Nghị quyết và nhân sự

Công tác nhân sự là một trong hai nhiệm vụ đặc biệt của mỗi kỳ Đại hội Đảng. Nhiệm vụ kia là hoàn thiện các dự thảo văn kiện để Đại hội ra được nghị quyết đúng với đường lối, chủ trương và phù hợp với thực tiễn. Vì thế nghị quyết và nhân sự có mối quan hệ đặc biệt. Có nghị quyết đúng mà không có nhân sự tốt để đưa nghị quyết vào cuộc sống; cũng như có nhân sự tốt mà không có nghị quyết phù hợp đều dẫn đến hệ lụy khó lường.

Ngày 19-3-2020, Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII đã họp rà soát lại công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh: Công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Đảng bộ và cấp ủy các cấp phải thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, làm tốt công tác nhân sự, đặc biệt nhân sự cấp ủy và Bí thư cấp ủy.

Thực tiễn qua các kỳ Đại hội của Đảng ta từ cấp cơ sở đến Đại hội Đại biểu toàn quốc cho thấy, việc xây dựng và thông qua nghị quyết (nghị quyết đúng, phù hợp) đã khó; việc khó và phức tạp không kém là sáng suốt lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy. Cấp ủy nào cũng quan trọng. Nhưng do chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của từng tổ chức Đảng, thấy rõ, trách nhiệm cấp ủy cấp trên bao giờ cũng nặng nề hơn cấp ủy cấp dưới.

Nhận rõ khâu thiết yếu mang tính quyết định này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, trong đó chú trọng vấn đề nhân sự cấp ủy và việc xây dựng nghị quyết.

Chỉ thị 35 CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ các bước tiến hành xây dựng văn kiện và bầu chọn cấp ủy. Vấn đề cốt lõi của văn kiện là trên cơ sở khoa học, đường lối, quan điểm của Đảng ta, tổng kết thực tiễn, rút ra bài học, kinh nghiệm; đề ra phương hướng lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới. Cùng với nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ấy là vấn đề nhân sự. Con người là nhân tố quyết định sự thành bại của các cuộc cách mạng. Rút kinh nghiệm các khóa trước, kỳ Đại hội này, chúng ta cần làm công tác nhân sự thật nghiêm túc, đúng quy trình. Kiên quyết loại ra khỏi danh sách đề cử, ứng cử (ngay từ vòng đầu) những ai cơ hội chính trị, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm và đặc biệt không đồng thuận với quan điểm đổi mới của Đảng. Chuyện không vui về nhân sự của một số địa phương trong nhiệm kỳ vừa qua là một ví dụ. Bất kỳ cách giải thích nào, rõ ràng, đó là một sự lựa chọn chưa cẩn trọng và thiếu chu đáo. Những người đứng đầu cấp ủy với vai trò vị trí, quyền hạn được Đảng và nhân dân giao, có đồng chí đã không làm tròn nhiệm vụ của mình. Có người vướng vào vòng lao lý. Có người bị kỷ luật Đảng. Lại nữa, có nơi cả tập thể Ban Thường vụ bị kỷ luật. Việc ấy phương hại rất lớn đến danh dự, uy tín của Đảng và ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... của địa phương. Đây là bài học đau đớn, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng.

Thực tế trong nhiều kỳ Đại hội, công tác nhân sự đã được chuẩn bị khá bài bản, nhưng tại sao có những trường hợp “lọt lưới”? Mặc dù khi kiểm tra, kết quả vẫn cho thấy “đúng quy trình”?! Như vậy, để “lọt lưới” có phải là cái “tội” của “đúng quy trình”? Hoàn toàn không phải! “Đúng quy trình” là khuôn khổ, bước đi, biện pháp mà tất cả cấp ủy, tổ chức Đảng phải thực hiện một cách nghiêm túc để chọn ra đúng người, đúng việc, đúng tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy hoặc giao trọng trách. Tuyệt nhiên, “đúng quy trình” không thể áp dụng cho một tổ chức Đảng yếu kém, mất sức chiến đấu hoặc có biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ...

Nhận diện kẻ cơ hội chính trị không dễ. Phát hiện nhóm lợi ích không đơn giản. Thủ đoạn kéo bè, kéo cánh trước đại hội bấy lâu nay được nhắc đến, nhưng không dễ ngăn chặn. Thấy rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội nhiệm kỳ này, các tổ chức Đảng, đảng viên cần nêu cao trách nhiệm chính trị, quán triệt tốt các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và các cấp ủy có thẩm quyền, góp phần xây dựng văn kiện, nghị quyết và sáng suốt lựa chọn những đảng viên ưu tú, đúng tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy các cấp, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh; đủ sức làm hạt nhân lãnh đạo toàn xã hội; xây dựng đất nước ta theo mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

TRẦN THẾ TUYỂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghi-quyet-va-nhan-su-652377.html