Nghi vấn cựu Tổng thống Ukraine vượt biên bất thành khi đối mặt cáo buộc phản quốc
Nguồn tin hải quan Ukraine cho biết cựu Tổng thống Poroshenko được phát hiện ở biên giới với Ba Lan, bị cáo buộc tìm cách rời đất nước trong khi đối mặt với cáo buộc phản quốc.
Đài RT dẫn truyền thông Ukraine đưa tin, cựu tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã tìm cách vượt biên giới sang Ba Lan ngày 27/5. Đây là thông tin xuất phát từ cơ quan hải quan Ukraine. Người tiền nhiệm của đương kim tổng thống Volodymyr Zelensky hiện đang phải đối mặt với cáo buộc phản quốc.
Kênh Tin tức Quốc gia Ukraine (UNN) và Ukrainskaya Pravda trích dẫn các nguồn tin tại Cục Hải quan Nhà nước Ukraine cho biết, ông Poroshenko đã xuất hiện tại giao lộ Rava-Ruska, phía tây Lvov, trên chiếc SUV Range Rover của mình vào tối 27/5 (theo giờ địa phương). Những người lính biên phòng đóng quân ở đó được cho là không muốn chịu trách nhiệm về việc quyết định có để ông ta xuất cảnh hay không. Tuy nhiên, không có xác nhận chính thức từ cơ quan biên phòng.
Các bức ảnh được đăng trên Telegram cho thấy một người trông giống như ông Poroshenko đang nói chuyện với một số nhân viên hải quan.
"Đây là một trật tự chính trị trông thật ghê sợ", chính trị gia Ukraine Irina Gerashchenko viết trên Telegram, lưu ý rằng ông Poroshenko đã bị ngăn cản rời khỏi đất nước mặc dù ông đã có một giấy thông hành hợp lệ từ quốc hội để tham dự Hội nghị Nghị viện NATO tại Litva.
Về mặt kỹ thuật, ông Poroshenko vẫn là một thành viên của Quốc hội Ukraine. Vào tháng 12/2021, chính phủ hiện tại cáo buộc ông ta tội phản quốc trong kế hoạch mua than từ lực lượng đòi độc lập ở Donbass trong giai đoạn 2014-15. Cáo trạng cho rằng khi còn đương chức, ông Poroshenko đã tham gia vào một kế hoạch mua lượng than trị giá 1,5 tỷ hryvnia (54 triệu USD) từ lực lượng đòi độc lập Donbass bất chấp các quy định cấm sau khi khu vực này đòi ly khai và gây chiến với Kiev. Các công tố viên nói rằng thỏa thuận này là bất hợp pháp và cáo buộc ông tội phản quốc và tài trợ cho khủng bố thông qua giao dịch có chủ đích.
Ông Poroshenko đến Thổ Nhĩ Kỳ khi các cáo buộc được công bố, nhưng đã quay lại Kiev vào tháng 1 năm nay. Sau khi về nước, "vua sô cô la" được lệnh giao nộp hộ chiếu và đeo thẻ giám sát điện tử để đảm bảo không bỏ trốn khỏi Ukraine. Sau đó, một tòa án đã từ chối yêu cầu của chính phủ về việc tống giam hoặc quản thúc tại gia đối với cựu lãnh đạo này.
Ông Poroshenko phủ nhận các cáo buộc phản quốc và cho rằng vụ truy tố có động cơ chính trị.
Được biết đến với biệt danh “Vua sô cô la”, nhờ sở hữu tập đoàn kẹo khổng lồ Roshen, ông Poroshenko đã gây dựng được một đế chế kinh doanh đáng nể ở Ukraine trong những năm 1990, bao gồm các nhà máy đóng tàu và một kênh truyền hình. Theo lời ông nói với tờ Washington Post, kênh truyền hình này đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy Maidan vào tháng 2/2014, lật đổ Tổng thống đắc cử Viktor Yanukovich.
Trước đó, ông Poroshenko từng đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng và bộ trưởng thương mại trong một thời gian ngắn của chính phủ do các chính trị gia miền Tây Ukraine lãnh đạo. Ông thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 5/2014. Với tư cách là tổng thống, ông đã lãnh đạo “hoạt động chống khủng bố” nhằm vào lực lượng đòi độc lập ở Donbass vào mùa hè năm 2014 và vào đầu năm 2015. Cả hai nỗ lực đều kết thúc không thành đối với quân đội Ukraine, với việc Kiev đồng ý ngừng bắn ở Minsk. Bên cạnh những vụ bê bối, ông Poroshenko đã thất bại khi tái tranh cử năm 2019 trong một cuộc chiến bất ngờ trước đối thủ Zelensky.