Nghi vấn đằng sau vụ tấn công tên lửa vào cao nguyên Golan

Theo các chuyên gia quân sự, nếu tên lửa Falaq rơi xuống cao nguyên Golan, thiệt hại nó gây ra có thể lớn hơn nhiều so với những thông tin Israel công bố.

Ngày 27/7, cả thị trấn Majdal Shams thuộc cao nguyên Golan chấn động trước một tiếng nổ lớn đến từ sân chơi vốn tập trung đông người ở trung tâm thị trấn.

Vụ nổ ngay lập tức khiến 12 trẻ em có mặt tại sân chơi thiệt mạng và làm 44 người khác bị thương. Ngay sau đó, Israel cáo buộc phong trào Hezbollah của Lebanon đứng sau vụ tấn công.

Khu vực bị tấn công cách Lebanon khoảng 12 km về phía nam và gần biên giới với Syria.

Hezbollah sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.

Hiện trường vụ tấn công tên lửa vào Majdal Shams ngày 27/7. (Ảnh: Daily Mail)

Hiện trường vụ tấn công tên lửa vào Majdal Shams ngày 27/7. (Ảnh: Daily Mail)

Những nghi vấn sau vụ tấn công

Theo phóng viên chiến trường Elijah Magnier, ngoại trừ các tuyên bố của phía Israel hiện có rất ít thông tin về vụ tấn công tên lửa ở cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em Hồi giáo Druze Ả Rập thiệt mạng. Israel cũng từ chối cho các điều tra viên quốc tế đến Majdal Shams để điều tra. Điều này làm dấy lên một số nghi vấn.

"Israel từ chối cho các nước phương Tây kể cả Mỹ được phép tiếp cận hiện trường vụ tấn công. Họ cũng không công bố các bằng chứng về mảnh vỡ của tên lửa", ông Magnier giải thích.

Ông Magnier cũng nhắc đến một nghi vấn rằng, nếu như phía Israel công bố loại tên lửa tấn công vào Majdal Shams là Falaq (do Iran sản xuất), thì với đầu đạn nặng gần 50 kg của Falaq sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với con số hiện tại.

Với 35 năm kinh nghiệm tác nghiệp tại các cuộc xung đột ở Iran, Lebanon, Syria, Iraq, Libya, Sudan, Afghanistan và Nam Tư, Magnier cho bằng chứng mà người Israel đưa ra không thuyết phục.

Một nguyên nhân khác khiến Magnier hoài nghi về tuyên bố của Israel là việc Tel Aviv cung cấp bằng chứng không rõ ràng tên lửa tấn công Majdal Shams. Những hình ảnh về mảnh vỡ chỉ cho thấy chúng thuộc về dòng tên lửa Falaq.

“Thông thường nhóm điều tra sẽ chụp vật chứng ngay tại hiện trường nhưng ở Majdal Shams điều này lại không được thực hiện", ông Magnier phân tích.

Hình ảnh do người dân tại hiện trường chụp cho thấy một hố nhỏ ở rìa sân bóng đá, bên cạnh hàng rào bị phá hủy một phần.

“Đường kính của hố bom do tên lửa Falaq tạo ra có thể từ 4 - 6 m và độ sâu khoảng 1,5 m đến 3 m. Những hình ảnh tại hiện trường lại không cho thấy như vậy", ông Magnier nói thêm.

Vụ nổ ở Majdal Shams quá nhỏ và nó còn không đủ để phá hủy hàng rào khu vui chơi. Nếu quả tên lửa không thể kích nổ được đầu đạn thì các mảnh vỡ sẽ rất rõ ràng.

Mảnh vỡ tên lửa do Israel công bố sau vụ tấn công 27/7. (Ảnh: IDF)

Mảnh vỡ tên lửa do Israel công bố sau vụ tấn công 27/7. (Ảnh: IDF)

Israel vội vàng trả đũa

24 giờ sau vụ tấn công Majdal Shams, Lực lượng phòng vệ Israel (DF) đã thực hiện việc ném bom 12 khu định cư ở Lebanon. Tel Aviv cho biết họ phải đáp trả sau khi Hezbollah đã vượt qua "ranh giới đỏ".

Ngay cả sau khi Israel tấn công trả đũa Hezbollah cũng lên tiếng phủ nhận có liên quan đến vụ tấn công ở cao nguyên Golan.

Theo Magnier, Hezbollah không có lý do gì để tấn công cộng đồng người Hồi giáo Druze ở cao nguyên Golan, nơi đang bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp.

“Hezbollah có hàng ngàn mục tiêu dân sự có thể tấn công gần biên giới Lebanon, và họ thực sự có thể phá hủy bất kỳ ngôi làng hay thành phố nào do Israel chiếm đóng mà không cần phải đến một ngôi làng của người Hồi giáo Druze", ông Magnier nói.

Một điểm khác là kể từ khi Hezbollah và Israel xảy ra giao tranh cho đến nay, phong trào Hồi giáo này gần như hạn chế tấn công các mục tiêu dân sự của Tel Aviv.

Về nguyên nhân dẫn vụ nổ ở Majdal Shams, Magnier lập luận rằng có khả năng tên lửa phòng không bị lỗi của Israel rơi xuống cao nguyên Golan.

Vị trí thị trấn Majdal Shams thuộc cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng. (Ảnh: BBC)

Vị trí thị trấn Majdal Shams thuộc cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng. (Ảnh: BBC)

Theo Magnier, không hiếm trường hợp tên lửa phòng không của Israel gặp lỗi trong quá trình đánh chặn mục tiêu và chúng có thể rơi xuống bất kỳ đâu. Từ hình ảnh ở hiện trường đây rất có thể là tên lửa Tamir được sử dụng trên các hệ thống Iron Dome.

"Mỗi tên lửa Tamir chỉ mang theo đầu đạn nặng hơn 10kg và một vụ nổ do chúng gây ra có thể tạo ra thiệt hại như chúng ta đã thấy ở Majdal Shams", Magnier nói thêm.

Các bằng chứng hiện tại đều cho thấy quy mô của vụ nổ ở Majdal Shams không tương xứng với sức mạnh của một tên lửa mang 50kg như Falaq.

Trà Khánh (Nguồn: Sputnik)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nghi-van-dang-sau-vu-tan-cong-ten-lua-vao-cao-nguyen-golan-ar886398.html