Nghi thức tang lễ của các Giáo hoàng: lịch sử và hiện đại
Vào ngày 21/4/2025, ngày lễ trọng của Giáo hội Công giáo La Mã, Đức Giáo hoàng thứ 266, Francis, qua đời ở tuổi 89. Trước đó, ngài đã ban hành chỉ thị một lần nữa cải cách và đơn giản hóa nghi thức tang lễ xa hoa của các Giáo hoàng đã tồn tại suốt hàng thế kỷ. Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu một số nghi thức tang lễ của các giáo hoàng từ xưa đến nay.
Những truyền thống Trung cổ
Giáo hoàng cuối cùng được an táng theo nghi thức Trung cổ đầy đủ là Leo XIII, qua đời năm 1903. Ngay sau khi Ngài băng hà, các bác sĩ bắt đầu ướp xác để bảo quản thi thể trong khí hậu nóng ẩm của vùng Địa Trung Hải vào những ngày tiễn biệt.


Thi hài của Giáo hoàng Francis được chuyển đến Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Để thực hiện thủ tục này, tất cả các cơ quan nội tạng của Giáo hoàng được lấy ra khỏi cơ thể và đặt vào các bình quý, rồi chôn dưới bàn thờ chính của nhà thờ Santi Vincenzo và Anastasio, đối diện với đài phun nước Trevi nổi tiếng.
Sau khi được ướp xác, thi hài Giáo hoàng quá cố được mặc trang phục tương xứng với phẩm vị của Ngài, gồm áo chùng trắng bằng vải moaré, áo choàng nhung viền lông chồn, áo khoác mozetta đỏ tươi và mũ cùng chất liệu. Sau đó, thi hài được đặt trong phòng riêng của Giáo hoàng để cử hành nghi lễ tiễn biệt với sự hiện diện của những người thân cận nhất.
Sau đó, thi hài được thay bằng bộ lễ phục màu đỏ, như thể Giáo hoàng đang cử hành Thánh lễ và được đặt trong nhà nguyện phụ - nhà nguyện Bí tích Thánh Thể trên xe tang cao, nghiêng để mọi người có thể đến viếng người đã khuất.
Những thay đổi đầu tiên
Chỉ 11 năm sau khi người kế nhiệm của Giáo hoàng Leo XIII, Giáo hoàng Pius X qua đời, nghi thức tang lễ bắt đầu có những thay đổi. Với bản tính khiêm nhường, ngoan đạo và bảo thủ, Giáo hoàng Pius X mong muốn sau khi chết, cơ thể Ngài không phải chịu bất kỳ can thiệp nhân tạo nào, và ra lệnh hạ thấp xe tang xuống một chút.

Lễ tiễn biệt Giáo hoàng John Paul II năm 2005.
Việc thiếu thủ tục ướp xác buộc các quan nghi lễ rút ngắn lễ tiễn biệt từ 3 ngày xuống còn 8 giờ.
Ngày 1/1/1922, Giáo Hoàng tiếp theo - Benedict XV - qua đời ở tuổi 68 do biến chứng phổi đột ngột. Thủ tục an táng Ngài hoàn toàn tuân theo các truyền thống của người tiền nhiệm, chỉ khác là thi thể vẫn được ướp xác, cho phép tiến hành lễ tiễn biệt đúng theo thời gian quy định.
Không có thay đổi lớn nào sau cái chết của Giáo hoàng tiếp theo, Pius XI, tuy nhiên một nghi lễ cổ xưa đã bị bãi bỏ. Kể từ khi Giáo hoàng qua đời cho đến khi bầu ra Giáo hoàng mới, toàn bộ quyền lực được trao cho Hồng y Nhiếp chính, người có nhiệm vụ xác nhận cái chết của Giáo hoàng bằng cách 3 lần chạm một chiếc búa nhỏ bằng bạc vào trán người đã khuất, đồng thời gọi tên Ngài.
Bức ảnh chụp năm 1939 mô tả không chính xác lắm khoảnh khắc ấy. Trên thực tế, Hồng y Nhiếp chính lúc bấy giờ đã nhận chiếc búa từ tay quan nghi lễ, nhưng sau khi hỏi những người có mặt: "Các vị thấy điều này có phù hợp không?", đã từ chối chạm vào trán Giáo hoàng quá cố và chỉ gọi tên Ngài.
Do một sự trùng hợp, Hồng y Nhiếp chính đã trở thành Giáo hoàng kế nhiệm - Đức Pius XII, người cũng từ chối tiến hành mọi thủ tục ướp xác trước khi qua đời. Hơn nữa, Giáo hoàng qua đời không phải tại Vatican mà tại dinh thự mùa hè của Ngài ở Castel Gandolfo vào năm 1958, khiến thời gian vận chuyển thi hài kéo dài và gây ra những thay đổi không thể đảo ngược.

Các hồng y niêm phong quan tài thứ 2 bằng kẽm của Giáo hoàng John Paul II năm 2005 .
Vì vậy, quyết định được đưa ra là đặt thi hài của Giáo hoàng trên một chiếc xe tang thật cao và không ở nhà nguyện phụ, mà ngay trước bàn thờ trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter, để những người đưa tiễn không thể đến quá gần Ngài. Gương mặt của Giáo hoàng thay đổi nhiều sau khi qua đời, đã được che bằng một mặt nạ silicone.
Từ thời điểm đó, truyền thống trưng bày thi hài của các Giáo hoàng tại bàn thờ trung tâm của nhà thờ chính đã được thiết lập.
Điều tương tự cũng diễn ra vào năm 1963 với Giáo hoàng John XXIII. Trong trường hợp của Ngài, ngược lại, thủ tục ướp xác được thực hiện ngay trong những phút đầu tiên bằng phương pháp tiêm thuốc mới được phát minh, đã giúp bảo quản thi hài Ngài một cách hoàn hảo. Hoàn hảo đến mức sau hơn nửa thế kỷ, thi hài Ngài vẫn còn nguyên vẹn tại Vương cung thánh đường Thánh Peter mà hầu như không có sự can thiệp nào.
Những cải cách trên quy mô lớn
Năm 1978, Giáo hoàng tiếp theo là Paul VI qua đời. Trong suốt 15 năm trị vì của Ngài, Giáo hội đã trải qua một cuộc cải cách quy mô lớn, ảnh hưởng đến gần như tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội. Từ đó, Giáo hội bắt đầu chú trọng vào sự đơn giản và phù hợp với tinh thần thời đại. Nhiều truyền thống Trung cổ đã bị bãi bỏ. Điều này cũng ảnh hưởng đến tang lễ của các Giáo hoàng. Theo nguyện vọng cá nhân của Giáo hoàng Paul VI, toàn bộ nghi thức tang lễ đã được xem xét lại, và chính Ngài đã chọn cách xuất hiện trước tín đồ lần cuối không phải trên xe tang, mà trên một chiếc giường thấp và đơn giản, không có những phụ kiện hoa lệ. Giáo hoàng nằm khiêm tốn trên một tấm thảm Ba Tư, thấp hơn nhiều so với một người đang đứng.

Thi hài của Giáo hoàng John Paul II được hạ xuống mộ trong 3 chiếc quan tài.
Từ đó, nghi thức tiễn biệt Giáo hoàng quá cố này đã trở thành quy chuẩn duy nhất trong nhiều thập kỷ. Giáo hoàng John Paul I, người chỉ trị vì một tháng và qua đời đột ngột vào 1978, và người kế nhiệm của Ngài, Giáo hoàng John Paul II qua đời năm 2005, đã được an táng theo cách tương tự.
Giáo hoàng tiếp theo, Benedict XVI, kết thúc triều đại của mình không phải bằng cái chết mà bằng quyết định thoái vị vào năm 2013 do tuổi cao. Sau khi qua đời năm 2022, Ngài được an táng theo nghi thức giản dị tương tự như 3 người tiền nhiệm, khiêm tốn và không có nghi lễ xa hoa thời Trung cổ.
Sự khác biệt của lễ tang Giáo hoàng Francis
Lễ tiễn biệt Giáo hoàng Francis được tổ chức theo một nghi thức mới, do chính Ngài phê duyệt năm 2024. Đó là văn bản Ordo Exsequiarum Romani Pontificis, nghĩa là "Nghi thức tang lễ của Giáo hoàng La Mã". Văn bản này được công bố vào năm 2000 và được áp dụng làm chuẩn mực cho các lễ tiễn biệt Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI.
Sự khác biệt lớn nhất của nghi lễ mới là thi hài của Giáo hoàng không được đặt trong 3 chiếc quan tài lồng vào nhau, chiếc sau lớn hơn chiếc trước. Giáo hoàng đầu tiên đến từ Tân thế giới yêu cầu chôn cất Ngài trong một chiếc quan tài gỗ duy nhất, có chèn các lớp kẽm bên trong. Người ta cho rằng kim loại sẽ làm chậm quá trình phân hủy cơ thể. Như vậy, thi hài của người đứng đầu Giáo hội Công giáo sẽ được bảo vệ khỏi tình trạng phân hủy nhanh trong khả năng có thể.
Một điểm khác trong nghi thức mới là thi hài của Giáo hoàng không được đặt trên nhiều chiếc gối cao, mà ngay lập tức được đặt vào quan tài gỗ.
Tất cả những thay đổi này đều nhằm mục đích cho thế giới thấy rằng người ta đang an táng một môn đồ của Chúa Kitô và một người chăn chiên khiêm nhường, chứ không phải một người có quyền lực và sức mạnh to lớn, như Diego Ravelli, chuyên gia tổ chức các nghi lễ tôn giáo của Vatican phát biểu trên tờ “Vatican News”.
3 chiếc quan tài
Trước đây, các Giáo hoàng thường được an táng trong 3 quan tài, một chiếc làm bằng gỗ bách, một chiếc làm bằng kẽm và một chiếc làm bằng gỗ du. Những quan tài này được xếp lồng vào nhau, giống như những con búp bê Matryoshka, và quan tài thứ ba là lớn nhất. Mỗi quan tài mang một biểu tượng.
Quan tài bằng gỗ bách. Ngày 23/4/2025, thi hài của Giáo hoàng Francis được đưa đến Vương cung thánh đường Thánh Peter trong một chiếc quan tài đơn giản bằng gỗ bách, nơi sẽ diễn ra lễ tưởng niệm Giáo hoàng kéo dài 3 ngày.
Đây là chiếc quan tài “đơn giản", tượng trưng cho việc Giáo hoàng cũng là người phàm như bao người khác. Trong quan tài này, ngoài thi hài của Giáo hoàng, còn có bản sao bài điếu văn và 3 túi tiền: một túi tiền vàng, một túi tiền bạc, và một túi tiền đồng. Mỗi túi có số lượng tiền tương ứng với số năm Giáo hoàng đã trị vì. Ví dụ, trong quan tài gỗ bách của Giáo hoàng John Paul II có 26x3=78 đồng tiền. Trước khi đặt vào quan tài kẽm, quan tài bằng gỗ bách được niêm phong và buộc bằng ba dải băng.
Quan tài kẽm. Trong chiếc quan tài lớn này, người ta đặt các tài liệu quan trọng do Giáo hoàng ký, cùng với chiếc Nhẫn Ngư phủ, một trong những biểu tượng chính của quyền lực Giáo hoàng. Chiếc nhẫn này khắc họa hình ảnh Thánh Peter đang câu cá, sẽ được Hồng y Nhiếp chính (người đứng đầu kho bạc Vatican và là người tạm quyền giữa hai triều đại Giáo hoàng) phá hủy ngay sau khi Giáo hoàng qua đời. Thông thường, chiếc Nhẫn Ngư phủ sẽ bị đập vỡ bằng búa.
Trên quan tài bằng kẽm, người ta khắc hình đầu lâu và xương chéo, biểu tượng phổ biến của cái chết và sự phù du của kiếp người.
Quan tài bằng gỗ du. Gỗ du là loại gỗ quý nhất trong tất cả các loại gỗ có sẵn ở Roma, vì vậy, chiếc quan tài thứ ba này tượng trưng cho quyền lực và uy thế của Tòa Thánh. Trước khi đóng nắp chiếc quan tài thứ ba và lớn nhất bằng những chiếc đinh vàng, vị giám mục chịu trách nhiệm về các tuyên bố chính thức của Giáo hoàng sẽ đọc danh sách các thành tựu của Giáo hoàng. Sau đó, bản danh sách này được cuộn vào một ống đồng và đặt trong quan tài. Nhờ tục lệ cổ xưa này, nhiều tài liệu của Giáo hội thời kỳ đầu đã được bảo tồn.
Quy trình này không chỉ để bảo vệ hài cốt của Giáo hoàng khỏi sự phân hủy không thể tránh khỏi mà còn nhấn mạnh tính hai mặt của hình tượng này - mỗi Giáo hoàng vừa là tôi tớ tội lỗi của Chúa Kitô, vừa là người sở hữu quyền lực to lớn ngang bằng với những nhà cai trị hùng mạnh nhất thế giới.