Nghị quyết số 25-NQ/TU - 'Kim chỉ nam' trong bồi thường, giải phóng mặt bằng (Bài 1)
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư đối với việc phát triển KT-XH địa phương, thời gian qua, tỉnh Long An tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác này, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, nhất là từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn (gọi tắt là NQ số 25).Tuy nhiên, hiện nay, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo, tiếp tục đề ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hơn nữa công tác này, góp phần tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bài 1: “Đòn bẩy” đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển
Công tác bồi thường, GPMB được chú trọng thực hiện, khi hoàn thành sẽ góp phần sớm đưa các công trình, dự án (DA) vào sử dụng, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Khi tư tưởng đã thông…
Gần 10 năm ròng rã khiếu kiện về các quyết định thu hồi đất để làm DA Khu công nghiệp (KCN) An Nhựt Tân (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) nhưng giờ đây, khi trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Ngọc Dung (ấp 5, xã Tân Bình) nói “đã hiểu và đồng thuận với chủ trương của Nhà nước”.
Nhớ lại khoảng thời gian khiếu kiện vì chưa đồng thuận cao với chủ trương cũng như đơn giá bồi thường, bà Dung nhận thấy có những việc làm chưa đúng đắn. Khi thông hiểu chủ trương, giờ đây, bà trở thành một trong những tuyên truyền viên tích cực, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân khác đồng thuận chủ trương, chính sách để bàn giao mặt bằng thực hiện DA.
Theo bà Dung, bà có khoảng 800m2 đất trồng lúa và 950m2 đất thổ cư trong DA. Khi nhận thức rõ ý nghĩa của DA cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, bà thực hiện theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Gia đình bà hy vọng DA sớm đưa vào hoạt động, tạo việc làm, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Được biết, KCN An Nhựt Tân tọa lạc ấp 4 và ấp 5, xã An Nhựt Tân, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Trụ. KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2006, diện tích gần 120ha, cặp sông Vàm Cỏ Đông và Đường tỉnh 832. Đây cũng là KCN đầu tiên của huyện Tân Trụ. Nhờ chính quyền lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh các chính sách hợp lý gắn với lợi ích của người dân, đến nay, KCN hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện.
Gia đình ông Trần Văn Tuấn (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) có hơn 1.000m2 đất bị thu hồi phục vụ DA KCN Hựu Thạnh cũng như Đường tỉnh 830. Lúc mới nhận thông báo bị thu hồi đất làm DA, ông và một số người dân chưa đồng thuận với chủ trương và khiếu nại, khiếu kiện.
Tuy nhiên, qua sự tuyên truyền, vận động, giải thích của địa phương, ông Tuấn chấp thuận chủ trương, bàn giao mặt bằng để thực hiện DA Đường tỉnh 830 và KCN Hựu Thạnh.
Ông Tuấn cho biết: "Giờ đây, tôi nhận thấy quyết định bàn giao đất làm DA là đúng đắn. Đường rộng mở, thuận lợi đủ điều. KCN hình thành không chỉ mang đến diện mạo mới cho địa phương mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển".
Khi tư tưởng được thông suốt, nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của công trình, DA, bà Dung, ông Tuấn cũng như nhiều người dân khác đồng thuận chủ trương, bàn giao đất để các công trình, DA sớm thi công, đưa vào sử dụng, tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.
Cụ thể hóa nghị quyết để tập trung thực hiện
Những năm qua, KT-XH tỉnh phát triển mạnh mẽ. Các ngành, chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Những kết quả đó có sự góp phần của công tác bồi thường, GPMB - “đòn bẩy” đưa KT-XH địa phương vươn lên. Vì thế, tỉnh đã và tiếp tục xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Tỉnh ủy ban hành NQ số 25 nhằm đẩy mạnh GPMB, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch kêu gọi, thu hút đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của NQ đại hội đề ra; đồng thời, bảo đảm đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết.
“NQ số 25 có thể gọi là “kim chỉ nam” để các ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy KT-XH phát triển” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.
Thực tế cũng đã chứng minh, từ khi NQ số 25 được ban hành, công tác bồi thường, GPMB của tỉnh thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển chung của địa phương.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, công tác GPMB trên địa bàn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ các cấp lãnh đạo, nhất là từ khi có NQ số 25 của Tỉnh ủy. Huyện đã cụ thể thành Chương trình số 07 của Huyện ủy để lãnh, chỉ đạo thực hiện.
Các địa phương trong huyện nhất quán, quán triệt tinh thần và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện quyết liệt. Đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, GPMB được bổ sung, có sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể,... Nhờ vậy, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn đạt những kết quả tích cực. Nhiều DA hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực vào sự phát triển KT-XH địa phương.
Huyện Đức Hòa đang GPMB 130 DA với tổng diện tích đất thu hồi hơn 7.528ha, có hơn 24.600 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng. Trong đó, 9 DA triển khai mới với 882 hộ bị ảnh hưởng, diện tích hơn 216ha; 7 DA mới có chủ trương đầu tư, 871 hộ bị ảnh hưởng, diện tích hơn 332ha; 114 DA chuyển tiếp, 22.853 hộ bị ảnh hưởng, diện tích hơn 6.709ha (đã triển khai hoàn thành 10 DA, thông báo chấm dứt hoạt động 17 DA, tiếp tục thực hiện 87 DA, diện tích hơn 6.550ha với 21.765 hộ gia đình/cá nhân bị ảnh hưởng). Từ cuối năm 2020 đến giữa tháng 9/2024, huyện kiểm đếm được 10.378 hộ, diện tích hơn 1.252ha; đã chi trả bồi thường hơn 600ha. Riêng từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 9, huyện chi trả bồi thường hơn 170ha.
Huyện Bến Lức ban hành NQ về nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, tái định cư các DA trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025; xây dựng Chương trình số 10 của Huyện ủy để cụ thể hóa thực hiện NQ số 25 trên địa bàn huyện. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, GPMB hàng năm, trong đó, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng DA và vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ban, ngành của huyện, thời gian, lộ trình thực hiện các bước của từng DA.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, công tác bồi thường, GPMB các DA trên địa bàn huyện được tập trung quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, có DA kéo dài được giải quyết hiệu quả; bàn giao mặt bằng để thi công đối với các công trình, DA trọng điểm của huyện;... Từ khi triển khai NQ số 25 đến khoảng đầu tháng 9/2024, huyện đã chi trả bồi thường cho 3.571 hộ, số tiền hơn 11.768 tỉ đồng, diện tích hơn 976ha.
Riêng đầu năm 2024 đến khoảng đầu tháng 9, huyện chi trả bồi thường 19 DA cho 1.104 hộ dân, số tiền hơn 4.812 tỉ đồng, diện tích hơn 384ha;... Đây là những kết quả rất quan trọng, làm tiền đề, cơ sở để huyện thực hiện tốt hơn công tác bồi thường, GPMB trong những năm tiếp theo, tạo "đòn bẩy" thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển./.
Từ khi Tỉnh ủy ban hành NQ số 25, toàn tỉnh đã chi trả bồi thường được hơn 2.933/4.000ha (đạt 73,35% so với chỉ tiêu NQ số 25). Riêng từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 9, tỉnh chi trả bồi thường hơn 1.343/1.173,6ha (so với chỉ tiêu đăng ký GPMB năm 2024 đạt 114,5%; so với chỉ tiêu phấn đấu GPMB năm 2024 đạt 89,59% (1.343,8136/1.500ha).