Nghi vấn có titan giả trà trộn trong sản xuất máy bay Boeing, Airbus
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã vào cuộc điều tra về nghi vấn trên số máy bay do Boeing và Airbus sản xuất có sử dụng titan giả mạo, theo The New York Times.
Nghi vấn vật liệu titan không rõ nguồn gốc xuất xứ
Theo thông tin của Spirit AeroSystems - nhà cung cấp chính cho cả Boeing và Airbus, một số máy bay phản lực Boeing và Airbus được sản xuất gần đây có các bộ phận làm từ titan có giấy tờ truy xuất nguồn gốc giả mạo.
Các lô vật liệu titan dùng trong sản xuất máy bay của hai ông lớn hàng không Boeing và Airbus được cho là mua từ một nhà cung cấp châu Á ít người biết đến và tài liệu truy xuất nguồn gốc đi kèm là giả.
Tờ báo Mỹ cho biết Spirit AeroSystems, nhà sản xuất thân máy bay cho Boeing và cánh máy bay cho Airbus và Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã vào cuộc điều tra. Động thái này diễn ra sau khi một nhà cung cấp phụ tùng tìm thấy những lỗ nhỏ trên vật liệu do bị ăn mòn.
FAA đang đánh giá tình hình và những hậu quả ngắn hạn và dài hạn có thể xảy đến về an toàn cho máy bay. Theo FAA, sự việc này là nghiêm trọng và Boeing đã tự nguyện tiết lộ về vật liệu titan đáng ngờ.
Phía Boeing cũng khẳng định sẽ rà soát loại bỏ tất cả những bộ phận bị ảnh hưởng trên máy bay trước khi giao hàng.
NYT dẫn một nguồn tin cho biết, nghi vấn trên liên quan tới các máy bay được chế tạo từ năm 2019 đến năm 2023, bao gồm các mẫu Boeing 737 Max và 787 Dreamliner và Airbus A220.
The New York Times cho hay, sự việc có thể bắt đầu từ năm 2019, một nhà cung cấp vật liệu Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Aerospace Industries) đã mua một lô titan từ nhà cung cấp ở Trung Quốc. Sau đó, công ty Thổ Nhĩ Kỳ này đã bán số titan đó cho một số công ty sản xuất các bộ phận máy bay, cuối cùng đến với Spirit AeroSystems và công ty đã sử dụng cho các máy bay của Boeing và Airbus.
Vào tháng 12/2023, một công ty Italy cũng mua titan từ Turkish Aerospace Industries và nhận thấy vật liệu này có vẻ lạ thường so với những gì công ty thường nhận được. Sau đó, Titanium International Group mới phát hiện các chứng chỉ truy xuất nguồn gốc đi kèm lô titan này có vấn đề.
Vì sao titan dùng nhiều trong hàng không?
Trong hàng không, titan được sử dụng rất nhiều vì nó kết hợp được độ bền cao với trọng lượng nhẹ, thường được sử dụng để chế tạo các bộ phận máy bay như khung sườn, cánh và một số bộ phận động cơ vì khả năng chịu lực và chịu nhiệt tốt. Titan cũng giúp giảm trọng lượng tổng thể của máy bay, giúp tiết kiệm nhiên liệu và tăng hiệu quả hoạt động.
Nó có khả năng chống ăn mòn rất tốt, đặc biệt là chống lại nước biển, axit clohydric và axit clo. Do đó, kim loại này trở thành lựa chọn số một để sản xuất các bộ phận sử dụng trong môi trường khắc nghiệt hoặc phải tiếp xúc với hóa chất.
Spirit AeroSystems đã bắt đầu điều tra
Hãng cũng thông báo cho Boeing cùng Airbus vào tháng Một năm nay, cho biết, họ không thể xác minh nguồn gốc của titan kể trên.
Trong khi đó, Titanium International Group trao đổi với Spirit AeroSystems cho biết khi mua vật liệu vào năm 2019, họ không hề biết giấy tờ đã bị làm giả.
Trước đề nghị bình luận của New York Times, bà Francesca Conti, một giám đốc điều hành của Titanium International Group, cho hay vụ việc đang được điều tra và bà không thể cung cấp thêm chi tiết.
"Chúng tôi đang hợp tác với các cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề" - bà trả lời.
Hiện tại, Spirit AeroSystems đang theo dõi nguồn gốc của titan để xác định, liệu loại vật liệu này có đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hay không.
Hãng cũng đang đánh giá tính cơ học của các bộ phận được làm từ vật liệu titan.
Ông Joe Buccino, người phát ngôn của Spirit AeroSystems, cho biết: "Khi nhận ra titan giả mạo đã lọt vào chuỗi cung ứng, ngay lập tức chúng tôi đã kiểm soát tất cả các bộ phận nghi ngờ để xác định phạm vi của vấn đề".
Công ty đang làm việc với các khách hàng để xác định các máy bay bị ảnh hưởng. Chắc chắn, các hãng hàng không sẽ theo dõi và loại bỏ máy bay sớm hơn bình thường nếu thấy cần thiết.
Chưa thấy nguy hiểm
Cả Boeing và Airbus đều cho biết, đến nay, chưa phát hiện vấn đề khi thử nghiệm trên các vật liệu bị ảnh hưởng.
Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu cũng đã mở cuộc điều tra về vật liệu này (titan) sau khi được nhận thông tin về các vấn đề truy xuất nguồn gốc từ các đồng nghiệp ở Italy. Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn và trước mắt chưa tìm thấy bằng chứng về vấn đề an toàn.
"Tuy nhiên, cơ quan sẽ điều tra thêm nguyên nhân gốc rễ của vấn đề truy xuất nguồn gốc và tiếp tục theo dõi chặt mọi diễn biến" theo thông cáo báo chí của cơ quan này nêu.
Trong những năm gần đây, Spirit AeroSystems đã gặp phải những vấn đề về chất lượng và cả khó khăn tài chính. Riêng năm 2024, công ty này bị điều tra sau khi xảy ra vụ rơi cửa phụ trên máy bay Boeing 737 MAX vì phần khung sườn máy bay này do Spirit AeroSystems sản xuất.
Nghi vấn nguồn titan xuất phát từ Trung Quốc
Những người tiếp cận được vấn đề cho biết có vẻ một nhân viên tại một công ty Trung Quốc bán titan đã làm giả một số chi tiết trên chứng chỉ trong đó viết titan đến từ một công ty Trung Quốc khác, Baoji Titanium Industry - một công ty thường cung cấp titan có chứng chỉ.
Song sau đó, Baoji Titanium xác nhận với The New York Times. họ không cung cấp lô titan đó. Nguồn gốc của titan đang nghi vẫn chưa được làm rõ.
"Baoji Titanium không biết gì về doanh nghiệp này và không có giao dịch kinh doanh gì với họ" - phía công ty cho biết.