Nghị sỹ Mỹ đề xuất 'trả đũa' nhà sản xuất chip Trung Quốc vì vụ Micron

Bộ Thương mại Mỹ nên áp đặt các biện pháp kiềm chế thương mại đối với nhà sản xuất chip Trung Quốc Changxin Memory Technologies (CXMT), sau khi Trung Quốc hồi đầu tuần này cấm bán một số chip của Micron Technology Inc có trụ sở tại Mỹ.

Các sản phẩm của Micron được cho là có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các sản phẩm của Micron được cho là có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Lời khuyến nghị trên do Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, nghị sỹ Mike Gallagher đưa ra vào này 23/5. Ông Gallagher là một nhà lập pháp có ảnh hưởng tại ủy ban trên và đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Cho đến nay, ông là nhà lập pháp duy nhất kêu gọi Mỹ nên có hành động trả đũa.

Ông cho rằng Bộ Thương mại Mỹ nên ngay lập tức thêm CXMT vào danh sách thực thể và đảm bảo không có công nghệ nào của Mỹ, bất kể thông số kỹ thuật ra sao, có thể được chuyển đến CXMT hoặc các công ty Trung Quốc khác hoạt động trong ngành này.

CXMT là nhà sản xuất chip bộ nhớ DRAM hàng đầu của Trung Quốc. Công ty này nhiều khả năng được hưởng lợi lớn nhất nếu Micron bị cấm tiếp cận thị trường chip khổng lồ của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà phân tích tin rằng chip của CXMT chậm hơn hai đến ba thế hệ so với các công ty hàng đầu trong ngành như Micron, Samsung và SK Hynix.

Lời kêu gọi của ông Gallagher được đưa ra chỉ vài tuần sau khi các nhà sản xuất thiết bị chế tạo chip của Mỹ cho biết, họ đã nhận được văn bản giải thích từ các cơ quan kiểm soát xuất khẩu của nước này. Điều này điều này sẽ cho phép họ vận chuyển nhiều công cụ đến Trung Quốc hơn so với dự kiến ban đầu.

Các hạn chế do cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc áp lên Micron là diễn biến mới nhất trong tranh chấp thương mại ngày càng mở rộng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cơ quan giám sát an ninh mạng Trung Quốc (CAC) ngày 21/5 cho biết, các sản phẩm của công ty sản xuất chip Micron không vượt qua được cuộc đánh giá an ninh mạng. Vì vậy, CAC yêu cầu các nhà điều hành "cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" ngừng mua sản phẩm của Micron.

Theo đánh giá của CAC, các sản phẩm của Micron "tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề an ninh mạng tương đối nghiêm trọng, dẫn tới rủi ro bảo mật lớn đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Trung Quốc và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc". Tuy nhiên, CAC không nêu cụ thể những rủi ro cũng như những sản phẩm của Micron chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này.

Động thái của Trung Quốc đã khiến các nhà lập pháp chủ chốt và Nhà Trắng đưa ra những ngôn từ cứng rắn.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên cùng ngày thứ Ba rằng, thông báo gần đây của Trung Quốc về Micron là "không dựa trên thực tế". Về phần mình, Nhà Trắng cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã "trao đổi trực tiếp" với Trung Quốc về Micron - một nhà sản xuất chip nhớ cần thiết cho hàng loạt sản phẩm, từ điện thoại di động đến máy chủ trung tâm dữ liệu.

H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghi-sy-my-de-xuat-tra-dua-nha-san-xuat-chip-trung-quoc-vi-vu-micron-20230524124202338.htm