNT đã chú trọng công tác đào tạo, tổ chức trại sáng tác, đặt hàng sáng tác với văn nghệ sĩ trẻ, tạo nhiều không gian mới để quảng bá tác phẩm VHNT… Song, trên thực tế, vẫn còn những chuyên ngành, đặc biệt là văn xuôi, chưa nhìn thấy gương mặt trẻ nào sáng giá.
Khơi thông dòng chảy VHNT, tạo ra những tác phẩm VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp Nhân dân như mục tiêu của Nghị quyết số 23 đề ra, nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó chủ tịch Hội VHNT đề xuất: Nếu thiếu nguồn nhân lực, vật lực thì các hoạt động VHNT cũng khó có thể đạt được yêu cầu. Tuy nhiên yếu tố tiên quyết lại ở chính văn nghệ sĩ. Từ những trải nghiệm cùng sự đồng cảm sẽ thôi thúc họ viết nên những sáng tác vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, vừa thể hiện khát khao về một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn.
Cùng với Nghị quyết số 23, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 25-2-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án của tỉnh trên lĩnh vực VHNT… là những nội dung định hướng tư tưởng, “kim chỉ nam” cho VHNT tỉnh Thanh Hóa sáng tạo, phục vụ công chúng trong thời đại mới. Song, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần phải kết hợp sáng tạo và những nguồn lực hỗ trợ; yếu tố dân tộc, truyền thống với yếu tố thời đại. Nền văn hóa ấy không chỉ là đối tượng để thưởng thức mà phải trở thành phương tiện giáo dục, xây dựng nên thang giá trị với những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với xã hội và thời đại, luôn chứa đựng yếu tố cốt lõi nhân văn. Trách nhiệm ấy thật nặng nề song cũng thật vinh dự đối với văn nghệ sĩ.
Đường lớn đã mở, vấn đề là văn nghệ sĩ xứ Thanh sẽ thực hiện cuộc hành trình ấy như thế nào, đó là câu hỏi trăn trở không chỉ với các cấp lãnh đạo, chỉ đạo mà còn với cả chính bản thân văn nghệ sĩ.