Nghị quyết 'tam nông' và sự thay đổi ngoạn mục bộ mặt nông thôn ở Bình Dương- Bài 3
Bài 2: Khi nông dân là chủ thể
Bài 3: Nông thôn hiện đại
Từ xã nông thôn mới...
Hôm nay, ai có dịp về những xã được xem là xa nhất của tỉnh Bình Dương như An Linh, An Thái, Minh Hòa... thì không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của những vùng đất này. Đường sá, xe chạy bon bon. Điện, trường, trạm khang trang, người dân phấn khởi. Theo người dân nơi đây, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM như một luồng gió mới thổi bùng lên “sức sống” ở những vùng nông thôn.
Theo thống kê, qua 10 năm thực hiện chương trình (2010- 2020) trên địa bàn tỉnh, 100% xã có đường giao thông từ huyện đến xã, đường trục xã được nhựa hóa. Đường ngõ xóm được bê tông hóa góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Hệ thống trường học các cấp đã và đang được đầu tư hiện đại, khang trang và hầu hết các xã đều có trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân, 100% số xã đều có nhà văn hóa ấp. Chất lượng các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã cũng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hàng năm đều tăng từ 5-7%. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM giai đoạn 2011-2019 trên 25.722 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách chiếm 49,5%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 50,5%).
“Làng thông minh” Bạch Đằng hướng đến sự phát triển bền vững
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh Bình Dương có những bước đi rất sáng tạo. Từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, chú trọng đến chất lượng, chương trình đi đúng hướng, vững chắc. Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan, có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của khu vực nông thôn. Đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh trong việc tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn bên cạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, điểm nổi bật trong thực hiện xây dựng NTM của Bình Dương là không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thành quả rõ nét nhất sau 10 năm xây dựng NTM là đời sống vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương. 100% nhà đạt chuẩn theo quy định Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Và tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Dương, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn ở Bình Dương là 2,1 triệu đồng/ người/tháng, cao hơn Trung ương 1,4 lần.
Hiện tại, Bình Dương đã có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Trong đó, Bình Dương chọn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) xây dựng “Làng thông minh” được kỳ vọng đưa địa phương này trở thành một biểu tượng xanh của tỉnh.
... Đến làng thông minh
Được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai hiền hòa, cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) xanh mướt bởi những ruộng lúa, vườn bưởi trĩu quả. Là địa phương phát triển thuần nông nghiệp, không có nhà máy, xí nghiệp nên dù thời gian qua kinh tế - xã hội phát triển mạnh nhưng Bạch Đằng vẫn giữ được không gian làng quê yên bình vốn có.
Xã Bạch Đằng đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/ người/năm, tăng gấp 1,97 lần so với năm 2014. Xã trở thành điển hình, điểm sáng trong xây dựng NTM của tỉnh. Hiện nay, xã là địa phương được tỉnh chọn để xây dựng thí điểm “Làng thông minh” của TX.Tân Uyên và của tỉnh. Việc triển khai xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng sẽ góp phần đưa công cuộc xây dựng NTM của xã lên một giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết để chương trình đạt hiệu quả thì sự đồng lòng của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, xã sẽ huy động trí tuệ, sự sáng tạo của cộng đồng, chung tay xây dựng “Làng thông minh”. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, gắn với xây dựng “Làng thông minh”, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị, thực hiện kế hoạch cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái. Xã tiếp tục thực hiện ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 vào giải quyết các thủ tục hành chính...; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát huy tốt các lợi thế và nội lực, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài trong xây dựng NTM bền vững, nhằm đạt mục tiêu đưa nông thôn phát triển toàn diện theo hướng văn minh, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn từng bước nâng lên. Phấn đấu đến năm 2025, xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đạt hơn 83 triệu đồng/ người/năm.
Để hiện thực hóa “Làng thông minh”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng, giai đoạn 2020-2025. Theo đó, “Làng thông minh” được xây dựng với mục tiêu tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như công nghệ, nông nghiệp, việc làm, nâng cao năng suất lao động, sự gắn kết của cộng đồng, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch...
Đề án xây dựng NTM kiểu mẫu lồng ghép làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng hướng đến mục tiêu phát triển NTM bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, đồng thời tăng thu nhập trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch, đưa địa phương trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường thiên nhiên. Lựa chọn các giải pháp xây dựng làng thông minh phù hợp với thực trạng, tiềm năng của địa phương để triển khai thực tế. Từ đó xây dựng mô hình và hệ thống các giải pháp “Làng thông minh” tiêu biểu, là điển hình để áp dụng tại các địa phương khác có đặc điểm tương đồng trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án, TX.Tân Uyên sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho xã Bạch Đằng với các giải pháp, như hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, kết hợp tham quan du lịch với sản xuất nông nghiệp; cải tạo hệ thống hạ tầng khung phục vụ cho nông nghiệp và du lịch; xây dựng các tiện ích phục vụ du lịch; các giải pháp về phát triển cộng đồng, nguồn nhân lực… Với các nhóm giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm hiện trạng của xã, có tính khả thi cao, có thể thực hiện và áp dụng theo các giai đoạn phù hợp, không chỉ trong giai đoạn 2021-2025 mà còn hướng đến năm 2030 và sau năm 2040 để tiến trình xây dựng NTM của xã không ngừng nâng cao, phát triển. Dự kiến, tổng kế hoạch vốn thực hiện đề án trên 702 tỷ đồng.
Bạch Đằng sẽ là nơi đáng sống, thân thiện môi trường thiên nhiên, nơi phát triển nông nghiệp thông minh, du lịch sinh thái. Đây sẽ là một biểu tượng xanh cho Bình Dương; đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm, phát triển du lịch cho địa phương, đưa du khách đến gần hơn với TX.Tân Uyên.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Mục tiêu trọng tâm của việc thực hiện Đề án xây dựng làng thông minh Bạch Đằng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương cần bám sát tiêu chí tạo sự đồng lòng và phát huy sức dân cùng địa phương xây dựng làng thông minh Bạch Đằng trở thành một nơi đáng sống. Tuy nhiên, cũng cần phải gìn giữ, phát triển sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương. Đồng thời, đề nghị các sở ngành quan tâm nhiều hơn đến đề án này và cùng địa phương triển khai thực hiện một cách có hiệu quả…