Nghị quyết số 36-NQ/TW: Ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến
Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Nghị quyết số 36-NQ/TW xác định, phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế-xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
Nghị quyết số 36 xác định mục tiêu đến năm 2030 nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.
Nghị quyết nêu rõ các nhóm giải pháp nhăm thực hiện các mục tiêu trên. Theo đó, thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.
Hệ thống báo chí chú trọng giới thiệu thành tựu công nghệ sinh học; chủ động tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.
Nghị quyết số 36-NQ/TW đề cập đến nhóm giải pháp thứ hai là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.
Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển, ứng dụng, hiện đại hóa công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước.
“Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học”, Nghị quyết nêu rõ.
Các nhóm giải pháp khác bao gồm xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.