Nghĩ trên đường Thiện Nghiệp…
Thuở trước, trên đường đi vào phương Nam, có những người 'Ngũ Quảng lưu dân' tấp vào 2 bên của 1 doi đất vươn ra phía biển mà sau này cái mũi đó được mang tên Mũi Né, một tên gọi của người Chăm (Vị Nê) được Việt hóa. Một bộ phận dân cư không làm nghề biển thì băng qua ngút ngàn động cát, tụ cư theo các bàu nước, khai hoang mở đất lập vườn, dọn rẫy. Trong kháng chiến chống Pháp vùng đất ấy thuộc khu căn cứ Lê Hồng Phong, trong kháng chiến chống Mỹ là huyện Thuận Phong. Sau ngày giải phóng thành lập xã Hồng Phong và xã Hàm Tiến trực thuộc huyện Hàm Thuận. Đến năm 1983, xã Hồng Phong được sáp nhập vào huyện Bắc Bình và xã Hàm Tiến thì thuộc thị xã Phan Thiết.
Nghĩ trên đường Thiện Nghiệp…
Cũng từ năm ấy tôi biết Tú Minh - Bí thư Đảng bộ Thiện Nghiệp hiện nay. Anh từ trong Bàu Me ra làm cán bộ xã Hàm Tiến, đóng ở chợ Rạng, năm ba bữa mới về nhà bởi một lý do chính là phải lội bộ qua 1 cái động cát và con đường đất cát dài 5, 7 km. Còn tôi thì thường xuyên theo anh em Đội chiếu bóng số 16 và Đội Thông tin lưu động thị xã về phục vụ 3 thôn vùng Bàu. Ngày đầu tiên, chúng tôi vừa ra tới ủy ban xã là viết giấy gửi cho bà con trong đó đang đi chợ Rạng mang về báo cho hợp tác xã (lúc đó đã xây dựng hợp tác xã nông nghiệp) cho xe bò ra chở âm thanh, nhạc cụ, máy nổ, máy chiếu… Tất cả chất đầy trên 1 chuyến xe bò, còn người thì phải lội bộ, đây cũng là thử thách đầu tiên cho các cô “ca sĩ” vốn dĩ lớn lên trong phố phường thị xã. Đêm đầu tiên phục vụ ở khu vực Bàu Me, đêm thứ 2 qua Bàu Sen, đêm thứ 3 vô tuốt trong Bàu Ron, Bàu Tàng. Đó là những đêm trời không mưa, còn nếu chiều mà trời un mây mưa xuống thì đành chịu, có khi phải lòng vòng cả 10 ngày, nửa tháng… Mọi người rất mong trời mưa xuống để cho những hạt mầm trong vùng rẫy thấm đất vươn lên, mà cũng mong cho trời tạnh ráo để buổi xem phim, xem văn nghệ cho trọn vẹn…
Nhiều lần Tú Minh tâm sự với tôi: “… Gia đình tôi cũng như bao người khác trong xã, đàn ông gánh nước, vợ và mẹ thì gánh thức ăn mỗi khi đi làm rẫy cách nhà 5 – 10 km, chỉ những hộ khá giả mới có xe bò, xe min-khơ vận chuyển nông sản từ rẫy ra. Về chuyện bán nông sản, cứ khoảng 3, 4 giờ sáng, phụ nữ trong xã phải gánh nông sản đi bộ từ 5 - 7 km đến chợ Mũi Né trước lúc trời sáng. Khi 2 bên trao đổi được giá, người bán phải gánh tới nhà người mua rồi mới nhận tiền, mới đến chợ mua thức ăn rồi gánh về nhà lúc giữa trưa”.
Hơn ai hết, tôi hiểu rõ về lời than vãn nỗi khổ “đường sá” vùng này của Bí thư Tú Minh. Bởi trong đoàn người di dân vào khai hoang lập ấp có ông cố ngoại tôi, ông không ở làng biển mà vượt qua những động cát, những cái bàu nước, vòng qua chân 1 ngọn núi, 1 vùng đất tương đối bằng phẳng hiện ra thích hợp cho những người vỡ ruộng cấy cày như ở ngoài quê cũ. Đó cũng là một vùng đất cũ của người Chăm có tên gọi Sa Ra, nằm dưới chân một ngọn núi có tên gọi núi Tà Dôn. Sau này là làng Tùy Hòa thuộc tổng Lại An, phủ Hàm Thuận; bây giờ là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Tôi được nghe kể lại, từ thuở lên 10 mẹ tôi đã theo bà ngoại cùng với người làng cả nam lẫn nữ từ nửa đêm mỗi người 1 gánh gạo hay khoai nọc, đậu mè, dưa thơm… những sản vật của vùng ruộng rẫy, leo lên động cát qua vùng Rẫy Thơm tới Giếng Triền, rồi một con đường mòn vào rừng um tùm lùm bụi hiện ra. Tại đây người ta xây 1 cái “miếu Ông Hổ” để thờ ông. Đoàn người dừng lại thắp nhang, xong gánh lên vai lấp xấp chạy qua, chân không bất kể gai góc, đã thấy những ngôi nhà tranh hiện ra ở khu vực Bàu Sen, rồi nhắm Bàu Me đi tới, băng qua chập chùng động cát mới tới chợ Rạng, rồi từ chợ Rạng ra chợ Mũi Né tiếng là đường cái sứ nhưng cát là cát, băng qua cái dốc bà Banh thì trời sáng tỏ. Như vậy đoàn người đã gánh gánh đi từ núi Tà Dôn ra động Mũi Né, đi chân không qua đường rừng, động cát, đi qua trọn xã Thiện Nghiệp ngày nay từ Tây sang Đông, ước chừng trên 10 km. Tan buổi chợ, đã trưa, lại mỗi người 1 gánh cá lên vai, đi ngược lại cho kịp buổi chợ chiều của miệt Sa Ra.
Để rồi, không biết từ thuở nào tromg một lần nghỉ chân 1 người nào đó nói vui: “Cá hôi mũi né – Trâu báng xa ra”. Trời ơi! Thật tuyệt vời các tác giả dân gian sáng tác từ câu: “Cá hôi Mũi Né, Trâu bán Sa Ra”. Cá hôi thì mũi phải né chớ sao, còn trâu nó báng thì phải xa ra là đúng rồi. Tuyệt vời hơn là ai muốn ăn cá mắm thì cứ ra Mũi Né (hồi đó chữ “hôi” thật nhẹ nhàng không phải như “hôi của” ngày nay, ai muốn có cá ăn thì cứ ra Mũi Né đeo cái đai vô xúm kéo lưới rùng, hoặc xúm vô gánh cá, gỡ cá, khiêng cá thì được chia 1 phần ngay). Còn muốn sắm 1 cặp trâu đi rừng cho tốt thì cứ lên Sa Ra có cái chợ buôn bán trâu, bò là có ngay, tha hồ mà chọn (trong kháng chiến chống Pháp, ngày 14/4/1953, bộ đội ta tấn công tiêu diệt chi khu Mũi Né phá hủy toàn bộ hệ thống đồn bót gồm 2 đồn, 11 lô cốt, nhân dân khu Lê Hồng Phong đã huy động 10 xe trâu chở chiến lợi phẩm về căn cứ, trong đó có khẩu pháo 94 ly). Song, có người kéo niềm vui về thực tại: “Hết hơi Mũi Né, Rục cẳng Sa Ra”…
Qua nhật thực toàn phần 24/10/1995 hoạt dộng du lịch ở Hàm Tiến, Mũi Né bắt đầu phát triển. Đến năm 2001, xã Hàm Tiến lên phường, vẫn giữ lại tên Hàm Tiến vì đã trở thành thương hiệu du lịch; còn vùng đất các Bàu tách ra thành lập xã mới nhưng mang tên cũ của ngày xưa là xã Thiện Nghiệp. Làng Thiện Nghiệp xưa thuộc hạt Mũi Né, tổng Thạch An, phủ Hàm Thuận, đình làng được xây dựng ở khu vực Bàu Me, rất tiếc trong tiêu thổ kháng chiến đã bị phá đi, sau ngày giải phóng bà con dựng lại ngôi nhà cấp 4 trên nền đất cũ làm nơi thờ phụng thành hoàng và các bậc tiền hiền đã có công khai hoang lập ấp, hiện bà con còn giữ được 12 sắc phong của triều Nguyễn kể từ thời vua Tự Đức thứ 5 (Tự Đức Ngũ Niên).
Rồi cú hích “Chương trình thực hiện Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” đã đến… Có một ngày chúng tôi về thăm lại xã, xe êm ru trên con đường liên thôn đã được nhựa hóa. Từ khu vực Bàu Sen qua khu vực Bàu Me chỉ hơn chục phút, ghé thăm Bàu Chát rồi qua Thiện Hòa thăm lại Bàu Quy. Đây là vùng trũng của của xã Thiện Nghiệp, có 30 ha trồng lúa được 3 vụ và những vườn dừa xanh rợp bóng, ngày xưa chúng tôi chỉ đi được tới đầu thôn Thiên Trung tìm bãi đất trống làm nơi diễn văn nghệ, chiếu phim, không vào sâu được vì con đường làng nhỏ xíu. Ngày nay đường đã được mở rộng, mà lại nhựa hóa nữa, đường rợp bóng dừa, 2 bên nhà cửa khang trang sạch đẹp.
Qua mở mang đường sá, thuận tiện cho việc đi lại từ nhà ra rẫy, từ rẫy về nhà, rồi từ nhà ra chợ và người Thiện Nghiệp vô Phan Thiết, ra Mũi Né, lên chợ Sa Ra làm ăn buôn bán một cách thuận lợi “sáng đi, chiều về”. Bí thư Trần Tú Minh kết lại “…cũng từ đây, phụ nữ Thiện Nghiệp giã từ đôi gánh, thôi lội bộ qua những động cát dưới nắng hè như đổ lửa”.
Hôm nay, cùng với đường nội xã, Thiện Nghiệp đã có đại lộ 706 B mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nối Phú Hài ra Mũi Né chạy ngang. Mũi Né bây giờ là Khu du lịch quốc gia của một quần thể “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” với hàng trăm resort nghỉ dưỡng. Con đường mà ngày xưa mẹ tôi gánh gánh chân không thì ngày nay xe đã bon bon từ quốc lộ 1 chân núi Tà Dôn ra Mũi Né. Rồi đây sân bay Phan Thiết cũng nằm trên địa bàn Thiện Nghiệp. Và nước Đại Ninh xuôi dòng sông Lũy từ Lương Sơn cũng về tới Hồng Phong - Thiện Nghiệp… mở ra một thế mới cho vùng đất cũ. Có phải vì vậy mà “cò đất” khắp nơi đã ào ào bay về Thiện Nghiệp, tạo nên cơn sốt đất “ảo”!?. Tất nhiên rồi Thiện Nghiệp và cả vùng cũng sẽ “đô thị hóa”, nhưng phải là “đô thị hóa của Thiện Nghiệp”, tôi cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn: Làm sao cho Thiện Nghiệp đi lên bằng chính đôi chân “băng rừng lội cát” của mình !?.
Tôi mơ thấy trên con đường mẹ tôi gánh gánh lội bộ ngày xưa, có những chiếc xe trâu, xe bò bánh gỗ, bánh hơi hoặc có thêm xe ngựa chậm rãi đi dưới vườn dừa, vườn bạch đàn rợp bóng mát, trên xe là những người khách nước ngoài, cũng như khách trong nước nói cười vui vẻ. Còn ai không thích đi xe thì cứ lội bộ! Họ lội qua suối Tiên với đôi chân mát rượi, có nguồn nước từ lòng cát trong vắt chảy ra. Họ nghỉ lại trong những ngôi nhà “homestay” thân thiện gỗ dừa soi bóng bên những bàu nước trong xanh. Qua những lần tung tăng cùng biển Rạng, thở dốc cùng đồi cát Mũi Né, họ lại thư thả trên con đường Thiện Nghiệp như vậy đó!...
VÕ NGỌC VĂN