Nghị quyết số 57-NQ/TW: Dữ liệu là 'không khí và ánh sáng' của kỷ nguyên mới
Nghị quyết số 57-NQ/TW đã xác định đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đầu tư dài hạn, coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.
Dữ liệu là nguồn tư liệu sản xuất mới
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm".
Một trong 8 giải pháp mà Tổng bí thư nhấn mạnh cũng liên quan đến dữ liệu. Theo đó, Tổng bí thư chỉ đạo tập trung thúc đẩy các “mũi nhọn” chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06 và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trong năm 2025, đảm bảo 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả; 100% thủ tục hành chính không bị giới hạn bởi địa giới hành chính cấp tỉnh. Đẩy nhanh kết nối và chia sẻ dữ liệu quan trọng trong các lĩnh vực như dân cư, tư pháp, giáo dục, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, phương tiện... Trung tâm dữ liệu quốc gia phải hoàn thành với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống,” dẫn dắt chuyển đổi số toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế số và lực lượng sản xuất hiện đại giai đoạn 2026-2030, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 57-NQ/TƯ.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong.
Là Tập đoàn nhà nước trụ cột trong xây dựng hạ tầng số, tiên phong trong chuyển đổi số, Tập đoàn VNPT đã xác định sẽ cùng một số doanh nghiệp công nghệ trụ cột của nhà giữ vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Đây là những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết 57-NQ-TW.
Theo đó, VNPT và các doanh nghiệp dẫn đầu trong việc phát triển hạ tầng công nghệ số quốc gia, đặc biệt là triển khai mạng 5G, trung tâm dữ liệu và các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Những dự án này không chỉ đảm bảo sự kết nối đồng bộ mà còn thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp này đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và công nghệ bán dẫn. Các đơn vị này chính là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các công nghệ mới vào thực tiễn, giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, VNPT và các doanh nghiệp công nghệ số có vai trò quan trọng trong việc phổ cập công nghệ đến các ngành kinh tế khác, từ y tế, giáo dục, đến nông nghiệp và sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo VNPT khẳng định, việc tiên phong, sẵn sàng thực thi ngay Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như VNPT khẳng định vị thế, trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.
Đồng hành cùng Nghị quyết số 57-NQ/TW
Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra là “đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu; “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh, thành phố có đủ điều kiện”…
Trên thực tế, VNPT đã được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ và hoàn thành việc xây dựng Trục liên thông văn bản Quốc gia; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành và Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. VNPT còn đồng hành cùng các địa phương xây dựng hàng chục Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC) cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng phương án tổ chức, quy chế, chính sách điều hành với các tình huống cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.
Tiến tới mô hình Trung tâm giám sát và điều hành thông minh mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra, VNPT đã xây dựng VNPT iGate 4.0 đáp ứng mô hình hành chính công một cấp, thông minh hóa bằng Chatbot và AI Automation; vnCitizen 3.0 giúp cải thiện trải nghiệm của người dân khi tương tác với chính quyền, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quá trình cung cấp các hệ thống dịch vụ công, phản ánh kiến nghị, cổng thông tin điện tử; VNPT 1022 giúp tương tác và xử lý phản ánh kiến nghị đa kênh là kênh giao tiếp hiệu quả…các giải pháp thông minh này hiện đang được hàng chục địa phương sử dụng có hiệu quả.
Đặc biệt, VNPT đã nghiên cứu, hoàn thiện và cung cấp Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh, thành phố (VNPT Data Lakehouse) giúp Chính quyền điều hành trên dữ liệu hiệu quả trên nền tảng các công nghệ hiện đại nhất.
Về nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra là đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số, bảo đảm kinh tế số các ngành, lĩnh vực chiếm tối thiểu 70% kinh tế số; đẩy mạnh sản xuất thông minh trong các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, thương mại, tài chính, giáo dục, y tế, giao thông, logistics.
Trên thực tế, VNPT đã xây dựng, hoàn thiện và sẵn sàng trong việc đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp phát triển kinh tế số. Trong nông nghiệp, nền tảng nông nghiệp thông minh của VNPT GREEN cung cấp giải pháp toàn trình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản, từ quản lý đầu vào, quản lý vùng sản xuất, chương trình liên kết nông dân, nông dân số, hợp tác xã số, hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống sản xuất minh bạch, đảm bảo chất lượng, thương mại điện tử bán đầu vào, bán đầu ra, kết nối cung-cầu nông sản, truy xuất nguồn gốc… kết nối với các hệ thống thông tin chính phủ nông nghiệp số phục vụ điều hành cho ngành. Việc triển khai hệ sinh thái nông nghiệp số sẽ tự động hình thành dữ liệu xã hội nông nghiệp, mang lại những giá trị về chất lượng, kinh tế cho các bên tham gia nền tảng.
Hay như Hệ sinh thái doanh nghiệp số oneSME là giải pháp chuyển đổi số toàn diện đang hỗ trợ cho hàng ngàn doanh nghiệp và tổ chức quản lý hoạt động tổng thể, bao gồm kế toán tài chính, hóa đơn điện tử và hơn thế nữa trong một không gian làm việc chung có tên gọi Workplace.
Còn Giải pháp thông tin cảnh báo đa thiên tai - VNPT Disaster Warning là giải pháp tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích cảnh báo thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đúng như tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW đề cập. Đồng thời, VNPT đang tích hơp thêm nền tảng môi trường VNPT iEnvironment, VNPT đang dần hình thành bộ giải pháp VNPT Net Zero thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ở nội dung phát triển các nền tảng số an toàn và tăng cường ứng dụng công nghệ số, hình thành công dân số, VNPT đã xây dựng các hệ sinh thái phát triển xã hội số như Bệnh viện thông minh VNPT Home&clinic; Giải pháp Đại học số; Hệ thống Học bạ số/ Học bạ điện tử; vnEdu GoMeet+; Giải pháp về an ninh mạng của VNPT…
Dữ liệu là tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới và giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược dữ liệu quốc gia, là “trái tim” của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, là sự sống của các nền tảng số quốc gia. Việc đồng hành cùng Chính phủ, chính quyền và doanh nghiệp xây dựng, đóng góp, chia sẻ, khai thác có hiệu quả dữ liệu đang là hành động thiết thực để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW.