Nghĩ và sống chậm
Hai tuần nay, thực hiện 'cách ly xã hội', người dân bắt đầu ở nhà nhiều hơn. Bên cạnh những khó chịu, đặc biệt đối với người đã quen chân đi thì nhiều người vẫn có thể tìm ra niềm vui trong những ngày thực sự sống chậm.
Chậm để làm mới mình
Làm việc tại một công ty giao nhận nước ngoài, chị Lâm Thu Hương (32 tuổi, Công ty Giao nhận D.K.H., quận 7) chấp nhận nghỉ, trước mắt là một tháng, để phòng dịch Covid-19. Nhiều đồng nghiệp chị than ngắn, thở dài; nhiều người chọn về quê hay chuyển qua kinh doanh online tạm thời. Riêng chị lại nhẹ tênh: “Nhiều năm đi làm cũng quá mệt mỏi và áp lực, tiền kiếm không quá nhiều nhưng cũng đủ sống vài tháng nữa, nếu dịch chưa qua. Vậy nên, tôi chọn những ngày sống thật chậm ngay chính trong nhà mình để tận hưởng cuộc sống”.
Ba ngày một lần, chị Hương đi siêu thị mini gần nhà, mua sắm vừa đủ cho một người độc thân. Ăn uống thì đơn giản, mua ít thịt, cá làm đồ mặn, còn rau thì bấy lâu có trồng ở ban công cũng đủ ăn lai rai. Phần lớn thời gian, chị Hương lên mạng tìm hiểu các quyển sách hay để chọn mua, đọc ebook, tập yoga theo clip trên YouTube. Đặc biệt hơn cả là chị có thời gian mày mò học đồ họa vi tính. “Có những thứ tưởng đơn giản lắm nhưng mãi mới thực hiện được. Lúc trước, tôi đọc quyển sách dễ đến 2-3 tháng, đọc xong vài hôm lại quên mất tình tiết cũ. Nay, một cuốn sách về triết lý sống, tôi đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm chừng 3-4 ngày là xong, nhưng thông điệp trong đó thì nhớ mãi, bởi có thời gian để chiêm nghiệm”, chị Hương tâm sự.
Cũng trong những ngày thực hiện “cách ly xã hội”, nhiều người lại chăm chỉ làm những việc mà cả năm qua họ không thể làm vì nhiều lý do, như bận việc, lo đi uống cà phê, nhậu nhẹt với bạn bè. Anh Trần Tùng Linh, giáo viên một trung tâm dạy tiếng Hàn ở quận 3, chia sẻ: “Con gái tôi 6 tuổi, nhưng tôi chưa một lần ngồi cùng con học chữ hay chơi đùa. Tính tôi bận rộn đi dạy chính khóa, rồi dạy thêm, thời gian rảnh đi tập nhảy hay cà phê bạn bè. Vợ tôi lo nội trợ cũng thông cảm cho chồng. Vậy nhưng, khi ở nhà từ ra tết tới giờ, tôi mới vỡ lẽ rằng, bấy lâu nay mình thật vô cảm, với vợ với con và với cả chính mình. Giờ tôi thấy chuyện phụ vợ rửa chén hay cho con đi tắm không còn là nghĩa vụ, là chuyện gì không đáng mặt đàn ông. Sống chậm gần 3 tháng nay mới thấy, cuộc sống chia sẻ như hiện tại mới là hạnh phúc”.
Thay đổi bản thân
Những ngày “cách ly xã hội” tưởng chừng chỉ là câu chuyện ứng phó với dịch bệnh, nhưng với một số bạn trẻ đây là khoảng thời gian để suy nghĩ nhiều hơn về sở thích, tư duy để rèn luyện một lối sống xanh và lành mạnh. Lướt qua mạng xã hội, niềm vui từ việc vào bếp, cắm hoa, đọc sách, chăm cây… được nhiều bạn trẻ hưởng ứng và chia sẻ những bí quyết để sống chậm cùng nhau trong những ngày hạn chế đi lại.
Người trẻ vốn được biết đến với sự nhanh nhạy và năng động trong các hoạt động bên ngoài xã hội, tuy nhiên khi cần phải thay đổi, nhiều bạn trẻ đã nhanh chóng tìm cách thích nghi để bản thân không rơi vào trạng thái chán nản. Những lớp năng khiếu sinh động vẫn được duy trì qua màn hình máy tính, điện thoại. Khoảng 6 giờ chiều, điện thoại reo chuông nhắc nhở, Ngọc Anh (25 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 5) mở laptop và bắt đầu buổi học đàn piano. “Lần đầu học online, tôi cũng cảm thấy lạ, sau 3 ngày học thì quen dần, không có giáo viên bên cạnh để cầm tay chỉ việc trực tiếp cũng không sao, có thắc mắc gì cô trò trao đổi trực tuyến. Học trực tuyến cũng có cái lợi, mình ở nhà không mất thời gian đi lại, chưa kể video của buổi học cũng được thu lại, lỡ quên bài chỗ nào thì mở ra xem ngay”, Ngọc Anh chia sẻ.
Lê Minh Thu (26 tuổi, nhân viên bán hàng, ngụ quận Tân Bình) ví những ngày qua là thời gian “sống chậm và sống xanh”. Hơn một tuần tập thói quen dậy sớm, tập thể dục buổi sáng 30 phút và dành một tiếng đồng hồ để tập yoga vào buổi chiều. Thu kể: “Trước đây, tôi đi làm rồi về nhà hoặc đi chơi cùng bạn bè, ít quan tâm đến chuyện tập luyện. Những ngày ở nhà, đọc tin tức về dịch bệnh rồi mới thấy, rèn luyện cơ thể để có sức đề kháng tốt nó quan trọng lắm. Hơn tuần nay, tôi dậy sớm tập thể dục và học cách tập các bài yoga đơn giản qua mạng, thấy cơ thể khỏe khắn, thoải mái hơn. Có lẽ qua dịch, tôi sẽ duy trì thói quen tập thể dục và chú trọng chuyện giữ gìn sức khỏe nhiều hơn”.
Không những thế, nhiều người còn kể vui là những ngày này mở mạng xã hội ra thấy ai cũng là… vua đầu bếp. Rất nhiều bạn trẻ chăm chỉ nấu nướng, trình bày bàn ăn, chụp hình rồi post lên mạng để khoe với bạn bè, vừa xả stress, vừa chia sẻ sở thích, cũng là điều lành mạnh đáng ghi nhận.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nghi-va-song-cham-656477.html