Nghị quyết và sự cộng hưởng từ lòng dân
'…Phấn đấu đến hết năm 2025, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho trên 6.500 hộ, tương ứng trên 6.500 vườn' - quyết tâm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.
Những ngày cuối tháng 1, trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới; người người, nhà nhà ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội XIII của Đảng, tại xã Linh Hồ (Vị Xuyên) tỉnh ta tổ chức Lễ phát động cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững năm 2021 - đây được coi là “tiếng trống xung trận”, tạo khí thế, khích lệ tinh thần đưa nghị quyết vào cuộc sống của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Sau lễ phát động này, các huyện Yên Minh, Mèo Vạc… đã ra quân cải tạo vườn tạp với quyết tâm cụ thể hóa một trong ba khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh: “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Đối với tỉnh ta, sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế; đảm bảo sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn. Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 175.844 ha; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 12.780 tỷ đồng; giá trị thu hoạch bình quân trên đơn vị diện tích canh tác cây hàng năm đạt 50 triệu đồng. Thực tế cho thấy, kinh tế vườn hộ là một bộ phận cấu thành kinh tế hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế vườn hộ những năm qua chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có; người dân vẫn để vườn tạp nhiều, chưa thực sự tạo sinh kế và chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhập hàng năm. Một số địa phương như: Thành phố Hà Giang, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê có diện tích vườn hộ lớn, bằng phẳng, điều kiện canh tác thuận lợi; nhưng vườn chưa được quy hoạch bài bản, cơ cấu cây trồng nhiều loại, chưa hợp lý, tập quán canh tác còn truyền thống, năng suất thấp, sản phẩm chủ yếu chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và thu nhập để giảm nghèo cho người dân…
Từ thực tế trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định một trong trong ba khâu đột phá là “Tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”. Ngay sau đại Hội, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05 ngày 1.12.2020 về cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất trên chính mảnh đất vườn của mình; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn cho trên 6.500 hộ tương ứng với trên 6.500 vườn.
Nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, ngày 9.12.2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 58/2020/NQ-HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đối tượng áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện vay vốn với lãi suất bằng 0%; mức vay vốn tối thiểu 10 triệu đồng/hộ và tối đa 30 triệu đồng/hộ; thời gian vay vốn tối đa 30 tháng kể từ ngày được giải ngân… Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch, hướng dẫn lộ trình cụ thể để các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Trước khi ban hành Nghị quyết, tỉnh đã hỗ trợ huyện Vị Xuyên 1,5 tỷ đồng thực hiện thí điểm tại xã Phong Quang để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Xã Phong Quang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt. Sau nửa năm triển khai, xã đã xây dựng được 10 vườn mẫu, trên 200 vườn tạp, biến những vườn, đồi bỏ hoang, cây trồng không hiệu quả thành những vườn cây ăn quả, vườn rau ranh mướt, mang lại giá trị kinh tế tăng gấp nhiều lần. Anh Lương Văn Quỳnh, thôn Lùng Càng, cho biết: “Khi xã có chủ trương, tôi đã đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, trồng Thanh long ruột đỏ trên diện tích 7.000 m2. Dưới tán Thanh long trồng dưa hấu, rau các loại, thả gần 1.000 con gà, đồng thời xây thêm chuồng trại chăn nuôi gần 50 con lợn giống địa phương”.
Từ mô hình của xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên đã nhân rộng phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu ra toàn huyện. Huyện hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 10 triệu đồng thực hiện làm điểm 2 hộ cải tạo vườn tạp để người dân trong xã tham quan, học tập, nhân rộng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị của huyện đỡ đầu các xã đều hỗ trợ các xã 10 – 20 triệu đồng để thực hiện phong trào. Ngay sau khi tỉnh ban hành các nghị quyết và có chính sách hồ trợ, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, toàn huyện đã có gần 300 hộ thực hiện cải tạo vườn tạp; hàng trăm hộ đăng ký thực hiện trong thời gian tới. Các loại cây trồng được lựa chọn cải tạo vườn tạp gồm: Thanh long ruột đỏ, hồng giòn, na, mít, ổi, trám lai, nhãn, rau đậu các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên Đỗ Anh Tuấn cho biết: “Cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã tạo ra phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong toàn huyện. Suy nghĩ của người dân đã có nhiều thay đổi, từ chỗ đất bỏ hoang, trồng cây không hiệu quả, nay bà con biết quý trọng “Tấc đất, tấc vàng”. Qua đó tăng hệ số sử dụng đất, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã thổi luồng gió mới, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Nghị quyết ban hành nhận được sự cộng hưởng rất lớn từ người dân nên nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến nay có trên 12.300 hộ đăng ký thực hiện.