Nghị trường 'nóng' nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong ngày 21/8, nghị trường đã 'nóng' với nhiều ý kiến chất vấn, trả lời chất vấn và ý kiến tranh luận của các đại biểu.

Trong buổi sáng, các Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch; Bộ Công thương đã “ngồi ghế nóng” trả lời các chất vấn của đại biểu.

Đại biểu đầu cầu Cà Mau dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 21/8.

Đại biểu đầu cầu Cà Mau dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 21/8.

Lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên được các đại biểu nêu ý kiến chất vấn ở một số nội dung đang được cử tri, dư luận quan tâm như: việc bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu, bảo đảm an ninh năng lượng; nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng, dầu; việc điều hành giá xăng, dầu; hiệu quả của công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa; phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất, nhập khẩu hàng hóa; quản lý giá điện, cơ chế giá điện có lợi cho người dân; chính sách cho điện năng lượng mặt trời...

Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan được chất vấn ở các nội dung: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; việc thực hiện các Đề án trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; việc phê duyệt một số quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp; việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy sản; việc kiện toàn lực lượng kiểm ngư; công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo; việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho một số ngành hàng chủ lực của đất nước...

Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho một số ngành hàng chủ lực của đất nước được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh minh họa: Tôm, cua là các ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau).

Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho một số ngành hàng chủ lực của đất nước được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh minh họa: Tôm, cua là các ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng được chất vấn với các nội dung: việc triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 06/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch; việc thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển du lịch; việc phát triển các sản phẩm du lịch; nhân lực trong lĩnh vực du lịch; việc ban hành và triển khai các quy hoạch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; việc huy động nguồn lực phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Theo đánh giá của chủ tọa phiên họp, trong nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực NN&PTNT; văn hóa, thể thao và du lịch; công thương, các đại biểu và các bộ trưởng đã thể hiện đúng tinh thần “hỏi đúng, đáp trúng” các vấn đề “nóng” mà cử tri quan tâm. Đặc biệt, các “tư lệnh ngành” đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, nắm chắc lĩnh vực phụ trách, giải đáp, thông tin đầy đủ, thỏa đáng những ý kiến chất vấn.

Trong buổi chiều 21/8, các “tư lệnh ngành” Bộ Nội vụ, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ “ngồi ghế nóng” nghị trường.

Với lĩnh vực nội vụ, đại biểu tập trung vào các nhóm vấn đề: việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Trong đó có việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư; việc lập mới, chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, bản đồ địa giới đơn vị hành chính các cấp; việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và phân loại đô thị. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp được các đại biểu tập trung vào nhóm vấn đề: việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp; việc thi hành án hành chính; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội được các đại biểu nêu ý kiến chất vấn về các nội dung: công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm tham nhũng, kinh tế; vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; việc giải quyết tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố; công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy; công tác quản lý Nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú; vấn đề chuyển đổi số, dịch vụ công quốc gia.

Lĩnh vực thanh tra các vấn đề được tập trung như: việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Lĩnh vực tòa án ý kiến chất vấn tập trung vào các vấn đề: giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; công tác cán bộ của ngành Tòa án; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ngành Tòa án; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư ngành Tòa án do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án.

Lĩnh vực tòa án tiếp tục được nghị trường Quốc hội dành sự quan tâm, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án. (Trong ảnh: Phiên xét xử tòa án hình sự của Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau).

Lĩnh vực tòa án tiếp tục được nghị trường Quốc hội dành sự quan tâm, trong đó có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án. (Trong ảnh: Phiên xét xử tòa án hình sự của Tòa án Nhân dân tỉnh Cà Mau).

Lĩnh vực kiểm sát, nghị trường sôi nổi với các ý kiến với các nội dung: giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; công tác cán bộ của ngành Kiểm sát; việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư ngành Kiểm sát do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát.

Ngày mai, 22/8, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc trong buổi sáng và bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra.

Quốc Rin

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghi-truong-nong-nhieu-van-de-cu-tri-quan-tam-a34061.html